Bí quyết… "không tốn kém"
Vũ Bảo Đức là học sinh lớp chuyên toán Trường THTP chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội). Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, Đức cho biết bí quyết đầu tiên trong việc chinh phục kỳ thi SAT rất dễ áp dụng, ai cũng có thể học được, vì nó rất… rẻ, đó là tự học trên nền tảng trực tuyến Khan Academy. Nhưng Đức cũng có một lợi thế là được học chuyên toán, ở trường được thầy cô dạy kiến thức toán nâng cao, nên không bị "ngợp" khi tiếp cận với hệ thống bài học trên Khan Acdemy.
Đức nói: "Tổ chức Khan Academy có mối quan hệ hợp tác với College Board (là tổ chức giáo dục chuyên phát triển các chương trình đào tạo và bài thi chuẩn hóa quốc tế AP, SAT, PSAT, Sringboard - PV), nên họ cung cấp cho người học những bài học tương thích hệ thống đánh giá của SAT. Mình chỉ cần ôn luyện với những bài tập trên Khan Academy đã có thể đạt điểm rất cao. Với em đây là cách học rất hiệu quả, không cần phải tốn nhiều tiền".
Tuy nhiên, Đức cũng nhấn mạnh vai trò của một thầy giáo dạy luyện thi SAT mà em rất biết ơn, thầy Nguyễn Tuấn Anh. Đức học với thầy trong 3 tháng cuối, trước kỳ thi. "Thầy rất tận tâm, nhiệt huyết trong giảng dạy. Thầy có một thư viện rất phong phú về tài liệu ôn luyện SAT. Em cho rằng nhờ học với thầy mà em có được sự bứt phá để đạt 1.600 điểm SAT", Đức cho biết.
Một bí quyết khác của Đức là dậy sớm và ngủ… sớm. Hàng ngày, Đức thường dậy từ 5 giờ sáng để có khoảng 1 tiếng học bài trước khi đến trường. Muốn duy trì được lịch học đó mà vẫn đảm bảo sức khỏe tốt thì Đức phải đi ngủ từ lúc 22 giờ, buổi trưa có một giấc ngủ ngắn. "Cái này thì tùy nhịp sinh học của mỗi người. Nhiều bạn học hiệu quả hơn vào đêm khuya, với em thì thời gian phù hợp là buổi sáng sớm".
Nhưng bí quyết bất ngờ hơn cả là việc đi học bằng xe buýt, thay vì tự đi xe máy hay xe đạp điện giống phần lớn bạn bè. "Nhà em cách trường khoảng 30 phút đi xe buýt. Trưa nào em cũng về nhà ăn cơm với mẹ, ăn xong ngủ một giấc ngắn rồi dậy đi xe buýt đến trường. Thời gian đi xe buýt chính là lúc em thấy mình được nghỉ nơi, thư giãn. Đó là quãng thời gian quý giá giúp em cân bằng với những áp lực học hành trong ngày", Đức chia sẻ.
Không du học - sự lựa chọn "ngược dòng"
Đại diện cho những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội phát biểu trong sự kiện nói trên, Đức tự nhận mình là "tân sinh viên K69 ngành IT-E10 (khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo)", ĐH Bách khoa Hà Nội, dù chưa chính thức nhập học.
Sự lựa chọn này khiến nhiều người ngỡ ngàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều cách lý giải khác nhau cho lựa chọn đó. Trên diễn đàn phụ huynh một trường chuyên nổi tiếng của Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng việc Đức không chọn du học là "quá phí cho tài năng trẻ", là vì thiếu tầm nhìn, thiếu thông tin…
Chia sẻ với Báo Thanh Niên, Đức cho rằng, sự lựa chọn của mỗi người trước hết tùy thuộc vào nhu cầu nội tại mang tính cá nhân. Bản thân em chưa bao giờ mơ ước được du học tại Mỹ và các nước châu Á. Với châu Âu và Úc thì Đức hào hứng hơn, tuy nhiên ở hai khu vực này quá ít học bổng dành cho bậc đại học. Đức quyết định học đại học trong nước, vì thế chọn ĐH Bách khoa Hà Nội là hiển nhiên. "ĐH Bách khoa Hà Nội là trường duy nhất ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đây lại là trường danh tiếng bậc nhất ở Việt Nam, có truyền thống, các thầy cô tâm huyết, mà cộng đồng sinh viên lại thú vị", Đức lý giải.
PGS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin - Truyền thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, cũng nhận định, với 1.600 điểm SAT, tức là đạt điểm tuyệt đối, thì Đức đủ điều kiện điểm chuẩn ở bất kỳ đại học nào trên thế giới, kể cả MIT, Stanford hay Harvard (là những ĐH hàng đầu thế giới ở Mỹ). Tuy nhiên, Trường Công nghệ Thông tin - Truyền thông là một "bệ phóng" tốt, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp vào thẳng các chương trình tiến sĩ ở nước ngoài (có học bổng toàn phần thêm sinh hoạt phí). Việc Đức chọn đi theo lộ trình này là lựa chọn hoàn hảo.
Gieo hạt trong nước mắt, gặt trong hạnh phúc ngời ngời
Ngay trong bài phát biểu với hơn 2.000 thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng của ĐH Bách khoa Hà Nội, Đức bày tỏ sự ngưỡng mộ với các thế hệ sinh viên của ngôi trường này. Đức chia sẻ: "Em từng đọc rằng cái hồn của ĐH Bách khoa Hà Nội nằm ở cổng parabol, mà tên thật là cổng sóng soliton. Như con sóng đơn độc vượt lên tất cả, mỗi sinh viên Bách khoa đều vượt lên những tầm thường của cuộc sống, bước trên con đường chông gai mà hiến dâng chính mình vào khoa học. Khóa K69 chúng em sẽ tiếp nối tinh thần ấy".
Theo Đức, hành trình bước qua cổng parabol để tiến vào giảng đường ĐH Bách khoa Hà Nội của mình cũng như nhiều bạn cùng sở nguyện khác là con đường mà "hạt giống gieo trong nước mắt" và "gặt trong hạnh phúc ngời ngời". Cách để chinh phục con đường này của mỗi người một khác, nhưng mẫu số chung là sự chăm chỉ, kiên trì, biết tìm thấy niềm vui trong học tập.
"Em tự thấy mình thật may mắn vì sớm nhận thấy với mình tiếng Anh không phải là một môn học, mà là một ngôn ngữ. Những gì liên quan tới tiếng Anh đối với em dễ dàng hơn nhiều so với việc cạnh tranh với các bạn "siêu toán" trong các kỳ thi học sinh giỏi toán. Nên em chọn theo đuổi kỳ thi SAT, bởi đó là con đường đơn giản nhất trong việc hiện thực hóa giấc mơ ĐH Bách khoa Hà Nội", Đức tâm sự.
Khi được hỏi về thành tích cá nhân nào mà bản thân thấy tự hào ngoài 1.600 điểm SAT, Vũ Bảo Đức chia sẻ: "Đó là em đã vượt qua chuỗi 500 ngày tự học tiếng Đức trên Duolingo (một nền tảng học ngôn ngữ miễn phí nổi tiếng toàn cầu - PV). Khi thi xong SAT (tháng 5.2023) em tự thấy học tiếng Anh thế là đủ, nên chuyển sang học tiếng Đức, một ngôn ngữ mà em cũng rất thích. Giờ đây tiếng Đức của em đủ để gọi đồ ăn trong nhà hàng".