Tốt nghiệp ngành toán tại Imperial College London (Anh), ngôi trường đứng thứ 2 thế giới theo bảng xếp hạng ĐH tốt nhất toàn cầu 2025 của tổ chức QS, anh Văn Tấn Hoàng Vỹ, quê Nha Trang, chưa từng nghĩ sẽ theo đuổi sự nghiệp giáo dục mà ôm hy vọng vào làm ở các ngân hàng đầu tư như bạn bè. Nhưng đến nay, anh đã là hiệu trưởng của một ngôi trường phổ thông tư thục đạt chuẩn quốc tế trên đất Mỹ với hơn 200 học sinh.
Trong số đó, nhiều em trúng tuyển vào các trường ĐH hàng đầu xứ sở cờ hoa kèm học bổng lên đến 100%. Một số em khi tốt nghiệp còn nhận song bằng nhờ chương trình hợp tác đào tạo với một số trường ĐH.
Chuyên trị ca "khó"
Khác với nhiều đồng nghiệp khởi đầu ở môi trường thuận lợi, anh Vỹ phải đối diện với một điểm chung từ lúc dạy kèm ở Anh lúc học ĐH đến chặng đường làm giáo viên ở Mỹ sau khi tốt nghiệp cử nhân, đó là học trò nghèo, điểm kém, mất động lực học tập. "Chưa kể, tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm sư phạm vì làm trái ngành", anh Vỹ nhìn nhận.
Tuy nhiên, điều này không khiến nam giáo viên nản lòng, vì anh cảm thấy mình có mối lương duyên với công việc giảng dạy, không chỉ dừng ở niềm hạnh phúc khi được đứng trên bục giảng mà "sau vài tuần đồng hành, tôi đã xây dựng được mối quan hệ thân thiết với học trò và các em cũng thi đạt điểm cao". Việc thấu hiểu, xem trọng câu chuyện của từng học sinh cũng chính là nền tảng cho triết lý giáo dục của anh Vỹ sau này.
Rời London (Anh) đến Houston (Mỹ), anh Vỹ xin việc ở một số trường nhưng không thành công vì hồ sơ kém cạnh tranh. "Việc quản lý lớp học ở Mỹ rất khó và không đòi hỏi nhiều kiến thức mà chú trọng thực hành. Trong khi đó, tôi lại là giáo viên trẻ người nước ngoài đến từ châu Á. Mười mấy nơi từ chối, thị thực sắp hết hạn, tôi gần như bỏ cuộc thì may mắn được Trường trung học Sam Houston mời làm việc", anh Vỹ thở phào.
Tuy nhiên, Sam Houston là một ngôi trường đặc biệt, không phải vì thành tích xuất sắc mà đã từng 6 năm liên tiếp bị Ủy ban Giáo dục bang xếp ở mức "không thể chấp nhận", đứng trên bờ vực đóng cửa. Học trò ở trường đến từ các gia đình nghèo, nhiều em mang thai sớm, vướng tệ nạn. "Lúc đó ai cũng nói rằng nếu tôi 'tồn tại' được ở Sam Houston thì sau này không trường nào có thể làm khó mình nữa", nam giáo viên cười nói.
Tại đây, anh Vỹ đảm nhận dạy toán cho 7 lớp 11 với gần 200 học sinh. Sau khi khảo sát năng lực học trò, anh Vỹ không chỉ thiết kế lại giáo án phù hợp với điểm yếu của từng em, mà còn đặc biệt quan tâm đến chuyện đời thường và những gì các em phải trải qua. "1 tiết 55 phút thì tôi chỉ dành 7-8 phút trên bục giảng, thời gian còn lại để học sinh làm bài và tôi cũng tranh thủ đi vòng quanh lớp bắt chuyện với tụi nhỏ", anh Vỹ kể.
Những cuộc trò chuyện ngắn ấy, theo nam giáo viên, không chỉ giúp anh biết được các em có hiểu bài hay không, mà quan trọng hơn hết là "đan" sợi dây kết nối giữa thầy với trò thay vì áp đặt tôn ti. Không chỉ thụ động lắng nghe, anh Vỹ còn chuyển hóa nó thành hành động, như cố gắng nhớ tên, sở thích của tất cả các em, hay phụ đạo miễn phí cho học trò mỗi buổi sáng hoặc chiều nếu các em có nguyện vọng.
Sau giờ học, anh cũng chơi bóng rổ hay đi rửa ô tô cùng các bạn để kiếm tiền tham quan các ĐH danh tiếng, giúp các em nuôi ước mơ vào ĐH - điều mà trước đó hầu như không học sinh nào cân nhắc đến.
"Ở tuổi ăn tuổi lớn, tụi nhỏ đứa nào cũng cũng muốn được quan tâm và chăm sóc. Song, quan tâm phải xuất phát từ thật lòng, qua hành động thực chứ không chỉ nói ra là xong. Đừng 'Hello, how are you?' (xin chào, con khỏe không?) mà hãy gọi tên, hỏi thăm đúng vấn đề hoặc động viên đúng cách mỗi khi gặp học trò", chàng trai Nha Trang nhìn nhận.
"Mưa" tình thương giúp anh Vỹ nhận về nhiều "quả ngọt". Năm đầu tiên, anh giúp nâng tỷ lệ học sinh đậu bài kiểm tra toán chuẩn hóa của bang Texas từ 33 lên 98%, và 1 năm sau đó là 100%, giúp tất cả học sinh có thể tốt nghiệp. Hoàn thành năm đầu, anh cũng được thăng chức làm trưởng bộ môn toán tại trường, quản lý 29 giáo viên có thâm niên hàng chục năm đứng lớp.
Sau 4 năm, Trường trung học Sam Houston được ngành giáo dục bang Texas công nhận trở lại. Trong thời gian này, anh Vỹ lấy bằng thạc sĩ giáo dục tại ĐH Stanford danh tiếng hàng đầu Mỹ. Đồng thời, anh cũng thi lấy chứng chỉ hiệu trưởng, bắt đầu hiện thực hóa giấc mơ mở trường tại Mỹ cho học sinh bản địa gốc Việt cũng như các quốc gia khác, "để lan tỏa rộng hơn những gì mình đã làm được".
8 học sinh, 2 giáo viên
Trường Van Houston (Van Houston Academy), với "Van" là họ của anh Hoàng Vỹ và "Houston" là nơi trường tọa lạc, được thành lập từ 2016 theo mô hình "after school", tức dạy thêm cho học sinh những môn còn yếu sau giờ học chính khóa. Tuy nhiên, mô hình này không thể giữ chân giáo viên giỏi vì chỉ dạy 2 giờ/ngày, và cũng bị động trong quá trình giảng dạy vì chỉ có thể "gặp đâu vá đấy" những kiến thức học sinh bị hổng.
"Dù có lợi nhuận ổn định nhưng với tôi, chỉ dạy thêm như thế này lại không có nhiều ý nghĩa về phương diện giáo dục. Tôi chưa từng nghĩ sẽ mở trường tư thục. Đó là điều rất viển vông vì chỉ những tập đoàn lớn hoặc nhà thờ, tổ chức tôn giáo mới thực hiện được. Chưa kể, nhiều trường tư khác đã thành lập lâu đời thì làm sao cạnh tranh được với họ. Nhưng vì học sinh, vì cộng đồng, tôi quyết định liều", anh Vỹ nói.
8 học sinh, 2 giáo viên, đó là thực tế năm đầu khi anh Vỹ chuyển sang dạy chính khóa 8 giờ/ngày với đủ 7 môn học, sau 2 năm vận hành mô hình dạy thêm. Lúc này, anh Vỹ hoàn thiện hơn triết lý giáo dục xoay quanh việc truyền động lực, cảm hứng cho cả học sinh lẫn giáo viên. "Tôi không quan tâm giáo viên dạy thế nào và thầy cô có thể tự do soạn giáo án. Quan trọng là học sinh hiểu bài không và các em có hứng thú với tiết học không", anh Vỹ nhận định.
Triết lý này được hiện thực hóa bằng nhiều phương pháp khác nhau. Đó là tạo mối quan hệ giữa thầy và trò dựa trên thấu hiểu chứ không phải ép buộc. Đó là tạo cơ hội để học sinh cũng có thể đề cử và vinh danh giáo viên chứ không chỉ có giáo viên phát thưởng một chiều cho học sinh. Đó là xây "lớp nền" kiến thức và kỹ năng thật chắc cho học trò chứ không đề cao thi cử, điểm số. Đó là chú trọng chuyển hóa các em thay vì tuyển sinh những bạn xuất sắc để lấy thành tích...
"Phải làm sao để học sinh có đủ năng lực ra khỏi trường ĐH chứ không chỉ để tốt nghiệp phổ thông", anh Vỹ chia sẻ mục đích của chương trình giáo dục do anh tự biên soạn.
Điều này giúp trường tăng lên thành 20 học sinh, 4 giáo viên vào cuối năm, dù liên tục đối diện với những nghi ngờ từ phụ huynh, đồng nghiệp như liệu có lừa đảo, có thực sự giúp học sinh đạt kết quả tốt hay không. Đến năm 2, số lượng tăng gấp đôi, lên 40 bạn. Sau đó, do Covid-19 nên anh Vỹ khuyên các bạn ra học trường công vì trường của anh không có đủ tài nguyên để thực hiện tốt việc dạy trực tuyến.
"Lúc đó tôi đóng cửa trường nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng. Đã có thời điểm tôi nghĩ mình sắp phá sản", anh Vỹ nhớ lại.
Tới hè năm 2021, thời điểm Mỹ ngừng giãn cách xã hội, nam hiệu trưởng một lần nữa tập hợp lại đội ngũ giáo viên, tất cả đều là người Mỹ, với hy vọng "cứu" trường. Anh Vỹ kể, có giáo viên sau khi nghe tin đã lập tức nghỉ việc ở trường công để quay về làm việc dù mức lương thấp hơn nhiều, "vì họ xem đây là ngôi nhà thứ hai". "80% học sinh trước đó qua trường công cũng trở về và nhiều cha mẹ còn giới thiệu thêm", anh nói. Đến năm học 2023-2024, trường có tổng cộng 200 học sinh các cấp.
Một cột mốc đáng chú ý với trường là vào năm 2022, sau nhiều vòng thẩm định chương trình học, giáo án và phỏng vấn học sinh, giáo viên, trường được Cognia - tổ chức kiểm định giáo dục hàng đầu ở Mỹ - chứng nhận. Động thái này giúp đảm bảo bằng tốt nghiệp của trường có giá trị. Một điểm nhấn khác là hiện nay trường đã mở rộng giảng dạy từ mẫu giáo đến THPT, anh Vỹ nói thêm.
"Tại lễ tốt nghiệp tổ chức hồi giữa tháng 5, tuy chỉ 11 học sinh nhận bằng nhưng có đến 500 người đến dự. Nhiều em trong lứa rồi được nhận vào các trường hàng đầu của bang như UT Austin, Texas A&M. Một số em còn có cơ hội cùng sinh viên nhận bằng ĐH 2 năm theo chương trình kép do chúng tôi phối hợp thiết kế với 3 ĐH đối tác", anh Vỹ tự hào.
Vivian Nguyễn, cựu học sinh tốt nghiệp năm 2022, cho biết ngôi trường khiến cô trưởng thành hơn nhờ mang đến những cơ hội như lãnh đạo, nói trước công chúng và làm việc với trẻ em ở mọi lứa tuổi. "Các giáo viên ở đây thật tuyệt vời. Thầy cô luôn cố gắng hết sức để chúng tôi tiến lên từng bước", nữ sinh nhận học bổng toàn phần ngành y tá từ ĐH St. Thomas (Mỹ) nhận định.