Tâm điểm của tuần lễ là sự kiện lễ trao giải VinFuture tại nhà hát Hồ Gươm tối 6.12. Trước phiên đầu tiên của tọa đàm khoa học vì cuộc sống, GS Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng VinFuture, đã trao đổi với báo chí về một số thông tin của mùa giải năm nay.
VinFuture dành cho người "xuất sắc của xuất sắc"
Trước câu hỏi về những công trình nào được vinh danh năm nay, GS Richard cho biết, ông không thể tiết lộ nhưng khẳng định hội đồng giải thưởng đã "tìm kiếm mọi nơi, mọi chỗ, để tìm ra những gì đó gây nên sự kinh ngạc cho tất cả mọi người".
GS Friend nói: "Đội ngũ VinFuture ở Hà Nội đã làm việc hết sức tích cực và tận tình để có thể lựa chọn ra rất nhiều những người đề cử cho giải thưởng. Những người đoạt giải luôn luôn là những người xuất sắc, phải nói gọi là xuất sắc của xuất sắc. Thật may bởi chúng tôi luôn luôn tìm được đủ những ứng cử viên có chất lượng tốt để lựa chọn những người xứng đáng hơn mà trao giải. Tóm lại, số lượng các đề cử luôn luôn đủ và chất lượng rất tốt. Từ trước tới nay chúng tôi thấy rằng việc chấm giải đã được làm rất tốt".
Trước băn khoăn về việc giải thưởng của Việt Nam, nhưng tiềm năng đạt giải thưởng của các nhà khoa học Việt Nam rất thấp, GS Friend cho rằng, VinFuture là một giải thưởng khoa học, công trình được lựa chọn trao giải thưởng phải là những phát triển trong nghiên cứu khoa học mà chưa ai lường tới, chưa ai có thể dự đoán trước với những tác động mà chúng ta muốn tạo ra trong cuộc sống thực. Điều này khiến hội đồng giải thưởng khó khăn để lựa chọn ra những đề cử xứng đáng được trao giải. Mặt khác, nó cũng làm cho giải thưởng thu hút hơn, hấp dẫn hơn.
Trong 4 năm qua, có nhiều nhà khoa học đoạt giải đã quay lại Việt Nam trong vai trò mới - thành viên hội đồng giải thưởng. Mặt khác, trong 4 năm ấy, có rất nhiều nhà khoa học nước ngoài, nhà khoa học quốc tế đã đến Việt Nam. Họ tiếp xúc, liên hệ và chia sẻ kinh nghiệm rất là thường xuyên với các nhà khoa học Việt Nam. Đây là những điều rất tích cực.
Triển vọng nào cho khoa học Việt Nam?
Theo GS Friend, từ góc nhìn khách quan, ông nhận thấy những triển vọng khả quan về sự phát triển của nền khoa học Việt Nam. Việt Nam hiện có rất nhiều nhà nghiên cứu trẻ, họ rất thông minh và xuất sắc. Đấy là những người sẽ tạo ra tương lai tốt đẹp cho khoa học Việt Nam. GS Friend cũng cho biết, năm nay có một công trình khoa học của Việt Nam được đề cử xét giải thưởng VinFuture 2024.
Cũng theo GS Friend, là một giải thưởng khoa học toàn cầu, hội đồng giải thưởng mong muốn VinFuture có thể xứng đáng trở thành một giải thưởng uy tín nhất ở trên thế giới. "Chúng tôi cố gắng phản ánh được một cách chính xác những nơi nào và những khu vực nào trên thế giới đã có sự phát triển một cách rất rõ rệt và vượt bậc của các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo", GS Friend nói.
GS Friend cũng cho rằng, hiện có sự thay đổi rất rõ rệt ở một số quốc gia mà trước đây nền tảng nghiên cứu khoa học chưa mạnh và ông tin tưởng Việt Nam cũng sẽ trở thành một quốc gia có nền khoa học kỹ thuật bậc cao trong thời gian ngắn sắp tới.
"Hy vọng điều này sẽ được phản ánh trong những mùa giải của những năm tiếp theo", GS Friend nói.
GS Richard Henry Friend là Giám đốc Nghiên cứu tại Khoa Vật lý, ĐH Cambridge (Vương quốc Anh). Ông là đồng sáng lập của Cambridge Display Technology và Plastic Logic.
GS Friend được coi là một trong những nhà vật lý có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới, được công nhận là người đầu tiên chế tạo thành công MOSFET với polyacetylene làm chất bán dẫn chủ động; đồng thời chứng minh các cơ chế hoạt động mới của các hiện tượng độc đáo. Ông cũng là người đầu tiên chế tạo LED (điốt phát quang) bán dẫn polymer hiệu suất cao và diện tích lớn, dựa trên polyphenylene-vinylene.
Ông đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, bao gồm giải thưởng Millennium Technology năm 2010, gần đây là giải Isaac Newton năm 2024 của Viện Vật lý Vương quốc Anh.