Cảnh báo mưa bão khó lường

16:27 - 17/07/2024

Dự báo, trong cả mùa mưa năm nay, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới có thể nhiều hơn trung bình các năm, thậm chí có khả năng xuất hiện siêu bão.

Áp thấp nhiệt đới mới sắp đến

Trong những ngày qua, mưa lớn kèm theo giông lốc xảy ra ở nhiều địa phương cả nước. Ở nhiều vùng biển tàu thuyền phải ngưng hoạt động hoặc vào nơi trú ẩn vì biển động mạnh, còn trên các vùng núi tình trạng sạt lở đất mang đến nhiều bất an cho người dân. Điển hình là vụ sạt lở đất vùi lấp xe khách ở Hà Giang làm 11 người chết xảy ra ngày 13.7. Ngoài sạt lở, mưa lớn cũng có khả năng gây nguy cơ xảy ra lũ ở hạ lưu sông Lô tại Tuyên Quang và sông Hồng tại Hà Nội. Nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất tiếp tục xảy ra tại các tỉnh vùng núi, trung du phía bắc, đặc biệt là các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Ninh…

Trong khi đó, tại Hà Nội và TP.HCM mưa lớn kèm theo giông cũng xuất hiện thường xuyên gây ảnh hưởng không nhỏ đến các sinh hoạt thường nhật của người dân. Riêng TP.HCM sau chuỗi ngày nắng nóng thì thời gian này trời đã dịu mát, nhưng mưa giông thất thường cũng mang đến không ít nỗi lo cho người dân.

Cảnh báo mưa bão khó lường

VN đang bước vào cao điểm mùa mưa bão, dự báo nhiều bất thường

Nhật Thịnh

Chị Nguyễn Kim Nga, nhân viên văn phòng ở Q.1 (TP.HCM), cho biết: Mấy hôm gần đây trời thường xuất hiện mưa giông. Nhà tôi ở trên tầng cao nên mỗi khi trời nổi gió mạnh tạo thành tiếng rít rất đáng sợ. Ngoài ra, mưa lớn vào buổi chiều khiến tình trạng kẹt xe, tắc đường trở thành mối lo lắng thường xuyên mỗi chiều tan ca. Bên cạnh đó là những lo lắng về hiện tượng cây ngã trong mưa giông gây nguy hiểm đến tính mạng người đi đường.

Thực tế, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông khiến gió mùa tây nam hoạt động mạnh dẫn tới khu vực Tây nguyên và Nam bộ có mưa giông. Đến sáng 16.7, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết ATNĐ vừa suy yếu thành một vùng áp thấp và sẽ tiếp tục suy yếu.

Tuy nhiên dự báo đến ngày 17.7, khu vực Tây nguyên và Nam bộ có mưa, mưa vừa và giông, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20 - 40 mm, cục bộ có nơi trên 100 mm. Mưa tập trung vào chiều và đêm. Trong khi đó, vùng biển từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan có gió tây nam mạnh cấp 5 có lúc cấp 6 giật cấp 7 - 8; sóng biển cao 1 - 2,5 m; biển động.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia dự báo khí tượng thủy văn, cho biết thêm: Hiện tại, dải hội tụ nhiệt đới vẫn duy trì trên khu vực Nam bộ gây thời tiết xấu. Sáng 16.7, cơ quan dự báo khí tượng thủy văn của Nhật Bản tiếp tục cảnh báo một cơn ATNĐ sắp xuất hiện. Có khả năng ATNĐ sẽ xuất hiện ngày 18.7, trên vùng biển phía đông nam của Philippines. ATNĐ dự kiến sẽ vượt qua Philippines và mạnh lên thành bão khi vào Biển Đông của VN. Hướng đi tạm thời của bão chủ yếu theo hướng tây bắc về phía đảo Hải Nam hoặc đảo Lôi Châu của Trung Quốc. Tuy nhiên "đuôi" của bão có thể quét qua khu vực quần đảo Trường Sa, hoàn lưu của bão sẽ gây mưa to và gió mạnh ở khu vực giữa và nam Biển Đông, trên đất liền Nam bộ thời tiết xấu tiếp tục kéo dài trong những ngày tới. Các tàu thuyền hoạt động trên biển cần hết sức thận trọng và tiếp tục theo dõi các thông tin cập nhật về thời tiết.

Có thể xuất hiện siêu bão

Theo bà Lan, về mặt khí tượng thì năm nay khá đặc biệt khi đầu năm là El Nino và cuối năm khả năng cao xuất hiện La Nina, còn hiện tại vẫn là tình trạng trung tính. Khả năng từ nay đến cuối năm mưa bão sẽ dồn dập hơn và số lượng cơn bão/ATNĐ có thể nhiều hơn trung bình nhiều năm từ 1 - 2 cơn.

Ngoài ra, do tác động kép của La Nina và biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng bất thường nên cũng không loại trừ khả năng xuất hiện siêu bão. Từ nay đến tháng 10 là giai đoạn gió tây nam thịnh hành và là trọng tâm của mùa mưa bão. Thời tiết xấu thường xuyên xuất hiện với các tổ hợp như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi. Thông thường hằng năm thì giai đoạn từ tháng 7 - 8, các cơn bão nhiều khả năng ảnh hưởng đến khu vực các tỉnh phía đông bắc bộ. Giai đoạn từ tháng 9 - 10 sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung. Tại miền Nam, do ảnh hưởng của La Nina nên mùa mưa bão có thể kéo dài hơn bình thường và có thể bị ảnh hưởng bởi những cơn bão xuất hiện vào thời điểm tháng 11 - 12 và đầu năm 2025.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng xác nhận, hiện tượng ENSO đang ở trạng thái trung tính và có khả năng chuyển sang La Nina từ tháng 9 - 10 với xác suất 60 - 70%. Từ nay đến tháng 10, có khả năng xuất hiện khoảng từ 6 - 8 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 2 - 4 cơn đổ bộ vào đất liền VN (trung bình các năm là 3 cơn) và đề phòng khả năng bão hình thành ngay trên Biển Đông. Do mưa bão tăng dần nên ở khu vực Bắc bộ tổng lượng mưa trong tháng 8 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, còn sang tháng 9 tổng lượng mưa tăng cao hơn từ 5 - 15% và sang tháng 10 tăng cao hơn 10 - 30%. Còn khu vực Trung bộ lượng mưa phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%. Khu vực Tây nguyên và Nam bộ tổng lượng mưa phổ biến cao hơn từ 5 - 15%.

Giai đoạn từ tháng 11.2024 - 1.2025, trên Biển Đông có thể xuất hiện thêm 3 - 4 cơn bão/ATNĐ và có 1 - 2 cơn đổ bộ vào đất liền. Giai đoạn này, lượng mưa ở Bắc bộ giảm dần và vẫn còn duy trì mức tăng tương đương trung bình nhiều năm, ở Trung bộ vẫn phổ biến cao hơn từ 10 - 12%. Riêng Nam bộ tổng lượng mưa trong tháng 11.2024 vẫn cao hơn từ 5 - 20% so với cùng kỳ nhiều năm nhưng mưa sẽ giảm dần về mức xấp xỉ các năm vào tháng 12.2024 - 1.2025.

Số người thiệt mạng vì thiên tai tăng mạnh

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, từ đầu năm đến nay thiên tai đã làm 68 người chết, tăng đến 16 người so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số người chết nhiều nhất là do xảy ra sạt lở đất.

Phan Hậu

Thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang mở cửa xả lũ, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất

Ngày 16.7, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, rạng sáng cùng ngày, ATNĐ đã suy yếu thành vùng áp thấp nhưng vẫn gây ra mưa lớn diện rộng ở Bắc bộ, Trung bộ.

Số liệu quan trắc lượng mưa trong 1 giờ (từ 14 - 15 giờ ngày 16.7) của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia ghi nhận, ở các tỉnh Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to. Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực ở các tỉnh nêu trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Trong khi đó, dự báo mưa lớn vẫn còn kéo dài đến hết ngày 17.7.

Do mưa lớn những ngày vừa qua, lượng nước về các hồ thủy điện ở Bắc bộ lên cao, từ 16 giờ ngày 16.7. Theo lệnh của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình và Giám đốc Công ty thủy điện Tuyên Quang, mỗi đơn vị cùng mở một cửa xả lũ để hạ mực nước trong hồ. Hiện hồ thủy điện Hòa Bình đang duy trì 2 cửa xả lũ.

Do ảnh hưởng của mưa lớn kết hợp với tác động khi các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang xả lũ, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, vùng núi trung du phía bắc, đặc biệt là các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Phan Hậu

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Bà xã cát tường - SCTV9

 

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...