Chương trình được phát trên các kênh thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.
VÌ SAO KHÔNG TÌM THẤY TÊN CHUYÊN NGÀNH ĐỂ ĐĂNG KÝ?
Nhận xét về quá trình hơn 10 ngày đăng ký xét tuyển của TS trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết những thắc mắc xung quanh cách chọn ngành, chuyên ngành, cách sắp xếp thứ tự NV xét tuyển... đã được TS gọi điện đến trường ĐH rất nhiều để mong được hỗ trợ.
"Nhiều em hỏi vì sao không thấy tên các chuyên ngành ở trên hệ thống. Các em cần lưu ý chuyên ngành nằm trong mã ngành, trên hệ thống chỉ có tên ngành. Vì vậy các em chỉ cần đăng ký mã ngành, khi trúng tuyển các em mới đăng ký chuyên ngành muốn học", tiến sĩ Hải chia sẻ.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Thạch, Phó giám đốc trung tâm tư vấn - tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cũng cho hay TS cũng thắc mắc vì sao trong đề án có tên chuyên ngành mà trên hệ thống lại không có. Bên cạnh đó, nhiều em chưa biết sắp xếp NV sao cho đúng.
Trong khi đó, tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, nêu tình huống năm nào cũng có trường hợp TS đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhưng không đăng ký lại NV trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, cuối cùng không trúng tuyển đợt 1 mà phải chờ đến đợt xét tuyển bổ sung mới được tham gia. Do đó, tiến sĩ Viên nhắc nhở TS khi đã trúng tuyển sớm vào ngành, trường mình yêu thích và để được trúng tuyển chính thức thì nhất định phải đăng ký làm NV đầu tiên trên hệ thống.
NÊN CÓ NHỮNG PHƯƠNG ÁN DỰ PHÒNG ĐỂ CÓ "ĐƯỜNG LUI"
Ông Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết đến thời điểm này vẫn còn những TS chưa đăng ký NV. Bên cạnh đó, có những em đăng ký quá ít NV. Lại có những TS đăng ký vào những ngành ở các trường điểm chuẩn năm ngoái ở mức cao, không phù hợp với mức điểm mình hiện có. TS nên có những phương án dự phòng để có "đường lui" và chỉ nên tập trung vào một nhóm ngành nghề. Việc đăng ký hơn chục ngành khác nhau vào một trường là điều không nên, ông Nhơn đưa ra lời khuyên.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhắc TS cần rà soát lại danh sách NV một lần nữa. Tiến sĩ Hải cũng lưu ý TS cần đăng ký chính xác tên ngành, tên trường mà mình mong muốn. Hiện nay có nhiều ngành tên na ná nhau hoặc cũng ngành học đó mà có trường học phí rất cao.
Ngoài ra, tiến sĩ Võ Thanh Hải nhấn mạnh, sau khi rà soát, TS nên hoàn tất việc xét tuyển trước 12 giờ hôm nay (30.7) để tránh tình trạng buổi chiều xảy ra trục trặc không đáng có, dẫn đến việc TS không thể hoàn tất và bị loại ra khỏi quy trình xét tuyển.
Khi nào biết điểm chuẩn và xác nhận nhập học ?
Đại diện các trường ĐH thông tin thêm, từ 0 giờ ngày 31.7 đến 17 giờ ngày 6.8, TS phải hoàn tất việc nộp lệ phí xét tuyển.
Đến ngày 19.8, các trường ĐH sẽ công bố điểm trúng tuyển. TS trúng tuyển phải xác nhận nhập học trên hệ thống đến 17 giờ ngày 27.8. TS nào không trúng tuyển thì phải theo dõi xem trường nào còn xét tuyển bổ sung. Tuy nhiên không phải trường nào cũng còn chỉ tiêu.
Khi nộp lệ phí xét tuyển phải tuân thủ mốc thời gian quy định
Việc nộp lệ phí xét tuyển là giai đoạn quan trọng thứ 2 mà TS cần lưu tâm. Bộ GD-ĐT đã quy định mốc thời gian cho các tỉnh thành theo 6 cụm. Các em cần tuân thủ và nộp tiền theo địa phương có trường THPT mà các em đăng ký dự thi chứ không phải theo địa phương có trường ĐH.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức)
Phân biệt 3 loại điểm để điều chỉnh NV phù hợp
TS cần phân biệt giữa điểm sàn, điểm chuẩn và điểm đủ điều kiện nhận học bổng để điều chỉnh NV phù hợp. Trong đó, điểm sàn chỉ là điểm đủ điều kiện nhận hồ sơ. Điểm chuẩn có thể bằng hoặc cao hơn điểm sàn, được xác định dựa trên chỉ tiêu và số TS đăng ký xét tuyển từng ngành.
Thạc sĩ Trần Văn Trắng (Phó phòng tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn)
Không nên đăng ký quá nhiều hay quá ít NV
TS có quyền đăng ký không giới hạn số lượng NV và có quyền thay đổi thứ tự NV không giới hạn số lần. Tuy nhiên không nên đăng ký quá nhiều và cũng không nên quá ít. Ngành nào các em thích hơn thì nên đặt NV lên trên.
Thầy Võ Ngọc Nhơn (Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)