Theo quy định hiện hành tại Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021), với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng), người điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt từ 4 - 6 triệu đồng, người điều khiển xe máy sẽ bị phạt 800.000 đồng - 1 triệu đồng. Đồng thời, người điều khiển phương tiện còn bị tước GPLX từ 1 - 3 tháng.
Trong dự thảo nghị định đã chuyển tới Bộ Tư pháp để thẩm định, Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt tiền hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông lên 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô, từ 2 - 3 triệu đồng với người điều khiển xe máy. Đồng thời, người điều khiển phương tiện còn bị trừ 3 điểm GPLX.
Ngán ngẩm vì lạng lách, vượt đèn
Tiếp nhận thông tin về đề xuất tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm an toàn giao thông, đa số bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên bày tỏ ủng hộ.
BĐ Ryuk chia sẻ: "Chẳng biết họ bận rộn, gấp gáp đến mức nào mà bất chấp tính mạng để vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, phóng nhanh, lạng lách... Mỗi lần đi ra đường là thấy căng thẳng như bị thập diện mai phục ấy, đằng sau thì lạng lên, trước thì không xi nhan quẹo đột ngột, phía ngược chiều thì lấn sang làn để vượt, qua đường thì không nhìn đường, đèn đỏ mặc kệ cứ phóng qua ngã tư". "Chỉ còn vài giây đèn đỏ mới hết đã tăng ga. Nhanh vài giây để làm cái gì? Gây tai nạn thì nói do xui xẻo, sao kỳ vậy?", BĐ Trịnh Cường bức xúc.
Nhiều BĐ còn cho rằng mức tăng tiền phạt đối với lỗi vượt đèn đỏ, theo đề xuất, vẫn còn quá ít. BĐ Hong Phuc Mai nêu: "Phạt vậy vẫn còn ít, cứ tăng phạt mạnh nữa, đánh mạnh vào ví để cho họ chừa". Tán thành, BĐ Tan Nguyen nhận xét: "Vượt đèn đỏ là lỗi rất nặng, mức phạt nên tính ngang bằng với hành vi vi phạm nồng độ cồn mức độ cao. Ngoài ra, theo tôi cũng cần chú ý xe đạp vượt đèn đỏ cũng không hề ít, cần có biện pháp chế tài".
Xử lý như lỗi nồng độ cồn
Bộ Công an cho biết, từ năm 2020 - 2024, lực lượng công an toàn quốc lập biên bản xử lý gần 14,9 triệu trường hợp vi phạm, nộp kho bạc hơn 21.036 tỉ đồng. Kết quả phân tích cho thấy, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn chủ yếu là do lỗi của người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc giao thông (chiếm trên 90%), trong đó có hành vi vượt đèn đỏ.
Để hạn chế thấp nhất những hành vi vi phạm an toàn giao thông, BĐ Minh Nghĩa góp ý: "Chỉ dừng lại ở phạt tiền là chưa đủ, mà còn phải tập trung vào cả công tác giáo dục, tuyên truyền kiến thức về trật tự, an toàn giao thông; làm kiên trì, lâu dài, toàn xã hội xắn tay áo lên cùng làm, như đối với xử lý lỗi nồng độ cồn vậy".
BĐ "hiep nguyen" nêu ý kiến: "Ở nhiều nước, mức phạt rất nặng cũng là cách giáo dục để mọi người ý thức. Vì cứ mỗi lần nghĩ đến mức phạt thì họ nghĩ đến chén cơm manh áo, nên họ luôn tuân thủ pháp luật".
Cùng suy nghĩ này, BĐ Nguyễn Hồng Vương nêu: "Điều này không cần nhắc lại, vì ai cũng hiểu. Hiện giờ, cái người dân cần là quy định và chế tài đủ mạnh, và cần làm ngay. Bài học tuyên truyền, vận động toàn xã hội đội mũ bảo hiểm trước đây đang hiện hữu đó!".