Ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trước khi cho chuyến tàu hàng lưu thông chính thức, ngành đường sắt đã thử tải bằng tàu kỹ thuật với tốc độ 5 km/giờ. Đây là nỗ lực không ngừng của ngành đường sắt Việt Nam trong suốt 10 ngày qua.
Sau khi tàu hàng chạy qua hầm, đơn vị kỹ thuật tiếp tục kiểm tra và sửa chữa cầu đường, nếu đảm bảo kỹ thuật sẽ đẩy lên vận tốc 15 km/giờ. Sau chuyến tàu hàng ASY22, lúc 14 giờ 30 ngày 31.5, tàu khách HSE9 tuyến Hà Nội - TP.HCM là đoàn tàu khách đầu tiên đi qua hầm đường sắt Chí Thạnh sau sự cố sạt lở ngày 21.5.
Chia sẻ với PV Thanh Niên tại hiện trường, ông Tuấn cho biết trong 10 ngày qua, ngành đường sắt đã huy động toàn bộ nhân lực, trang thiết bị máy móc hiện đại nhất để khắc phục sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh sớm nhất.
Theo ông Tuấn, qua sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió (Khánh Hòa), ngành đường sắt đã có giải pháp chủ động hơn trong công tác chuyển tải khách và khắc phục sự cố tại hầm đường sắt Chí Thạnh.
Trong 10 ngày qua, ngành đường sắt đã trưng dụng xe khách để chuyển tải hơn 36.000 khách của 128 chuyến tàu từ ga Tuy Hòa đến ga La Hai và theo chiều ngược lại để tiếp tục hành trình.
Như Thanh Niên đã đưa tin, khoảng 10 giờ 30 ngày 21.5, khi đang trong quá trình phong tỏa hầm đường sắt Chí Thạnh để cải tạo thì bất ngờ xảy ra sạt lở, 260 m3 đất, đá sạt xuống bịt kín một đoạn hầm. Nguyên nhân sạt lở được xác định do địa chất, đất đá bị phong hóa kết hợp tầng phủ trên nóc hầm mỏng.
Sau 5 ngày nỗ lực khắc phục sự cố, khoảng 10 giờ 30 ngày 26.5, trong lúc công nhân dọn dẹp số đất đá bị sạt còn lại trong hầm thì khoảng 50 m3 đất đá tiếp tục sạt xuống khiến việc dự kiến thông hầm trong ngày 26.5 phải dời lại.