Việc lực lượng Công an, Viện Kiểm sát khởi tố các trường hợp bạo lực, dừng xe giữa đường đe dọa đối phương sau mâu thuẫn giao thông đang được hầu hết người dân, dư luận đồng tình và tỏ ra "hả hê” thay các nạn nhân. Dù những người có thói côn đồ này đều tỏ ra hối hận, muốn được tha thứ, thế nhưng pháp luật thì không thể dung thứ cho những hành vi côn đồ và càng phải xử nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh xã hội.
Xử nghiêm những kẻ quen thói côn đồ
Việc này cũng cho thấy hệ thống pháp luật của nước ta đang được thượng tôn, thực thi một cách nghiêm ngặt, lực lượng chức năng đang tích cực hình thành nếp văn hóa giao thông đi vào thói quen mỗi người dân một cách thiết thực, cấp bách và lâu dài. Điều đó có nghĩa là chỉ cần từ đủ 16 tuổi trở lên và có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì bất kỳ ai, lý do gì hay dù người đó đã ân hận... khi đã có hành vi gây rối trật tự công cộng, đều không có quyền ngồi xổm trên pháp luật và xin được tha thứ.
Không phải ai cũng hiểu, trật tự công cộng là trạng thái ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng. Những nơi phục vụ lợi ích công cộng như đường phố, quảng trường, công viên, bệnh viện, nhà hát, rạp chiếu bóng, bãi biển, khu nghỉ mát... được tổ chức, sắp xếp ngăn nắp, các quy ước chung được mọi người tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh. Quy tắc bắt buộc phải tuân theo để bảo vệ lợi ích chung của xã hội, thể hiện toàn bộ những yêu cầu cơ bản của xã hội về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...
Như vậy, hành vi gây rối trật tự công cộng có thể là sự cản trở hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân; gây cản trở, ách tắc giao thông trong nhiều giờ. Ngoài ra, các hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự an toàn xã hội hoặc để người xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động chống phá, gây hoang mang, lo sợ hoặc phẫn nộ trong nhân dân cũng được xem là gây rối trật tự công cộng. Có thể thấy, nội hàm của hành vi gây rối trật tự công cộng được hiểu theo khái niệm rất rộng về không gian, thời gian và địa điểm phạm tội.
Việc ngày 18/12, Công an huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (39 tuổi), là tài xế xe bán tải đã chặn đầu ô tô, rồi hùng hổ cầm gậy và bình xịt hơi cay đe dọa tài xế xe tải phía sau, để điều tra về tội "gây rối trật tự công cộng" là minh chứng cho thấy pháp luật luôn được thực thi nghiêm minh.
Theo xác minh, ngày 30/9, Thành mới bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên phạt 18 tháng tù treo về tội "gây rối trật tự công cộng" khi phạm tội cùng nhóm 14 người trong chuỗi hành vi "cố ý làm hư hỏng tài sản" và "Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng" tại khu phố Tân An, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Tuy nhiên, chiều ngày 12/12, tại tuyến đường ĐT 741, Thành vẫn "chứng nào tật đó”. Vụ việc lần này, mặc dù chưa có va chạm nhưng Thành tức vì tài xế xe tải bấm còi nên đã dở thói côn đồ, lái xe vượt lên chặn đầu xe tải đang lưu thông. Sau đó Thành hùng hổ bước xuống, trên tay cầm một cây gậy đi đến cửa xe đối phương để đe dọa. Tiếp đến, Thành tiếp tục lấy ra bình xịt hơi cay đứng trước đầu xe tải đe dọa và xịt về phía tài xế. Việc này cho thấy Thành chưa biết hối cải với hành vi cũ và chưa bị răn đe bởi bản án cũ. Cơ quan chức năng đã phải ngăn chặn gấp hành vi của Thành để tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Điều này cũng có nghĩa, khi được hưởng án treo mà thực hiện hành vi phạm tội mới thì tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo Điều 55 và Điều 56 Bộ luật Hình sự.
Như vậy, trường hợp này, tòa án sẽ quyết định hình phạt của tội mới trước. Sau đó, cộng thêm 18 tháng tù của bản án trước (án treo bị chuyển thành tù giam).
Côn đồ chỉ bắt nạt người yếu thế
Giờ đây nơi tạm giam, chắc Khoa trong vụ việc tại Quận 4, Nhựt trong vụ việc xảy ra tại Quận 1 (TPHCM), Hoàng Anh (tại TP.Đồng Xoài), Thành (tại huyện Đồng Phú, Bình Phước) đang hối hận lắm. Gia đình các bị can cũng đang "nhục mặt" với bạn bè, láng giềng và xã hội vì hành vi thiếu kiếm chế của người thân mình. Khi nhìn lại các thông tin đã được công bố, chúng ta dễ dàng nhận thấy hầu hết các vụ việc gần đây bị Công an khởi tố, xử lý đều có đặc điểm chung là nạn nhân luôn yếu thế hơn bị can.
Rõ ràng nhất là vụ việc Bùi Thanh Khoa (40 tuổi, ngụ Quận 10) điều khiển xe máy ép xe của chị A. vào lan can giữa đường, làm xe của chị này va quẹt vào phía sau xe của Khoa tại Quận 4. Sau đó Khoa dừng xe, dùng hai tay đánh liên tiếp vào mặt chị A. Khi cô gái té ngã vào lan can giữa đường, Khoa đã dùng cùi trỏ đánh vào vùng đỉnh đầu và dùng chân đá vào mặt nạn nhân. Khi chị A đứng dậy, Khoa tiếp tục hành hung nạn nhân cho đến khi có người căn ngăn. Những cú đấm, cú đá của Khoa khi xem lại thì không khác gì cảnh một nam võ hiệp tung chiêu bay lên không, giã xuống mặt và đầu đối thủ. Nhưng tiếc rằng, đối thủ của Khoa lại là một cô gái chân yếu tay mềm, không có võ công hay sức chịu đựng như trong phim, mà chỉ đứng chịu đòn, chờ người đi đường giải cứu.
Hay vào trưa ngày 14/12, Quách Minh Nhựt đang dừng trước khu vực cổng Bệnh viện Từ Dũ, Quận 1. Trong lúc Nhựt quay xe để đón gia đình là mẹ, vợ và con thì nhiều xe lưu thông bị kẹt phía sau. Lúc này, ông T. đi xe máy chở theo con nhỏ lên nhắc Nhựt điều khiển xe ôtô đi để nhường đường cho xe máy lưu thông. Nhựt lập tức xuống xe, thể hiện sức mạnh bằng cách dùng hai tay đánh liên tiếp vào vùng mặt và đầu khiến ông T. ngã xuống đường.
Xem lại toàn bộ video, hành vi của Nhựt thật quá hung hăng, trong khi ông T. chỉ biết chống đỡ và gục ngã. Chưa cần pháp luật vào cuộc, hành vi của Nhựt trước hết đã cho cô vợ, người mẹ và chính đứa con của mình chứng kiến người chồng, người con và người cha có thói côn đồ, đang bắt nạt người yếu thế hơn.
Cũng chuyện ra máu "giang hồ", vụ việc đối tượng Bùi Văn Hoàng Anh ở Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước lao lên cabin xe tải đánh tới tấp tài xế xuất phát từ nguyên nhân rất ngớ ngẩn. Đó là trong khi được người bạn chở đi bằng xe bán tải trên đường ĐT 741 (đoạn qua TP.Đồng Xoài), Hoàng Anh cho rằng bị xe tải chạy qua mặt ép nên người bạn lái xe thắng gấp và khiến Hoàng Anh bị văng lên ghế trên xe, bị đau nên bực tức. Khi xe tải vừa dừng đèn đỏ, Hoàng Anh lao lên cabin đấm đá túi bụi tài xế là ông N.V.C, mặc dù trong cabin xe ông C. còn có người phụ nữ ngồi ôm cháu nhỏ đang trong hoảng loạn và can ngăn, nhưng Hoàng Anh vẫn liên tục chửi bới và hành hung ông C. một cách dã man.
Tất các các vụ việc này đều được Công an vào cuộc điều tra và khởi tố các đối tượng về tội "cố ý gây thương tích", "gây rối trật tự công cộng". Khi đứng trước pháp luật, trước Công an, toàn bộ bị can đã không còn hùng hổ mà ngược lại tỏ ra rất ân hận và mong muốn được tha thứ. Tuy nhiên, pháp luật thì không thể tha, mà tha không được thì phải xử, xử nghiêm để răn đe, cảnh tỉnh xã hội.
Chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội, không khó để thấy dư luận rất hoan nghênh, đồng tình và hả hê thay các nạn nhân khi Công an vào cuộc nhanh chóng và xử lý nghiêm. Cũng có thể thấy, vì cái tính nóng nảy, không kiềm chế được mà bản thân vướng vào lao lý, sống uổng phí một phần đời mình. Gia đình, vợ con phải "bể mặt" trước người thân, bạn bè, dư luận khi có người chồng, người con "côn đồ” như vậy.
Khung hình phạt tội "gây rối trật tự công cộng" Tội "gây rối trật tự công cộng" được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt như sau:
- Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.
Nguồn: congan.com.vn
Đang gửi...