CHUYỂN BIẾN RÕ RỆT
Theo số liệu từ Cục CSGT (C08) Bộ Công an, chỉ trong 3 ngày đầu triển khai Nghị định 168/2024, lực lượng CSGT đường bộ đã xử lý hơn 37.600 trường hợp vi phạm, nộp kho bạc nhà nước gần 94 tỉ đồng; tạm giữ 227 ô tô, 11.609 xe mô tô, gắn máy; tước hơn 5.800 giấy phép lái xe. Trong số này, có 8.308 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 8.103 trường hợp vi phạm về tốc độ, 84 trường hợp vi phạm về ma túy.
Tại Hà Nội, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) phụ trách nhiều nút giao thông có lượng phương tiện lưu thông lớn như bến xe Mỹ Đình, ngã tư Đại lộ Thăng Long, nút giao Mai Dịch… Chỉ huy đơn vị này cho biết, trước khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, tình trạng đi ngược chiều, dừng chờ quá vạch, thậm chí không chấp hành tín hiệu đèn giao thông diễn ra phức tạp. Thế nhưng từ ngày 1.1 đến nay, với việc nâng mức phạt tiền rất cao, người tham gia giao thông ý thức được "đi sai là mất nhiều tiền", nên chấp hành tốt hơn, vi phạm đã giảm sâu.
Ghi nhận thực tế, hầu hết người vi phạm khi bị xử lý đều tỏ ra hối hận. Hình ảnh cả hàng dài xe máy dừng chờ đèn đỏ nghiêm túc nay dễ dàng bắt gặp ở hầu hết các nút giao thông. Theo đại diện C08, điều này cho thấy ý thức tham gia giao thông của người dân đã có chuyển biến rõ rệt, bước đầu đi vào kỷ cương, chấp hành.
Sự chuyển biến có lẽ là hệ quả tất yếu, như lời của đại biểu Trịnh Xuân An, "mỗi khi chúng ta nâng mức phạt thì ý thức của người lái xe cải thiện hơn". Minh chứng rõ nét là Nghị định 100/2019, sau thời gian áp dụng cấm tuyệt đối và phạt nặng với vi phạm nồng độ cồn, đến nay người dân bước đầu có thói quen đã uống rượu bia thì không lái xe. Đại biểu kỳ vọng Nghị định 168/2024 cũng sẽ mang lại những kết quả tương tự.
Trước một số băn khoăn về mức phạt quá cao, ông An cho rằng cơ quan soạn thảo đã đánh giá kỹ trên cơ sở khoa học. Hơn thế, mục tiêu ban hành nghị định không phải để thu ngân sách mà "đánh" vào ý thức, thái độ của người điều khiển phương tiện giao thông.
"Không nên đánh đồng giữa thu nhập và mức xử phạt. Phạt cao thì răn đe cao, ý thức cao, vi phạm sẽ giảm, cả xã hội an toàn", vị đại biểu nói và khẳng định "cách tốt nhất để không mất tiền là không vi phạm".
TIẾP TỤC XỬ LÝ NGHIÊM
Để Nghị định 168/2024 tiếp tục phát huy hiệu quả, chỉ huy Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội) cho biết sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại các nút giao thông trọng điểm. CSGT hóa trang bí mật ghi lại hình ảnh hành vi vi phạm, chuyển cho lực lượng CSGT công khai xử lý theo quy trình. Người vi phạm sẽ được xem video hoặc hình ảnh in tại chỗ về hành vi của bản thân, qua đó "tâm phục, khẩu phục".
Đội CSGT số 6 còn phân công cán bộ CSGT phối hợp công an cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) đến tận trường học, cơ quan, đoàn thể trên địa bàn. Đơn vị cũng xây dựng kế hoạch phát loa tuyên truyền, phát tờ rơi tại bến xe… để thông tin về mức phạt mới.
Ủng hộ cách làm trên, đại biểu Trịnh Xuân An nói dù xử phạt là biện pháp trực tiếp nhất, nhưng không phải duy nhất, mà vẫn cần thêm các giải pháp đồng bộ, bao gồm tuyên truyền, giáo dục để qua đó thay đổi nhận thức về chiều sâu. Quan trọng hơn, văn hóa giao thông không chỉ đến từ người điều khiển ô tô hay xe máy mà đòi hỏi với mọi thành phần tham gia giao thông, kể cả xe thô sơ hay người đi bộ, vì thế phải quản lý một cách toàn diện. "Ví dụ như các cháu học sinh tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Vừa rồi, Bộ Công an mở đợt cao điểm xử lý vi phạm giao thông với nhóm này, rất đáng hoan nghênh", ông An nhấn mạnh.
Với những kết quả đạt được, đại diện C08 cho hay thời gian tới lực lượng CSGT sẽ duy trì việc xử lý nghiêm các vi phạm, để hình thành thói quen chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông. Trước mắt là đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự trên phạm vi toàn quốc dịp Tết Nguyên đán 2025, đang được triển khai đến ngày 14.2.
Theo đó, Bộ Công an yêu cầu tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT; tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm theo các chuyên đề nồng độ cồn, ma túy, quá tải, xe khách, xe container và đảm bảo ATGT cho lứa tuổi học sinh…; có phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông, không để xảy ra đua xe trái phép.
Xem video vượt đèn đỏ, không sợ bị phạt oan
Mấy ngày qua, mạng xã hội chia sẻ các clip, hình ảnh về tình trạng một số đèn tín hiệu giao thông "đang màu xanh bỗng nhảy sang màu đỏ". Đại diện C08 cho biết, nguyên nhân là do một số cột đèn tín hiệu giao thông thuộc thế hệ cũ, phải điều khiển thủ công, nên có độ trễ khi điều chỉnh chu kỳ đèn trong ngày. Người tham gia giao thông sẽ không bị phạt oan, phạt sai trong trường hợp trên.
Nếu "phạt nguội", CSGT sẽ cho người vi phạm xem lại clip diễn biến toàn trình của vi phạm vượt đèn đỏ trước khi lập biên bản. Nếu xử phạt trực tiếp, lực lượng phụ trách đèn sẽ phối hợp với CSGT tại chốt, thông báo vi phạm vượt đèn đỏ để dừng, xử lý, có gửi clip từ trung tâm cho CSGT tại chốt thông báo cho người vi phạm biết.
C08 đã kiến nghị đơn vị vận hành, quản lý đèn tín hiệu giao thông sớm nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu giao thông thế hệ cũ.
Đại diện Sở GTVT TP.Hà Nội cho hay, địa bàn thủ đô có hơn 800 nút đèn giao thông, trong đó số đèn bị trục trặc kỹ thuật là rất ít. Cơ quan này đã lập nhóm điều hành để tiếp nhận thông tin; đồng thời chỉ đạo tăng cường kiểm tra, phát hiện trục trặc là yêu cầu đơn vị duy tu xử lý ngay lập tức.