Ngày 17.12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.1 (TP.HCM) đang củng cố hồ sơ, xử lý Quách Minh Nhựt (33 tuổi, ở Q.6) về hành vi cố ý gây thương tích.
Trước đó 1 ngày, Công an Q.1 đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Nhựt về cùng hành vi nói trên. Nhựt được xác định là người đã hành hung dã man, gây thương tích cho anh T.T (50 tuổi, ở Q.1) trên đường Cống Quỳnh (đoạn trước Bệnh viện Từ Dũ, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1), hôm 14.12.
Ngoài ra, hành vi của Nhựt còn xâm phạm đến trật tự công cộng, gây náo loạn, gián đoạn giao thông khu vực trước bệnh viện. Hành vi côn đồ của Nhựt gây bức xúc và bị dư luận lên án.
Tại cơ quan công an, Nhựt phân trần lý do hành hung anh T.T sau khi bị nhắc nhở giao thông là vì lo cho con nhỏ đang bị bệnh, tâm lý bị ảnh hưởng nên thiếu kiềm chế cảm xúc.
Trước đó, hôm 13.12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.4 cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Bùi Thanh Khoa (40 tuổi, ở H.Nhà Bè) về tội cố ý gây thương tích.
Sáng 9.12, Khoa chạy xe máy trên đường Khánh Hội thì ép xe máy của chị Q.T.A (23 tuổi, ở Q.1) vào lan can giữa đường. Lúc này, Khoa dừng xe rồi tác động vật lý liên tục vào đầu, mặt, ngực của chị Q. Sau vụ việc, Khoa bỏ mặc hậu quả, bỏ đi.
Khi bị cơ quan điều tra bắt tạm giam, Khoa nói lý do hành hung nạn nhân sau va quệt giao thông là vì chịu nhiều áp lực cuộc sống từ nhỏ, đến lớn phải nuôi con một mình nên gặp chuyện nhỏ cũng dễ nóng nảy.
Cùng ngày 13.12, Công an Q.3 (TP.HCM) cũng bắt khẩn cấp Võ Thanh Bằng (61 tuổi, quê Bạc Liêu, tài xế xe buýt), Phạm Duy Niên (20 tuổi, ở H.Bình Chánh, phụ xe buýt) và Lê Minh Hiền (37 tuổi, quê Trà Vinh, tài xế shipper) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng.
3 người nói trên đã truy đuổi, ẩu đả nhau gây náo loạn đường Võ Văn Tần, trưa 10.12. Mâu thuẫn xuất phát chỉ vì Hiền cho rằng bị xe buýt ép nên đuổi theo chặn đầu.
Chưa hết, mới đây, ngày 17.12, Công an TP.Đồng Xoài (Bình Phước) đã truy xét được Bùi Văn Hoàng Anh (35 tuổi, ngụ H.Phú Giáo, Bình Dương), liên quan vụ hành hung tài xế xe tải khi dừng chờ đèn đỏ trên đường ĐT.741 (TP.Đồng Xoài) chiều 15.12.
Tại cơ quan công an, Hoàng Anh trình bày, khoảng 16 giờ ngày 15.12, Hoàng Anh cùng bạn lên TP.Đồng Xoài để xem câu cá. Đi tới gần dốc Tà Bế thì có chiếc xe tải chạy qua mặt ép xe. Do người bạn thắng gấp khiến Hoàng Anh bị văng lên ghế trên xe, bị đau.
Do có uống rượu nên nóng nảy, lúc đèn đỏ, cả 2 xe đứng lại nên Hoàng Anh trèo vào cabin, đấm, đá, hành hung dã man anh N.V.C (39 tuổi, ở TP.HCM).
Đừng ngụy biện cho thói côn đồ
Một cán bộ công an tại TP.HCM cho biết, thời gian qua, Công an TP.Thủ Đức và các quận, huyện đã khởi tố, bắt tạm giam hoặc nhẹ nhất là xử phạt hành chính nhiều người về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây rối trật tự công cộng do xuất phát từ mà mâu thuẫn nhỏ khi tham gia giao thông. Trong đó, có thể kể đến các vụ của Ngô Đức Giang (43 tuổi, ở TP.HCM) dùng hung khí đập kính ô tô, tấn công tài xế ở TP.Thủ Đức; H.M.T (19 tuổi, ở Q.Bình Tân) đạp ngã xe người đi đường, hay vụ Nguyễn Trường Sa (32 tuổi, quê Bình Định) lao ô tô vun vút dù trước đầu xe có người đang đứng.
Theo PGS.TS Trương Văn Vỹ (giảng viên xã hội học tội phạm thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), một số người côn đồ, khi bị cơ quan công an xử lý thì có những lời giải thích, ngụy biện nhằm trốn tránh, nhưng nó chỉ có tính chất tham khảo. Thực chất, cơ quan điều tra đều có thể làm rõ động cơ của người vi phạm.
Thực tế, tại các thành phố đông dân, lượng phương tiện lưu thông lớn thì chuyện va chạm giao thông trên đường phố xảy ra như "cơm bữa", nhưng vấn đề đáng báo động là nhiều người đã quá khích.
Một số trường hợp ỷ sức mạnh, tấn công người khác, thậm chí dùng vũ khí, gây thương vong và hậu quả sẽ không thể lường trước.
Giảng viên xã hội học tội phạm cho hay, nguyên nhân phổ biến dẫn đến mâu thuẫn khi tham gia giao thông xuất phát từ nhận thức cá nhân, ai cũng cho mình đúng.
Người cho mình đúng thì thường quá khích, người còn lại thì không chịu nhận lỗi cho nên dẫn tới xung đột, không tìm được tiếng nói chung, dẫn tới ẩu đả, hành hung gây thương tích.
Một phần trong đó là do nhận thức giáo dục của một số bộ phận còn hạn chế, không dự đoán được hậu quả, bên cạnh đó va quệt giao thông là tình huống bộc phát, người ta không kịp kiềm chế cảm xúc. Một số bạn trẻ lại hung hăng, hiếu thắng, sai đúng gì cũng xử lý bằng sức mạnh.
PGS.TS Trương Văn Vỹ lên án hành động nói trên và cho hay mỗi người cần nâng cao ý thức, làm chủ bản thân, phân giải, hòa giải khi xảy ra mâu thuẫn. Nếu không thể thương lượng thì cùng nhau đến cơ quan công an để được giải quyết theo pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền pháp luật, luật giao thông đến người dân.
Liên quan đến những vụ việc nói trên, theo một số luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng có sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm hoặc có tính chất côn đồ thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Thậm chí, nếu hậu quả nghiêm trọng, mức phạt có thể lên tới 20 năm tù hoặc chung thân.