CÁC TỔ HỢP TRUYỀN THỐNG VẪN GIỮ, THÊM MỘT SỐ MÔN MỚI
Có mặt tại chương trình, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết năm 2025 dự thảo đề án tuyển sinh của trường có một số thay đổi để thích ứng với kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và dự thảo Quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, CĐ ngành giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT.
"Chỉ tiêu của trường năm 2025 là 4.350. Về các phương thức xét tuyển, trường vẫn giữ ổn định như các như năm trước. Trường có dự kiến chú trọng 2 môn chính là toán hoặc ngữ văn trong các tổ hợp xét tuyển tùy vào từng nhóm ngành, 2 môn còn lại trong tổ hợp sẽ nằm trong 9 môn, là môn học thích ứng với các môn mà các em đã lựa chọn để thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, các em không cần lo lắng", thạc sĩ Phụng thông tin.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM, cũng cho biết trường giữ nguyên các phương thức và tổ hợp môn của năm 2024, tuy nhiên có điều chỉnh, bổ sung một số tổ hợp để tạo điều kiện cho thí sinh của chương trình GDPT mới.
"Năm 2025, trường sẽ đưa thêm môn ngữ văn, kinh tế pháp luật, tin học vào tổ hợp môn của các ngành. Trường cũng bổ sung phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá chuyên biệt do trường phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức ngay tại Trường ĐH Công thương TP.HCM. Đồng thời, thêm tổ hợp C00, C07, C08 vào một số nhóm ngành để tăng cơ hội cho thí sinh", tiến sĩ Khả cho hay.
Theo tiến sĩ Khả, nếu Bộ GD-ĐT quyết định có xét tuyển sớm và giới hạn trong 20% thì trường dự kiến sẽ xét 20% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển thẳng, xét điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và điểm thi đánh giá chuyên biệt phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. 80% chỉ tiêu còn lại dành cho đợt xét tuyển chung.
Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM dự kiến xét các phương thức gồm kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, kết quả thi tốt nghiệp THPT, học bạ. Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích, Giám đốc Trung tâm truyền thông của trường, thông tin: "Năm 2025, trường mở thêm ngành luật thương mại và kỹ thuật phần mềm. Trường đang tính toán một số phương án, đó là tổ hợp xét tuyển sẽ bao gồm 4 môn, trong đó toán và văn là 2 môn bắt buộc. Ví dụ, nhóm ngành công nghệ thì văn, toán là 2 môn bắt buộc; 2 môn còn lại gắn với định hướng đào tạo ngành học chẳng hạn tin học, công nghệ".
Đới với Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, chia sẻ: "Trường dự kiến vẫn ổn định phương thức xét tuyển như năm 2024, gồm 4 phương thức là xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, điểm học bạ theo tổ hợp môn năm lớp 12 và kết quả kỳ thi V-SAT. Trường cũng sẽ bổ sung các môn mới vào các tổ hợp xét tuyển như tin học, công nghệ, kinh tế pháp luật".
KHÔNG CẦN QUÁ LO LẮNG VỀ XÉT TUYỂN SỚM
Theo các chuyên gia, dù Bộ GD-ĐT thay đổi gì về quy chế tuyển sinh thì đề án tuyển sinh của các trường cũng sẽ giữ ổn định và bám sát tình hình thực tế để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý, từ năm 2024 trở về trước, các trường xét tuyển sớm vào thời gian trước kỳ thi tốt nghiệp THPT với những phương thức khác nhau như học bạ THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi đánh giá chuyên biệt... Tuy nhiên, dự thảo của Bộ GD-ĐT năm 2025 có đưa ra khung xét tuyển sớm nhưng giới hạn trong 20% chỉ tiêu hoặc có khả năng bỏ luôn xét tuyển sớm.
"Tuy nhiên, thí sinh không nên quá lo lắng vì dù xét tuyển sớm hay không thì chỉ tiêu của các trường vẫn như vậy. Các em vẫn có thể đăng ký bằng tất cả các phương thức tại đợt xét tuyển chung. Có một điểm cần lưu ý năm 2025 môn ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên thí sinh nào muốn xét tuyển vào ngành có ngoại ngữ thì các em phải chọn môn tiếng Anh để thi tốt nghiệp", thạc sĩ Phụng khuyên.
Trong thời điểm này, thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích tư vấn: Học sinh nên xem năng lực học tập của mình đến đâu và tìm hiểu thông tin ngành nghề các trường mà em quan tâm, thông tin về học phí, chính sách học bổng, môi trường học tập... để có cơ sở vững chắc, từ đó có lựa chọn phù hợp với bản thân.
Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn đưa ra lời khuyên học sinh không cần quá quan tâm đến việc có còn xét tuyển sớm hay không và xét tuyển sớm bao nhiêu phần trăm chỉ tiêu. "Vì nếu có xét tuyển sớm thì xem như đây chỉ là giai đoạn sơ tuyển, các em phải đậu kỳ thi tốt nghiệp THPT và sau này vẫn phải đăng ký lại nguyện vọng lên hệ thống nếu muốn trúng tuyển chính thức. Ở đợt xét tuyển chung, các em vẫn có thể sử dụng điểm học bạ THPT, đánh giá năng lực để xét tuyển. Cũng đừng quá lo lắng tổ hợp môn gồm những môn nào mà hãy quan tâm tới việc chuẩn bị đầy đủ hành trang cho thi cử, xét tuyển sắp tới. Quan trọng là các em phải nỗ lực tập trung học, ôn tập kỹ kiến thức để đạt điểm cao", thạc sĩ Nhơn nhận định.
Ý kiến:
Chọn môn nổi trội nhất gắn với tổ hợp xét tuyển
Các em đã lựa chọn tổ hợp môn học từ năm lớp 10, vì thế nên kiên định với những gì chúng ta đã chọn. Xem lại một lần nữa trong 5 môn học mà các em đã lựa chọn, môn nào nổi trội nhất, môn đó có gắn liền với tổ hợp môn các ngành mà các em quan tâm hay không thì chọn để thi tốt nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng
Tạo điều kiện, tăng cơ hội cho thí sinh
Phương thức xét tuyển và tổ hợp môn truyền thống của các trường cơ bản không thay đổi, chỉ bổ sung một số môn của chương trình GDPT 2018 để tạo điều kiện và tăng cơ hội cho thí sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Khả
Vững kiến thức
Trước tiên, các em phải xác định mình mong muốn học ngành nào, trường nào, mong muốn tương lai ra sao. Khi có mong muốn là sẽ có động lực, tạo sức mạnh bằng việc học vững kiến thức để có kết quả thi tốt nhất.
Thạc sĩ Trương Thị Ngọc Bích
Chú tâm nghiêm túc vào việc học, ôn thi
Phương thức xét tuyển hay tổ hợp môn không quan trọng. Hãy chú tâm, nghiêm túc vào việc học, ôn thi, chuẩn bị đầy đủ kiến thức để tham gia bất cứ kỳ thi nào. Chỉ cần có kết quả thi tốt thì tổ hợp môn nào, phương thức nào cũng không đáng lo.
Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn