Ngày 17.4, Sở GD-ĐT Hà Nội công bố chỉ tiêu lớp 10 công lập ở 119 trường. Trong đó, 117 trường công lập không chuyên nhận 71.000 học sinh (HS), 4 trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên được giao tổng chỉ tiêu là 2.970 HS. Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của 85 trường tư thục là 29.636 HS…
Năm nay, thành phố có 133.000 HS lớp 9 dự xét tốt nghiệp THCS, số chỉ tiêu nhận vào trường công lập chỉ chiếm khoảng 61%. Do vậy, đây thực sự là một "cuộc đua" đặc biệt căng thẳng với những HS và gia đình chỉ có mục tiêu và mong muốn học lớp 10 công lập.
Theo so sánh, tổng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập không chuyên ở Hà Nội tăng khoảng 1.500 so với năm ngoái. Tuy nhiên, phần lớn các trường tăng nhiều chỉ tiêu đều ở khu vực ngoại thành.
Trường tăng chỉ tiêu mạnh nhất là THPT Đông Mỹ, H.Thanh Trì, từ 405 chỉ tiêu năm 2023 lên 675 chỉ tiêu. Một số trường như Kim Anh, Phú Xuyên B, Khương Hạ, Lưu Hoàng, Chu Văn An... tăng khoảng 90 - 135 chỉ tiêu mỗi trường. Các quận nội thành như Ba Đình, Thanh Xuân, Tây Hồ tăng nhẹ khoảng 100 chỉ tiêu.
Giảm chỉ tiêu mạnh nhất là THPT Đa Phúc với 135 chỉ tiêu. Nhiều trường khác giảm 45 - 90 chỉ tiêu. Xét theo khu vực, nhiều trường giảm chỉ tiêu đều nằm ở nội thành. Tất cả trường THPT ở Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông đều giảm.
Ở khối chuyên của Sở GD-ĐT Hà Nội, các trường cũng đều được giao tăng chỉ tiêu so với năm ngoái. Cụ thể, 4 trường THPT chuyên và trường có lớp chuyên của Hà Nội năm nay được giao 2.970 chỉ tiêu, trong đó Trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam tuyển 820 HS (tăng 165 chỉ tiêu). Trường THPT Nguyễn Huệ năm nay tuyển 630 chỉ tiêu (tăng 105 so với năm ngoái). Trường THPT Sơn Tây tuyển 585 chỉ tiêu (tăng 60 chỉ tiêu)…
VÀO "VÒNG NGUY HIỂM" VÌ CHỌN NGUYỆN VỌNG SAI
Theo quy định, mỗi HS có 3 nguyện vọng (NV) vào các trường THPT không chuyên và có thể đăng ký tối đa 4 NV vào lớp chuyên, của 2 trong số 4 trường chuyên của Hà Nội.
Tuy nhiên, việc đăng ký, sắp xếp các NV thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển là điều không phải phụ huynh, HS nào cũng thực sự có kinh nghiệm. Thực tế các năm trước đã có trường hợp HS trượt cả NV 1 và 2 do cách sắp xếp không phù hợp, trong khi điểm thi ở mức khá. NV 3 thì thường các em chọn ở một trường có điểm chuẩn thấp hẳn, ở rất xa nên nhiều em trúng tuyển cũng không muốn học.
Nhằm giúp HS có căn cứ đăng ký NV vào lớp 10, Hà Nội phân chia địa bàn các quận, huyện, thị xã thành 12 khu vực tuyển sinh. Việc phân chia khu vực tuyển sinh nhằm bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất về địa giới hành chính, giúp HS không phải di chuyển quá xa để đi học. Tuy nhiên, các khu vực tuyển sinh lại chênh lệch đáng kể về điểm chuẩn. "Điểm nóng" rơi vào khu vực các quận nội thành, là khu vực tuyển sinh 1 gồm các quận Ba Đình, Tây Hồ; khu vực tuyển sinh 2 gồm các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; khu vực tuyển sinh 3 gồm các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy.
Trong số 20 trường THPT của 3 khu vực tuyển sinh này, có 10 trường luôn nằm trong tốp đầu về điểm chuẩn vào lớp 10 là Chu Văn An, Kim Liên, Yên Hòa, Phan Đình Phùng, Thăng Long, Việt Đức, Nhân Chính, Cầu Giấy, Lê Quý Đôn (Q.Đống Đa), Trần Phú (Q.Hoàn Kiếm). Những trường còn lại đều nằm trong 30 trường lấy điểm cao nhất thành phố với điểm trung bình mỗi môn thi đều trên 7 điểm. Tuy nhiên, so với các trường tốp đầu thì khoảng cách đó là rất lớn.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, lưu ý sau khi đăng ký NV vào các trường THPT công lập, HS không được thay đổi NV dự tuyển. Nếu HS chỉ đăng ký 2 NV vào 2 trường THPT công lập, phải đăng ký NV 1 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV 2 thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Nếu HS chỉ đăng ký 1 NV vào một trường THPT công lập, có thể đăng ký vào trường THPT thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ…
Theo ông Tuấn, việc có HS dù học tốt nhưng chọn không khéo vẫn có thể trượt tất cả các NV là do HS chưa nghiên cứu kỹ về phương án xét tuyển, trường THPT mình muốn theo học (điều kiện cơ sở vật chất, điểm chuẩn…), khả năng học tập của bản thân.
BÍ QUYẾT SẮP XẾP CÁC NGUYỆN VỌNG
Theo bà Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.Hoàn Kiếm), căn cứ tốt nhất để HS lựa chọn NV là so sánh điểm chuẩn của các trường những năm gần đây với kết quả học tập 3 môn thi của bản thân là văn, toán, ngoại ngữ. Với HS lớp 9, hằng tháng nhà trường có tổ chức các kỳ khảo sát theo cách thức ra đề thi lớp 10 của Sở GD-ĐT để có định hướng ôn tập phù hợp. HS cũng dựa vào kết quả này để tự đánh giá mức độ trúng tuyển của mình.
Để tận dụng tối đa cơ hội trúng tuyển, ông Lê Hồng Vũ, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội), chia sẻ "bí quyết" sắp xếp 3 NV. Trước tiên, HS căn cứ vào năng lực học tập, đối chiếu với điểm chuẩn của trường trong vài năm gần đây. NV 1 cần đặt trường có điểm chuẩn phù hợp với năng lực, sở thích. NV 2 trường có điểm chuẩn thấp hơn khoảng 3 điểm so với điểm chuẩn của trường NV 1 và cùng thuộc khu vực tuyển sinh.
Với NV 3, ông Vũ tư vấn: HS được lựa chọn ở khu vực tuyển sinh bất kỳ. Đây được xác định là NV dự phòng nếu chẳng may HS trượt cả hai NV đầu. Do đó, NV 3 cần đặt là trường có điểm chuẩn thấp hơn khoảng 3 điểm so với điểm chuẩn của trường NV 2, thậm chí chênh nhiều hơn 3 điểm. Ví dụ, nếu HS thuộc khu vực tuyển sinh 1 (gồm các quận Ba Đình, Tây Hồ), có năng lực học tập tốt thì có thể chọn đăng ký NV 1 là Trường THPT Phan Đình Phùng; NV 2 là Trường THPT Tây Hồ; NV 3 có thể đặt là Trường THPT Tân Lập (H.Đan Phượng).