Với những thí sinh dự tuyển khối N (sư phạm âm nhạc), mỗi em dự thi 2 môn năng khiếu: hát (nhân hệ số 2), thẩm âm - tiết tấu. Với cả hai phần thi, chị Sợi đều thể hiện sự bình tĩnh, tự tin. Đặc biệt, ở môn hát, giọng hát trong trẻo, tình cảm của chị khiến cả hai giám khảo đều bày tỏ sự hài lòng. Chỉ ở phần tiết tấu, khi giám khảo tăng độ khó lên (gõ nhịp nhanh, dồn dập), chị Sợi có hơi cuống một chút, nhưng cũng đã trả lời được.
Lúc đi thi, chị Sợi mặc áo dài trắng, như phần lớn nữ sinh dự thi khối N, nên giám khảo và các thí sinh khác chỉ biết chị là một thí sinh tự do. Nhưng khi trò chuyện với chị sau buổi thi, phóng viên Báo Thanh Niên mới biết chị là một nữ tu, có tên thánh là Teresa Avila, ở dòng Mân Côi Bùi Chu, Nam Định.
"Tôi vào nhà dòng từ năm học lớp 9, vừa sống trong nhà dòng, vừa theo học THPT giống như các bạn cùng trang lứa ở bên ngoài. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi được nhà dòng phân công tham gia nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng, trong đó có việc dạy các em thiếu nhi hát thánh ca. Trong môi trường nhà dòng, tôi thường xuyên được luyện tập hát nên cũng không quá ngỡ ngàng trước các yêu cầu của giám khảo khi dự thi hôm nay", chị Teresa Avila Sợi chia sẻ.
Đi học để trở về phụng sự tốt hơn
Lý giải về việc vì sao đến giờ mình mới dự thi đại học, chị Sợi nói: "Công việc của tôi ở nhà dòng rất bận. Theo yêu cầu của nhà dòng, tôi đến nhiều giáo xứ khác nhau để làm công tác thiện nguyện, phục vụ người dân Công giáo. Đến thời điểm này nhà dòng thấy cần phải cử tôi đi học đại học, để mở rộng khả năng phục vụ của mình tại cộng đồng sau khi có bằng cử nhân sư phạm".
Chị Teresa Avila Sợi cũng chia sẻ, chị không phải là nữ tu đầu tiên được Hội dòng Mân Côi Bùi Chu cử đi học đại học. Trước chị có rất nhiều nữ tu khác đã tốt nghiệp đại học, và hiện cũng có nhiều chị khác đang học đại học, chủ yếu là các ngành sư phạm, y, dược. Đó là những ngành học thiết thực với yêu cầu lan tỏa tinh thần nhân đạo, bác ái mà nhà dòng chủ trương suốt gần 80 năm nay, kể từ khi thành lập.
Trong suốt những năm học đại học, các chị được nhà dòng bố trí chỗ ở, cấp toàn bộ chi phí sinh hoạt, học phí và các chi phí phát sinh khác.
Sau kỳ thi năng khiếu ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chị Teresa Avila Sợi còn dự thi ở Trường ĐH Nghệ thuật T.Ư (thi ngày 11 tới). Nhưng nguyện vọng hàng đầu của chị Sợi là trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. "Ở bên này tuyển ít sinh viên hơn, vì thế sinh viên sẽ được quan tâm hơn, được thầy cô chăm chút cho về chuyên môn hơn", chị Teresa Avila Sợi nói.
Kỳ thi năng khiếu tuyển sinh 2024 của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội diễn ra hôm nay, 5.7, với tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 2.198. Trong số này, 1.281 thí sinh thi đăng ký dự thi ngành giáo dục mầm non, 319 thí sinh thi dự thi ngành sư phạm âm nhạc, 222 thí sinh thi dự thi ngành sư phạm mỹ thuật, 376 thí sinh thi ngành giáo dục thể chất. Đây là con số cao gấp đôi so với năm ngoái.
Trong khi đó, chỉ tiêu không thay đổi. Cụ thể: giáo dục mầm non 200, giáo dục thể chất 90, sư phạm mỹ thuật 80, sư phạm âm nhạc 90.