Phản hồi về bài viết Cả nước thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT đang xây dựng lương theo vị trí việc làm đăng trên Báo Thanh Niên mới đây, bạn đọc (BĐ) Tien Viet viết: "Tôi ở Thái Bình, tốt nghiệp bằng giỏi ra trường cách đây 13 năm. Tôi xin vào làm hợp đồng, sau khi trừ bảo hiểm còn thực lĩnh 650.000 đồng. Công việc của giáo viên hợp đồng nhiều (dạy thay, hoạt động phong trào...) nhưng năm nào cũng bị hiệu trưởng đe "cho nghỉ việc" vì không có kinh phí trả lương giáo viên hợp đồng.
Sau 4 năm yêu nghề tôi cũng phải ngậm ngùi nghỉ vì không đủ tiền nuôi con. Nói thực nhiều giáo viên hợp đồng năng lực yếu hoặc không có khả năng bứt phá ra ngoài làm việc khác thì cố bám trụ. Cuối cùng sau vài năm nữa tỉnh xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng vào biên chế, những người đứt gánh giữa đường thì coi như hết cơ hội. Năm nào chúng tôi cũng mong ngóng thi tuyển mà không có chỉ tiêu. Vậy mà các ông toàn kêu thiếu".
BĐ Hội Nguyễn cũng cho rằng: "Đơn giản vì lương giáo viên hợp đồng không đủ đổ xăng đi làm thì làm sao không thiếu được!"
BĐ Van Nga Truong nêu vấn đề: "Chỉ tiêu biên chế có sao các sở không tuyển?. Trách nhiệm người đứng đầu chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều giáo viên ra trường chờ đợi được đi làm thực tế rất nhiều, không thể cứ chờ họ phải lao động kiếm sống".
BĐ khác thì than: "Thiếu 113.491 giáo viên. Vậy mà sinh viên học sư phạm ra trường xin việc thì cứ bảo đủ, không nhận là sao? Không hiểu nổi luôn".
BĐ Hoan Phạm cho biết, thiếu giáo viên nhưng khi giáo viên dạy thừa giờ chỉ được trả 52.000 đồng/tiết.
Không ít BĐ chỉ ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thậm chí hoài nghi về việc thiếu tới cả trăm nghìn giáo viên mà Bộ GD-ĐT thống kê. BĐ My Pham cho biết: "Trường tôi đang dạy thừa 5 - 6 giáo viên. Riêng tổ trưởng chuyên môn thực dạy và tính giảm trừ 3 tiết rồi mà vẫn còn thiếu 4 - 5 tiết theo định mức. Trường ưu tiên cho tổ trưởng thiếu tiết thì kiêm thêm trên hồ sơ cho đủ tiết như tư vấn tâm lý học đường hoặc trực chuyên môn cho có chứ không lên trực cũng không sao. Theo tôi thấy giáo viên đã có kinh nghiệm mà không được giảng dạy, sinh viên mới ra trường còn thừa rất rất là nhiều. Vậy thiếu do đâu?".
BĐ Vuong Hung thì cho rằng, Bộ GD-ĐT chỉ nêu thiếu giáo viên, vậy nguồn giáo viên được đào tạo đâu hết rồi? Áp lực công việc cực cao, lương thấp, nhiều hoạt động ngoài giảng dạy, sinh viên ra trường khó xin việc, kiêm nhiệm nhiều việc hoặc môn học khác thì làm sao tập trung giảng dạy được?"
Tuyển dụng vẫn cơ chế "xin cho"
BĐ Le Đuc Tuyen cho rằng: "Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ngoài tăng lương cần minh bạch trong tuyển dụng. Vì hiện nay rất nhiều thông tin cho rằng để vào được biên chế giáo viên cần phải "chung chi". Thực tế nhiều bạn rất yêu nghề giáo, học sư phạm xong nhưng không có việc đúng chuyên môn phải cất bằng đi làm nghề khác, rất lãng phí. Bên cạnh đó nhiều bạn muốn theo nghề giáo nhưng không dám thi vào sư phạm vì sợ không xin được việc".
BĐ Trường Nguyễn Duy nêu ý kiến: "Song song với việc đào tạo, tuyển dụng và bố trí việc làm, chế độ ưu đãi cho giáo viên tôi thiết nghĩ Bộ GD-ĐT cần đẩy mạnh và kiên quyết chống tiêu cực trong thi tuyển viên chức".
BĐ Linh Tran Tinh thì bình luận: "Cái này một phần cũng đang nằm ở cơ chế xin cho chưa bỏ được. Có rất nhiều bạn tôi học sư phạm ra muốn vô trường đi dạy tuy nhiên xét tuyển đủ thứ đôi khi còn mất cả tiền mà chưa chắc vô được. Trong khi trường thiếu giáo viên".
BĐ Thắn Thẳng cho rằng thiếu nhiều nhưng học sinh tốt nghiệp sư phạm ra trường để vào được dạy học vẫn là công đoạn khó khăn nhất đối với con em ở nông thôn khi thi tuyển.
Vấn đề thiếu giáo viên nhưng không tuyển dụng được và không tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao đã nhiều lần được Bộ GD-ĐT đề cập. Năm 2023 Bộ GD-ĐT cho biết, vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương nhưng chưa tuyển dụng.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng chỉ ra nghịch lý dù ngành giáo dục tha thiết đi xin chỉ tiêu biên chế nhưng khi giao về địa phương thì nhiều địa phương không dám tuyển vì để dành chỉ tiêu trừ đi các suất giảm biên chế, vì nhỡ tuyển rồi lại phải giảm biên chế thì biết trừ vào ai. Nên thôi, "giao ít chỉ tiêu em để đấy trừ dần là xong".
Bộ GD-ĐT cho rằng, việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương còn thực hiện một cách cơ học. Thậm chí, một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.