Tại hội nghị, UBND tỉnh Hải Dương và các sở, ngành liên quan tập trung trả lời các nội dung chất vấn của đại biểu, làm rõ các vấn đề liên quan đến thực trạng, nguyên nhân hạn chế và định hướng trong hoạt động thu gom, xử lý rác thải
Chiều 15.6, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay, trung bình mỗi ngày trên địa bàn Hải Dương phát sinh khoảng 1.282 tấn rác/ngày đêm, trong đó khu vực đô thị khoảng 601 tấn, khu vực nông thôn khoảng 681 tấn. Công tác thu gom chất thải trên địa bàn tỉnh được thực hiện bởi 6 công ty, 691 tổ, đội thu gom với tổng số khoảng 1.940 người tham gia. Chất thải trên địa bàn tỉnh hiện nay được xử lý bằng hình thức đốt tiêu hủy tại các nhà máy và chôn lấp tại các bãi chôn lấp, ủ mùn rác thải hữu cơ sau phân loại, trong đó tỷ lệ rác được đốt tại các nhà máy chiếm 39%, còn lại là chôn lấp. Thực hiện Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn tại 19 xã, thị trấn thuộc huyện Nam Sách. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ huyện Kim Thành, các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng đã xây dựng, duy trì và hướng dẫn cho nhiều gia đình, cá nhân triển khai, thực hiện mô hình thu gom, phân loại rác thải tại nguồn. UBND tỉnh đã chỉ đạo quy hoạch 5 khu vực để thu hút đầu tư, xây dựng nhà máy xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh.
Qua đánh giá của UBND tỉnh, quá trình thu gom, xử lý, phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế. Một số địa phương chưa thực hiện hoặc có triển khai nhưng thực hiện chưa triệt để. Người dân chưa đồng thuận trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng điểm tập kết, trung chuyển, khu chôn lấp chất thải, vị trí xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Việc ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn chậm so với mục tiêu đề án xử lý chất thải rắn. Một số bãi chôn lấp rác thải ở khu vực nông thôn không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Công tác phân loại chất thải tại nguồn nhằm tái chế, tái sử dụng thành phần có ích chưa đồng bộ, hiệu quả… Nguyên nhân của những hạn chế này do người dân chưa thấy được lợi ích lâu dài của việc phân loại rác thải tại nguồn, chưa hình thành được thói quen phân loại rác. Một số quy định, hướng dẫn chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chưa được ban hành dẫn tới không đủ cơ sở để triển khai thực hiện một số nội dung có liên quan…
Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kết luận, Thường trực HĐND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn những hạn chế. Lượng rác thải chôn lấp còn nhiều, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân ở gần bãi chôn lấp rác thải. Người dân còn có ý kiến, kiến nghị về vấn đề môi trường. Việc phân loại rác thải tại nguồn bước đầu đã được triển khai nhưng còn những hạn chế.
Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng chính sách thỏa đáng để thu hút nhà đầu tư xử lý rác thải với công nghệ hiện đại. Để giảm gánh nặng cho ngân sách và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân trong việc thu gom, xử lỷ rác thải, UBND tỉnh cần xem xét tăng phí môi trường trên địa bàn tỉnh. Sở Khoa học và Công nghệ khẩn trương nghiên cứu giải pháp xử lý lượng mùn ủ sau khi phân loại rác tại nguồn. Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành liên quan có trách nhiệm rà soát, đánh giá lại Đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, tham mưu cho tỉnh điều chỉnh những nội dung không còn phù hợp…
Nguồn: moitruongvadothi.vn
Đang gửi...