Kết quả trên dự báo nhiều thách thức trong việc thực hiện đề án phân luồng. Từ đó đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay tích cực hơn của các cơ quan, đơn vị, và chính quyền địa phương các cấp.
Tại hội nghị sơ kết, bà Trần Đức Hạnh Quỳnh, Phó phòng GD-ĐT Q.1, nhìn nhận công tác phân luồng HS rất khó khăn về tâm lý. HS THCS là lứa tuổi chưa trưởng thành nên phụ huynh chưa muốn cho con em học nghề mà mong muốn lên THPT-ĐH. Bên cạnh do ở khu vực trung tâm, có điều kiện kinh tế nên phụ huynh HS không mặn mà với các trường nghề. Từ đó, Phó phòng GD-ĐT Q.1 kiến nghị, chỉ tiêu phân luồng nên áp theo tùy vùng miền và đặc thù của địa phương. Nâng cấp, thay đổi giáo trình giảng dạy tại các trường nghề và CĐ nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp…
Là đơn vị thực hiện công tác bồi dưỡng giáo viên (GV) phụ trách tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong trường phổ thông, đại diện Khoa tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết GV từ các lĩnh vực khác ngoài tâm lý học thường gặp khó khăn trong việc tiếp thu và áp dụng các khái niệm cơ bản của tâm lý học. Bên cạnh đó, có bộ phận GV tham gia khóa đào tạo tư vấn và hướng nghiệp chỉ vì sự phân công từ đơn vị, không phải từ đam mê cá nhân. Những điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS.
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đề nghị Sở GD-ĐT và Sở LĐ-TB-XH tạo điều kiện cho các trường nghề được tiếp cận và tham gia bình đẳng trong quá trình tổ chức tư vấn hướng nghiệp. Bên cạnh đó đảm bảo chất lượng GV tư vấn, GV dạy nghề phải có phương pháp tiên tiến phù hợp với xu thế. Các trường nghề phải kết nối được với các doanh nghiệp, thị trường lao động…