Hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của giáo dục tài chính trong chương trình học phổ thông, đồng thời xây dựng định hướng chiến lược để tích hợp nội dung này vào chương trình giáo dục hiện hành nhằm phát triển năng lực tài chính cho học sinh từ sớm.
GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nhấn mạnh giáo dục tài chính là một trong những mục tiêu quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22.1.2020.
Theo GS Lê Anh Vinh, quản lý tài chính cá nhân không đơn thuần là việc kiếm tiền hay tiết kiệm, mà là sự kết hợp tổng hòa giữa thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và quản lý rủi ro. Đồng thời, điều này còn liên quan đến việc xây dựng thói quen và hành vi cá nhân, kết hợp với kiến thức về các sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dân Việt Nam vẫn còn xa lạ với các khái niệm tài chính cơ bản, do đó, việc giáo dục tài chính ngay từ nhà trường là bước đi chiến lược và cấp bách. Bộ tài liệu giáo dục tài chính cho học sinh Việt Nam sẽ được triển khai thí điểm tại một số tỉnh đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội.
GS Lê Anh Vinh kỳ vọng, các chuyên gia quốc tế và các nhà khoa học sẽ chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý tưởng để tích hợp hiệu quả nội dung giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Giúp học sinh hiểu biết về đầu tư và quản lý rủi ro
Theo bà Lê Anh Lan, chuyên gia giáo dục QUNICEF tại Việt Nam, giáo dục tài chính không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức cơ bản, mà cần hướng đến sự hiểu biết chuyên sâu về các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân như chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và quản lý rủi ro.
Để làm được điều này, giáo viên cần được trang bị kiến thức chuyên môn về giáo dục tài chính, đồng thời hiểu rõ tâm lý học sinh cũng như những rào cản mà các em có thể gặp phải khi tiếp cận các khái niệm tài chính.
PGS Phạm Quốc Khánh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng để đạt được hiệu quả, các trường cần lồng ghép nội dung giáo dục tài chính vào chương trình giảng dạy thông qua các môn học và hoạt động ngoại khóa. Đồng thời, giáo viên cần được trang bị kỹ năng chuyên môn để truyền tải kiến thức một cách dễ hiểu và gần gũi với học sinh.
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lần đầu tiên giáo dục tài chính được đưa vào 6 môn học và hoạt động giáo dục, gồm: toán, ngữ văn, giáo dục công dân, tự nhiên và xã hội, công nghệ, hoạt động trải nghiệm.
Ví dụ, ở cấp tiểu học, lớp 2 học sinh nhận biết được tiền Việt Nam thông qua hình ảnh một số tờ tiền; lớp 3 nhận biết được mệnh giá của các tờ tiền Việt Nam (trong phạm vi 100.000 đồng), nhận biết được tờ tiền 200.000 đồng và 500.000 đồng; lớp 4, thực hiện được việc chuyển đổi và tính toán về tiền Việt Nam đã học; lớp 5 học sinh thực hành mua bán với tiền tệ đã học...