Mỗi lớp học giới hạn tối đa 10 em để hiệu quả nhất trong tương tác, mỗi buổi học kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi, các khóa "đọc sách - viết văn" của cô Nguyễn Thị Thanh Hoa (Q.Gò Vấp, TP.HCM) luôn tấp nập phụ huynh đăng ký, đặc biệt trong mùa hè 2024. Cô Thanh Hoa có lớp trực tiếp cho học trò độ tuổi thiếu nhi, song cô chủ yếu dạy online để thuận tiện hơn cho các học viên nhí, không chỉ ở TP.HCM mà nhiều tỉnh thành có thể tham gia.
Tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, từng đi dạy ngữ văn trong trường phổ thông, cô Hoa từ lâu đã nhen nhóm ước mơ mở các lớp dạy viết sáng tạo cho trẻ em. Mở lớp từ cách đây mấy năm, cô cho hay hiện nay nhu cầu của phụ huynh muốn cho con đi học các lớp đọc sách - viết văn, viết sáng tạo đang nhiều hơn ngày trước.
Trong lớp của cô Thanh Hoa, học trò được học về nền tảng trước, với học sinh tiểu học sẽ được khơi gợi giác quan trong việc viết văn, từ thị giác, thính giác… Kế tiếp, cô và trò cùng đọc sách, tìm những cuốn sách hay, phù hợp với thiếu nhi để các em cảm thụ. Dần dần, học trò được hướng dẫn viết những đoạn văn đơn giản, viết thơ, viết truyện. Các bé được khuyến khích viết những gì mình suy nghĩ, mong muốn, không rập khuôn, máy móc. Bài viết là thế giới thông qua đôi mắt trẻ.
Chúng tôi dự giờ một tiết học online của cô Hoa. Cô và trò cùng đọc một bài thơ, một câu chuyện nhỏ trong cuốn sách thiếu nhi. Sau đó, cô giáo nhận xét bài tập về nhà, trong đó, các em được hướng dẫn hóa thân vào nhân vật trong một bài thơ để kể lại câu chuyện bằng lời văn của mình. Kế tiếp, các em được thực hành viết. Phần cuối, các em thử sức với yêu cầu "hóa thân thành một sự vật và viết truyện/thơ tùy chọn".
Những hoạt động vui vẻ, nhẹ nhàng, không phải cô đọc - trò chép mà luôn có sự tương tác giữa học trò và cô giáo. Bài tập về nhà được học trò thực hiện trên giấy, sau đó phụ huynh chụp, gửi cho cô Thanh Hoa để nhận xét. Cô nói: "Tôi khuyến khích phụ huynh không can thiệp, không góp ý, đánh giá trong quá trình các bé viết tự do tại nhà vì sẽ dễ mang suy nghĩ, định kiến của người lớn vào sáng tác của con. Tôi tôn trọng sự sáng tạo của mỗi bé và quan niệm rằng học văn là đường dài, không phải chỉ ngày một ngày hai như luyện thi cấp tốc".
THẤU HIỂU CẢM XÚC HỌC TRÒ
Chiều cuối tuần, TP.HCM rả rích mưa, trong lớp kỹ năng viết sáng tạo của cô Nguyễn Mộng Tuyền (Giám đốc điều hành, đồng sáng lập Học viện Ngôn từ) ở 327 Tỉnh lộ 15, xã Tân Thạnh Đông, H.Củ Chi, giòn giã tiếng cười của các học viên từ 7 - 10 tuổi. Các em đang ở phần "Kể chuyện tiếp nối". Cô Thư, người trợ giảng, mở đầu bằng chi tiết: "Ngày xửa ngày xưa, ở một xứ kia có một nàng công chúa có vết bớt trên mặt". Các em nhỏ - ngồi vòng tròn - lần lượt nối tiếp bằng những tình tiết do các em mới nghĩ ra (phải tuân theo quy định như không bạo lực, không sử dụng ngôn từ thiếu văn hóa...). Một trợ giảng khác hỗ trợ ghi lại câu chuyện được sáng tác hoàn toàn ngẫu hứng này và hỏi có ai muốn sửa chi tiết nào không. Kết thúc trò chơi, một em nhỏ sẽ đọc lại cho cả lớp nghe. Câu chuyện rất logic, hài hước và đầy sáng tạo khiến cô Tuyền ngồi cạnh phải bật cười.
Ở phần kế tiếp, các em được bốc thăm một thông điệp trong chiếc hộp bí mật. Với các thông điệp như "Mùi hương em nhớ mãi", "Người em yêu thương", "Đồ chơi biết nói"…, mỗi em tự do viết truyện, làm thơ trên một mặt giấy. Bài viết được đọc trước cả lớp, cô Tuyền và các bạn cùng chia sẻ, nhận xét nhưng không phán xét. Các em cũng được khuyến khích tự do trang trí bài viết của mình để hình ảnh và ngôn từ cùng biểu đạt cảm xúc cá nhân.
Bên cạnh đó, các buổi học còn có những trò chơi phát triển tư duy ngôn từ cho học sinh. Chẳng hạn như trong trò "túi ngôn từ", với chiếc túi được dán nhãn "gia đình" thì mỗi em lần lượt nói các từ thuộc về "gia đình" để bỏ mảnh giấy ghi vào túi. Cô Nguyễn Mộng Tuyền (cử nhân sư phạm ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM; thạc sĩ ngôn ngữ học) cho hay sự sáng tạo trong các trò chơi, các bài viết của các em nhỏ luôn khiến cô bất ngờ, cảm động.
"Từ lớp viết sáng tạo này, chúng tôi hiểu về thế giới nội tâm, cả những tổn thương nào đó trong các em và hy vọng được chia sẻ, khỏa lấp những khoảng trống đó trong mỗi em", cô Mộng Tuyền bộc bạch.
Cô Mộng Tuyền từng là giáo viên dạy ngữ văn trong trường phổ thông. Cô cho hay hiện nay với Chương trình GDPT 2018, học sinh cần viết những bài văn sáng tạo hơn, viết theo năng lực người học. Đồng thời, xu hướng hiện nay, nhiều trường ĐH trong nước, nước ngoài dùng bài luận để tuyển sinh. Khi học trò có góc nhìn sáng tạo, biết cách triển khai, biết xây dựng bài luận phù hợp với mình, có chiều sâu, có đủ sự khác biệt, thì dùng ngôn ngữ tiếng Việt hay ngoại ngữ để thể hiện bài luận, các em cũng có những ưu thế để bước vào ngôi trường em mong muốn.
Ở nhà có thể bồi đắp viết sáng tạo được không ?
Nếu cha mẹ chưa có điều kiện cho con tham gia lớp học viết sáng tạo thì các con có thể tự bồi dưỡng kỹ năng này hay không?
Nhà thơ Đoàn Văn Mật cho rằng cha mẹ hoàn toàn có thể cho con đọc sách và đọc sách cùng con. Con nên được tập thói quen đọc sách từ nhỏ, đọc sách hằng ngày. "Đọc sách là nền tảng ban đầu để học tốt môn văn. Từ say mê đọc sách, con sẽ có vốn từ phong phú, gợi mở nhiều sự sáng tạo để viết tốt", nhà thơ trao đổi.
Nâng cao năng lực ngôn ngữ
Nhiều học sinh không có sự sáng tạo trong viết văn. Rất nhiều em viết theo khuôn mẫu, theo định hướng. Từ năm học 2024 - 2025, toàn bộ học sinh từ lớp 1 tới lớp 12 học theo Chương trình GDPT 2018; trong đó, phần viết văn luôn được chú trọng theo năng lực ngôn ngữ của người học. Học viết văn sáng tạo là một trong những cách để nâng cao năng lực ngôn ngữ của các em. Khi nhiều học sinh quan tâm tới viết văn sáng tạo, tới cảm thụ tác phẩm văn học, đó là tín hiệu vui. Bởi mục đích cuối cùng của sự học không phải để đối phó với một kỳ thi hay một bài kiểm tra nào đó mà để tạo nên những năng lực và phẩm chất để người học có thể giải quyết tối ưu những tình huống của cuộc sống.
Thầy Nguyễn Việt Đức (Tổ trưởng ngữ văn Trường THCS-THPT Diên Hồng, Q.10, TP.HCM)
Phụ huynh ngày càng quan tâm tới môn văn
Xu hướng phụ huynh cho con tham gia lớp viết văn sáng tạo, đọc sách viết văn hay sáng tác thơ, truyện thiếu nhi… là tích cực. Chúng ta có thể thấy mươi năm trở lại đây, việc học văn ở nhà trường khá báo động, cha mẹ lo lắng con xao nhãng học văn; các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ cũng phân tích lý do vì sao các con chán học văn. Tín hiệu vui là mấy năm qua, nhiều phụ huynh quan tâm tới việc bồi dưỡng khả năng cảm thụ văn học thiếu nhi cho các con - chính là quan tâm bồi đắp đời sống tinh thần cho con một cách trọn vẹn. Có thể thấy như cha mẹ đầu tư cho việc đọc của các con, mua sách cho con nhiều hơn, cho con tham gia các lớp học cảm thụ văn học, viết sáng tạo… Từ đó đánh thức tinh thần đọc, viết của học sinh hiện nay.
Nhà thơ Đoàn Văn Mật (tác giả nhiều bài thơ trong sách giáo khoa lớp 5 - Chương trình GDPT 2018)