Ngày 25.9, thông tin từ Bệnh viện Thống Nhất, 6 tiếng sau khi phẫu thuật, 2 bệnh nhân bị tắc động mạch đã ngồi dậy và sinh hoạt bình thường.
Theo đó, bệnh nhân N.V.T (nam, 60 tuổi) nhập viện vì đau vùng đùi và cẳng bàn chân đã 2 năm, đi khoảng 50 m thì có cảm giác đau. Sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán hẹp tắc động mạch chủ bụng và động mạch chậu hai bên.
Còn bệnh nhân N.V.B (nam, 70 tuổi) nhập viện vì đau, tê vùng mông và đùi 2 bên trong nhiều tháng. Bệnh nhân khám phòng khám bên ngoài và uống thuốc nhưng không bớt, bệnh nhân bị đau, tê nhiều hơn nên đến Bệnh viện Thống Nhất khám. Kết quả khám cho thấy bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch bụng.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Tân, khoa Ngoại tim mạch - lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất, những trường hợp tắc mạch động mạch chủ bụng và kéo dài đến động mạch chậu như 2 trường hợp trên có thể dẫn đến hoại tử ở mông, những vùng cơ ở mông, vùng hạ vị, ở cơ quan sinh dục và đặc biệt là 2 chân...
Các triệu chứng ban đầu của bệnh tắc động mạch là đau và tê chân, nếu để lâu có thể nhiễm trùng hoại tử chân, có thể phải cắt chân, tháo khớp háng, thậm chí gây tử vong.
6 giờ sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể sinh hoạt bình thường
Bác sĩ Tân cho biết, phương pháp điều trị trước đây là gây mê rồi mổ sẽ để lại sẹo rất lớn. Hiện nay, Bệnh viện Thống Nhất áp dụng phương pháp gây tê tại chỗ, mổ nội soi động mạch là chọc kim qua động mạch, sau đó sử dụng dụng cụ khâu qua kim. Sau ca mổ, trên người của bệnh nhân sẽ không để lại vết mổ, vết sẹo nào cả. 6 giờ sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể ngồi dậy và sinh hoạt bình thường.
“Bệnh tắc động mạch thường gặp ở người cao tuổi, đặc biệt những người trên 60 tuổi. Hơn 50% người cao tuổi đều có các bệnh lý về tắc mạch, vì vậy nên tầm soát sức khỏe người cao tuổi để phát hiện sớm, để có thể phẫu thuật nhẹ nhàng không bị biến chứng, kinh phí ít còn nếu phát hiện trễ thì kinh phí mổ nhiều, phẫu thuật khó hơn”, bác sĩ Tân chia sẻ.
Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Duy Tân cũng cho biết, triệu chứng của bệnh tắc động mạch chủ thường bị lẫn lộn với bệnh cơ xương khớp (đau cơ xương khớp). Người bệnh đến khám do bị tắc mạch thường biểu hiện bằng đau và tê chân tay, nội tiết tiểu đường… Để phát hiện mà không bị nhầm lẫn với các bệnh khác, người bệnh nên đi siêu âm, tầm soát sức khỏe thường xuyên.
Ngoài ra, theo bác sĩ Tân, giới trẻ hiện nay, khi bị stress nhiều cũng có thể dẫn đến xơ vữa động mạch, tắc động mạch. Để phòng ngừa bệnh tắc động mạch, tắc mạch thì mọi người phải kiểm soát được mỡ trong máu, đường huyết. Đặc biệt là chế độ ăn uống phải nhiều rau củ, hạn chế chất béo, đồ ngọt và thuốc lá.