Theo ghi nhận, mỏ đá Bụng Cóc nằm sát khu dân cư thôn Đồng Bong, bên trong có nhiều máy móc, phương tiện hoạt động, đứng cách xa khoảng 500 mét vẫn nghe tiếng máy bên trong vận hành. Con đường đi qua thôn Đồng Bong có nhiều xe chở đá ra vào, những chiếc xe tải lớn này không chỉ gây rung chấn mà còn cuốn theo cả bụi mù mịt, xộc thẳng vào nhà người dân 2 bên đường.
"Họ nổ mìn mà chúng tôi cảm thấy như có động đất"
Khổ nhất là những hộ dân sống cách mỏ đá trong bán kính khoảng 300 - 400 mét. Ngoài việc phải hít thở không khí ô nhiễm do bụi, họ còn bị tra tấn bởi tiếng máy móc khai thác, chế biến đá. Đặc biệt, những khi mỏ đá nổ mìn đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân địa phương nơi đây.
"Họ nổ mìn mà chúng tôi cảm thấy giống như có động đất, cửa kính rung bần bật. Cháu nhà tôi mỗi lần nghe thấy tiếng mìn thì hoảng sợ, bám chặt vào người lớn", bà Nguyễn Thị Hương, hộ dân sống cách mỏ đá khoảng 350 mét, chia sẻ.
Theo bà Hương, từ khi mỏ đá hoạt động khoảng 1 năm nay, cuộc sống của gia đình bà và hàng chục hộ dân khác bị đảo lộn vì tiếng ồn, bụi. Bà Hương cũng đặt ra câu hỏi tại sao mỏ đá nằm sát khu dân cư nhưng bỗng dưng lại được hoạt động?
"Vườn na nhà tôi nằm cách mỏ đá chừng 50 mét, nhiều hôm làm vườn mỏ đá nổ mìn, họ còi nhỏ, đến khi tiếng nổ rầm trời, đá bay vào vườn tôi mới biết mà chạy", bà Hương nói và cho hay, khi nổ mìn xong, bụi đá theo chiều gió xộc thẳng vào nhà. Thậm chí, đá còn văng vào nhà người dân gây hỏng mái tôn.
Mỗi khi mỏ đá nổ mìn hoặc nghiền đá thì bụi lại bay mù trời, xộc thẳng vào khu dân cư
NDCC
Tài sản lớn nhất của gia đình bà Hương là ngôi nhà cũng bị ảnh hưởng khi bắt đầu xuất hiện những vết nứt chạy dọc mái. Mỗi khi trời mưa, nước theo vết nứt ngấm xuống, chảy ra nhà. Gia đình bà đã khắc phục bằng cách quét sơn chống thấm nhưng "chẳng ăn thua".
"Ngôi nhà của tôi xây dựng hết 900 triệu đồng, 5 năm nay chưa có vấn đề gì nhưng từ khi mỏ đá hoạt động, họ nổ mìn gây rung chấn và những vết nứt bắt đầu xuất hiện cách đây khoảng 4 - 5 tháng. Chúng tôi đã phản ánh đến chính quyền và doanh nghiệp khai thác mỏ đá nhưng họ chỉ đến ghi chép rồi ra về", bà Hương bức xúc nói.
"Nhà tôi sập lúc nào cũng chẳng hay"
Sự bức xúc của bà Hương cũng như gần 70 hộ dân sống gần mỏ đá càng lên cao khi họ nhiều lần phản ánh đến chính quyền về tình trạng trên nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy.
Những ngôi nhà, công trình của người dân bị ảnh hưởng do hoạt động nổ mìn tại mỏ đá
ĐÌNH HUY
"Khi người dân căng thẳng, đăng tải việc gây ô nhiễm môi trường của mỏ đá lên mạng xã hội hoặc có lực lượng chức năng về kiểm tra, mỏ sẽ nổ mìn nhỏ, làm ít, sau đó vài ngày chúng tôi lại tiếp tục bị tra tấn. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên xã Đồng Tâm nhưng không được giải quyết. Sau đó, chúng tôi gửi đơn lên UBND huyện Lạc Thủy nhưng hơn 1 tháng nay lãnh đạo huyện vẫn chưa có câu trả lời", chị Trần Thị Thanh, người dân sống cạnh mỏ đá, nói.
Sống trong ngôi nhà cách khu nổ mìn của mỏ đá chỉ hơn 200 mét, chị Thanh cho biết, mỗi ngày đối với gia đình chị giống như một "cơn ác mộng". Chưa nói đến bụi vì ngày nào cũng phải rửa nhà, chị Thanh lo lắng nhất về 3 người con nhỏ, đặc biệt là bé gái út năm nay được 4 tuổi.
"Cháu bây giờ cứ nghe thấy tiếng động to thì cho đó là nổ mìn, rồi hét lên, bỏ hết tất cả chạy đến ôm mẹ hoặc trốn vào góc tối nên tôi rất lo khi tâm lý con bị ảnh hưởng", chị Thanh than thở và cho rằng, nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra, chị chẳng biết tương lai, sức khỏe và tinh thần của lũ trẻ sẽ ra sao. Ngôi nhà của chị cũng đã bắt đầu xuất hiện vết nứt, rồi sập lúc nào cũng chẳng hay.
Chính quyền địa phương bất lực vì thiếu thẩm quyền?
Theo tìm hiểu của PV, doanh nghiệp đang khai thác mỏ đá vôi Bụng Cóc là Công ty TNHH MTV đầu tư Thành Hưng Hòa Bình. Công ty này được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận cho khai thác mỏ đá vôi núi Bụng Cóc vào ngày 9.10.2023 theo giấy phép khai thác khoáng sản số 54 của UBND tỉnh ban hành ngày 20.9.2012.
Cách thời điểm được tỉnh Hòa Bình chấp thuận cho khai thác mỏ đá vôi Bụng Cóc khoảng 5 tháng trước (ngày 18.5.2023), Công ty TNHH MTV đầu tư Thành Hưng Hòa Bình từng bị tỉnh này xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 200 triệu đồng.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Phan Tiến Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm, cho biết chính quyền địa phương đã nhận được phản ánh về rung chấn gây nứt nhà, bể nước, khói bụi, tiếng ồn gây ảnh hưởng đến đời sống nhân dân từ hoạt động khai thác đá của Công ty TNHH MTV đầu tư Thành Hưng Hòa Bình và báo cáo lên UBND huyện Lạc Thủy. Ngoài ra, còn có hiện tượng đá văng vào mái tôn nhà người dân, khi xảy ra, Công an huyện Lạc Thủy cũng đã về tận nơi làm việc.
Trước câu hỏi về việc tại sao mỏ khai thác đá lại nằm sát khu dân cư, cách nhà nhiều hộ dân chừng 300 - 400 mét khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ông Đạt cho rằng, ngay khi mỏ đá hoạt động trở lại, chính quyền đã tiếp thu ý kiến của người dân qua các hoạt động tiếp xúc cử tri, kiểm tra thực tế, trên cơ sở đó, tổng hợp và báo cáo lên cấp trên. Tuy nhiên, do thẩm quyền hạn chế nên xã không thể kiểm tra giấy tờ hoạt động của doanh nghiệp.
"Sự ảnh hưởng của việc khai thác đá đến cuộc sống người dân từ việc nổ mìn, chế biến chúng tôi đã nhắc nhở doanh nghiệp làm đúng theo giấy phép và báo cáo lên UBND huyện Lạc Thủy, huyện cũng đã về kiểm tra, làm việc, chúng tôi cũng chưa nắm được kết quả kiểm tra cụ thể", ông Đạt nói.
Theo ông Đạt, từ khi hoạt động trở lại, doanh nghiệp khai thác mỏ đá chưa có đóng góp gì đáng kể đối với địa phương. Hiện tại, thôn Đồng Bong có khoảng 130 hộ dân.