Trên thực tế, từ năm 2009, Trường ĐH Bách khoa (ĐHBK) đã sớm áp dụng đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên (SV) dựa trên việc lắng nghe các phản hồi từ doanh nghiệp về yêu cầu tuyển dụng đối với SV mới tốt nghiệp và từ SV đối với nhu cầu được đào tạo. Các nhóm kỹ năng chính được đào tạo khi đó gồm giao tiếp - truyền thông, làm việc nhóm, phân tích - tổ chức công việc, giải quyết vấn đề.
Thời gian đầu, kỹ năng mềm là môn học bổ trợ và được đào tạo trong học kỳ đầu tiên nhằm giúp tân SV làm quen với môi trường bậc ĐH. Mô hình đào tạo kỹ năng mềm được kết hợp xen kẽ giữa đào tạo chính khóa và hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh giờ học trên lớp, SV còn được thực hành kỹ năng mềm thông qua việc triển khai các dự án hướng tới cộng đồng, thuyết trình và tranh biện, tổ chức hội trại truyền thống với quy mô tăng dần qua các năm từ hàng trăm lên tới hơn một ngàn người.
Đặc biệt, ở một số sự kiện lớn, nhà trường trao quyền cho SV thực hiện; sau khi lên kế hoạch chi tiết, phân công nhân sự, SV được các thầy cô trong khoa, phòng ban, trung tâm góp ý để hoàn thiện kế hoạch. Kinh nghiệm của Trường ĐHBK cho thấy SV trưởng thành rất nhiều từ các hoạt động kể trên. SV tự rèn luyện công tác tổ chức, kết hợp lý thuyết và thực tiễn, trau dồi các kỹ năng mềm và hiểu được sự phức tạp trong đời sống thật để từ đó tích lũy cho mình những kinh nghiệm sống quý báu.
Trần Hà My, SV khóa 2023 chương trình Dạy và học bằng tiếng Anh ngành Khoa học Máy tính, cho biết môn kỹ năng mềm đã giúp bạn học được cách quản lý thời gian hiệu quả, cách phối hợp, ứng xử hòa nhã với các cộng sự trong nhóm dự án. "Kiến thức đáng giá nhất mình được trang bị từ môn kỹ năng mềm chính là làm việc nhóm, nhận thức bản thân và thuyết trình. Các kỹ năng này giúp mình thích nghi tốt với môi trường học tập đầy thử thách tại Bách khoa".
Từ đó tới nay, nhà trường đã nhiều lần cải tiến môn học kỹ năng mềm để phù hợp với sự thay đổi của thị trường lao động, bối cảnh kinh tế và xã hội sau đại dịch COVID-19, nhu cầu ngày càng cao của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào đời sống, những tác động từ biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở phân tích nhu cầu đào tạo kỹ năng dựa trên số liệu báo cáo hằng năm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), yêu cầu về kỹ năng của doanh nghiệp, xu hướng đào tạo của các đại học lớn trên thế giới, việc nâng cấp kỹ năng cho SV Bách khoa ngày càng trở nên cấp thiết.
Mô hình giáo dục kỹ năng toàn diện, mang tính tiên phong, phù hợp với định hướng quốc tế hóa
Bắt đầu từ năm học 2024, Trường ĐHBK triển khai môn kỹ năng mềm thành tám học phần: giao tiếp hiệu quả, quản trị nhận thức, quản lý bản thân, chinh phục nhà tuyển dụng, tư duy khoa học, viết đề án - báo cáo, tư duy toàn cầu - đổi mới, phương pháp tư duy lãnh đạo. Các học phần này được bố trí giảng dạy xuyên suốt bốn năm học nhằm giúp SV có điều kiện thực hành liên tục. Nhờ đó, nhà tuyển dụng sau này sẽ yên tâm khi biết được ứng viên tốt nghiệp từ Bách khoa đã được trang bị đầy đủ các kỹ năng.
Đối với hoạt động ngoại khóa, bên cạnh nhiều sự kiện, cuộc thi lớn nhỏ do Trường ĐHBK tổ chức, nhà trường phối hợp cùng các viện, trung tâm đào tạo kỹ năng để tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn chuyên đề dành cho SV. Năm 2023 và 2024, Trường ĐHBK đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển nguồn lực Việt (IRDM) và Viện Đào tạo kỹ năng GOEN tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về quản lý thời gian, lập kế hoạch, xây dựng các mục tiêu trong cuộc sống, định vị giá trị bản thân.
PGS-TS Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường ĐHBK, nhận định Đề án Giáo dục kỹ năng và thể chất giai đoạn 2024-2028 mang tính tiên phong, khai phóng người học, thể hiện được tầm nhìn và sứ mạng của nhà trường. Đây là một phần trong Chiến lược Phát triển đào tạo quốc tế giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn tới năm 2030, và Đề án Giáo dục kỹ năng và thể chất giai đoạn 2024-2028.
Nhà trường đang triển khai và áp dụng đào tạo kỹ năng toàn diện cho SV từ khóa 2024 chương trình quốc tế (Dạy và học bằng tiếng Anh, Chuyển tiếp quốc tế, Định hướng Nhật Bản), sau khi đánh giá hiệu quả sẽ xem xét triển khai cho chương trình tiêu chuẩn (giảng dạy bằng tiếng Việt).
Theo định hướng quốc tế hóa, chương trình đào tạo kỹ năng có nội dung về giao tiếp đa văn hóa, tư duy toàn cầu và làm việc trong môi trường quốc tế. Các môn học kỹ năng và hoạt động ngoại khóa sẽ có chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy. Bên cạnh giờ lên lớp, SV còn được tham gia các chuyến học tập thực tế ở nước ngoài để giao lưu quốc tế phát triển kỹ năng giao tiếp đa văn hóa.
Thành quả mong đợi từ đề án này được xem là có ý nghĩa quan trọng không kém gì các đề án khác đang được nhà trường tiến hành song song như tuyển dụng giảng viên nước ngoài, tăng cường thu hút SV quốc tế, xây dựng cơ sở dữ liệu và bảo đảm chất lượng giảng viên chương trình dạy và học bằng tiếng Anh.
Chưa dừng lại ở đó, Trường ĐHBK còn chú trọng đào tạo thể chất, nâng cao sức khoẻ, tạo lập thói quen rèn luyện sức khỏe suốt đời cho SV. Kính mời quý độc giả theo dõi bài viết tiếp theo để hiểu thêm về nỗ lực toàn diện của nhà trường trong hành trình "trăm năm trồng người".