Theo đó, bắt đầu từ năm học 2024-2025, có 3 hình thức tổ chức dạy học giáo dục STEM trong trường THCS, THPT, bao gồm: Dạy học các môn khoa học theo bài học STEM; Tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Trong đó, dạy học các môn khoa học theo bài học STEM là hình thức tổ chức giáo dục STEM chủ yếu trong trường trung học. Giáo viên thiết kế các bài học STEM để triển khai trong quá trình dạy học các môn học thuộc Chương trình GDPT 2018 theo hướng tiếp cận tích hợp nội môn hoặc tích hợp liên môn.
Nội dung bài học STEM bám sát nội dung chương trình của các môn học nhằm thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo thời lượng quy định của các môn học trong chương trình.
Học sinh thực hiện bài học STEM được chủ động nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu học tập để tiếp nhận và vận dụng kiến thức thông qua các hoạt động: lựa chọn giải pháp giải quyết vấn đề; thực hành thiết kế, chế tạo, thử nghiệm mẫu thiết kế; chia sẻ, thảo luận, hoàn thiện hoặc điều chỉnh mẫu thiết kế dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Còn tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM sẽ thực hiện thông qua hình thức CLB hoặc các hoạt động trải nghiệm thực tế. Nhà trường tổ chức thực hiện theo sở thích, năng khiếu và lựa chọn của học sinh một cách tự nguyện.
Hình thức tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật là hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật được thực hiện dưới dạng một đề tài/dự án nghiên cứu bởi một cá nhân hoặc nhóm 2 thành viên, dưới sự hướng dẫn của giáo viên hoặc nhà khoa học có chuyên môn phù hợp.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý, tùy thuộc vào mục tiêu, yêu cầu cần đạt từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, các trường có thể áp dụng linh hoạt các hình thức tổ chức giáo dục STEM.
Nội dung bài học theo chủ đề giáo dục STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, học sinh được tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra. Qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh.