INSEE Prize là một sân chơi khoa học dành cho thế hệ kỹ sư, kiến trúc sư trẻ trên toàn quốc, bên cạnh đó còn là bệ phóng cho những ý tưởng sáng tạo được hiện thực hóa. Cuộc thi được triển khai từ năm 2008, đến nay đã tiếp cận hơn 22.000 sinh viên, nhận về gần 4.000 ý tưởng và đầu tư 13,7 tỉ đồng để triển khai 10 dự án quán quân, mang lại lợi ích thiết thực cho hơn 5.700 người trên cả nước.
Điểm mới trong tiêu chí cuộc thi năm nay là hướng đến các đối tượng bị hạn chế khả năng vận động (người cao tuổi, người khuyết tật...), giúp các nhóm thí sinh có thêm một khía cạnh để đưa ra các ý tưởng mang lại giá trị cộng đồng.
Sau 2 vòng tuyển chọn khắt khe, 5 dự án xuất sắc nhất bước vào chung kết. Kết quả chung cuộc, giải quán quân INSEE Prize 2024 thuộc về dự án Hướng Dương của nhóm sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Tây, với tổng giá trị giải thưởng 230 triệu đồng, trong đó 200 triệu đồng để triển khai dự án thực tế.
Dự án Nụ Cười Của Em đạt giải á quân với phần thưởng 15 triệu đồng, và ba giải khuyến khích trị giá 10 triệu đồng mỗi giải thuộc về các dự án còn lại.
Trong thời gian tới, INSEE Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với đội chiến thắng để triển khai dự án, tiếp tục khẳng định cam kết mang đến những giá trị bền vững, góp phần cải thiện cuộc sống cộng đồng. Đây chính là minh chứng cho sứ mệnh vững xây cuộc sống mà INSEE theo đuổi.
Thông tin về 5 dự án vào chung kết INSEE Prize 2024
Dự án Hướng Dương từ nhóm sinh viên Trường đại học Xây dựng Miền Tây là một dự án nhằm cải tạo không gian vui chơi, học tập cho trẻ em tại Trung tâm hỗ trợ phát triển - giáo dục hòa nhập Vĩnh Long. Với mục tiêu tạo sân chơi lành mạnh giúp trẻ khuyết tật tự tin hòa nhập xã hội, thiết kế đặc biệt chú trọng các hình thức tiếp cận cho mọi trẻ em, từ không gian thân thiện đến các giải pháp năng lượng và vật liệu xây dựng bền vững. Qua đó, Hướng Dương không chỉ mang lại giá trị cho cộng đồng mà còn tạo ý nghĩa sâu sắc cho những trẻ em kém may mắn trong cuộc sống.
Dự án Nụ Cười Của Em từ nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM mang đến ý tưởng cải tạo một không gian 53,38 m² tại trung tâm khiếm thị Nhật Hồng dành cho trẻ em khiếm thị, tạo ra môi trường trải nghiệm đa giác quan. Với mục tiêu giúp các em nhỏ tăng tính phản xạ, có một khoảng không gian đọc sách thực hành. Ngoài ra không gian còn được kết hợp giữa mùi hương và âm thanh nhằm hỗ trợ trẻ em khiếm thị hòa nhập xã hội, phát triển kỹ năng sống độc lập.
Dự án Nghĩa Xóm - Nhà chăm sóc giảm nhẹ làng phong Bến Sắn từ nhóm sinh viên Trường đại học Việt Đức là giải pháp cải tạo không gian sống cho người bệnh phong, với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ tâm lý cho những người đang phải đối mặt với căn bệnh này. Dự án không chỉ mang lại lợi ích cho bệnh nhân mà còn là nền tảng cho các mô hình chăm sóc giảm nhẹ tích cực tại các cơ sở y tế khác trong tương lai.
Dự án Dưới Hiên Nhà từ nhóm sinh viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM mang đến một không gian hỗ trợ phát triển năng khiếu trẻ em tại trường khuyết tật Thanh Tâm. Dự án tập trung vào việc thay đổi góc nhìn truyền thống về không gian cho trẻ em, nâng cao khả năng khám giá không gian và trải nghiệm, học tập, sinh hoạt nghệ thuật cho trẻ, từ đó khuyến khích phát triển tư duy, hoạt động thiên hướng sáng tạo và linh động.
Dự án Nhịp - Không gian phát cơm từ thiện từ nhóm sinh viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội lấy ý tưởng từ "nhịp" tim và "nhịp" sống, dự án nhằm xây dựng không gian phát cơm từ thiện tại Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều, phục vụ bệnh nhân và người nhà. Mục tiêu của dự án là kết hợp giữa không gian phát cơm từ thiện, sinh hoạt văn nghệ và giao lưu. Ngoài ra nơi này không chỉ cung cấp bữa ăn miễn phí, nâng cao sức khỏe tinh thần cho bệnh nhân, mà còn hỗ trợ khu vực che nắng che mưa, giảm thiểu tắc nghẽn cho người đi đường.