Khoảng 1/3 trong 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng trong năm 2024 nhờ đa dạng hình thức bán hàng,
Theo đó, có khoảng 33% nhà bán lẻ cho biết đã ghi nhận doanh thu tăng trưởng nhờ tận dụng tốt bán hàng đa kênh, các hình thức quảng cáo trực tuyến. Đặc biệt, khai thác tối đa doanh thu thông qua việc khuyến khích khách hàng mua thêm hoặc nâng cấp sản phẩm. Ngành hàng thời trang, đồ gia dụng và thực phẩm đóng góp tỷ lệ tăng trưởng cao nhất nhờ sức mua ổn định và chương trình khuyến mãi linh hoạt.
Qua kết quả khảo sát trong 6 năm trở lại đây, tỷ lệ nhà bán hàng có doanh thu tăng trưởng năm 2024 cao hơn 2023 nhưng vẫn chưa đạt được con số tích cực như năm 2022.
Trong 66% nhà bán hàng nhận định không có tăng trưởng trong năm 2024, phần lớn ghi nhận giảm doanh thu từ 10% trở lên, chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp đang dùng kênh bán hàng truyền thống, tỷ lệ sử dụng kênh online hoặc đa kênh thấp. Nhiều nhà bán hàng trong nhóm này chưa tiếp cận hoặc chưa sử dụng các chương trình hỗ trợ tài chính, hạn chế đầu tư quảng cáo và tập trung vào các kênh miễn phí hoặc chi phí thấp.
Bên cạnh đó, năm 2024 cũng ghi nhận tình trạng bùng nổ livestream bán hàng trên các nền tảng số như Facebook live chiếm 23% tổng số phiên livestream của nhà bán hàng đang kinh doanh đa kênh hoặc chỉ bán online, TikTok Live chiếm 18%, Shopee Live kém phổ biến hơn (10%)…
Bà Lê Thị Nga - Giám đốc Sapo Social Commerce & Shipping cho biết: các buổi livestream có nội dung sáng tạo và tương tác với khách hàng qua minigame có thể tăng tỷ lệ xem đến 35% so với các buổi chỉ giới thiệu sản phẩm thông thường. Khi kết hợp với các dịch vụ vận chuyển nhanh và chính xác, nhà bán hàng sẽ tạo ra một chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ việc tiếp cận khách hàng đến giao hàng tận nơi, giúp tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng.
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử là điều kiện để thanh toán không tiền mặt trở thành xu hướng tất yếu. Trong đó, 94,4% nhà bán hàng chấp nhận ít nhất một phương thức thanh toán không tiền mặt. Chuyển khoản qua mã QR hay tài khoản ngân hàng đang được ưa chuộng nhất (91%) vì sự tiện lợi và đối soát nhanh chóng.
Đặc biệt, các thiết bị thanh toán tích hợp NFC - thanh toán không tiếp xúc dự đoán sẽ nổi bật trên thị trường trong 2025 giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng và tăng cường an toàn bảo mật trong hoạt động thanh toán.
Năm 2025 dự kiến thị trường bán lẻ nội địa Việt Nam sẽ sôi động hơn nhờ sự tác động từ chính sách vĩ mô như tiếp tục giảm thuế VAT kích thích tiêu dùng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, nhất là ứng dụng AI trở thành công cụ không thể thiếu giúp tăng hiệu quả, năng suất và lợi nhuận… Vì thế, 59% nhà bán hàng rất lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2025.
Qua khảo sát, nhiều nhà bán hàng bày tỏ muốn mở rộng kinh doanh thay vì tiết kiệm chi phí như 46% muốn mở thêm kênh bán, 45,8% dự định sẽ đa dạng mặt hàng và 30,8% muốn mở rộng quy mô, thêm chi nhánh, nhân viên. Trong đó, mở rộng kênh bán hàng là chiến lược trọng tâm, bao gồm mạng xã hội (28%), sàn TMĐT (23%) và TikTok Shop (21%).
Theo đại diện Sapo, để bắt nhịp nhanh chóng với thị trường và đạt được mục tiêu doanh thu như kỳ vọng, nhà bán hàng nên ưu tiên áp dụng công nghệ và chăm sóc khách hàng trong mức phù hợp với ngân sách, đảm bảo được lợi nhuận và chi phí không bị đội lên quá cao.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...