Tôi xin được đưa ra một số lý do. Theo văn bản số 3089/QĐ-UBND, ban hành ngày 8.8.2024, quy định khung kế hoạch thời gian năm học 2024-2025, thì học sinh mầm non, tiểu học, THCS, THPT sẽ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ từ 25.1.2025 (tức 26 tháng chạp âm lịch) đến hết 2.2.2025 (tức mùng 5 tháng giêng âm lịch). Như vậy, tính cả các ngày nghỉ cuối tuần trước và sau thời gian quy định, học sinh TP.HCM được nghỉ tổng cộng 9 ngày, ít hơn năm trước 7 ngày. Và đây cũng là thời gian nghỉ Tết Nguyên đán ít nhất của học sinh TP.HCM những năm gần đây.
Nếu so sánh với một số địa phương khác trong nước, thì số thời gian nghỉ tết 9 ngày của học sinh TP.HCM là khá ngắn. Chẳng hạn, các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tây Ninh, Trà Vinh đều có số nghỉ là 14 ngày; tỉnh Quảng Ninh là 13 ngày, tỉnh Kon Tum là 17 ngày...
Học sinh TP.HCM chỉ được nghỉ tết 9 ngày. Với thời gian nghỉ khá ngắn như nói trên, sẽ dẫn đến nhiều bất lợi cho thầy và trò trong các hoạt động nghỉ ngơi, đón Tết Nguyên đán, vui xuân. Vì đặc trưng của địa phương TP.HCM là người dạy và người học rất đa dạng, trong đó có một bộ phận không nhỏ là thầy và trò ở các tỉnh xa, nên cần có thời gian dài ngày hơn để đi lại, thăm quê, chúc tết...
Một nữ giáo viên dạy toán tại quận Tân Phú, TP.HCM nêu băn khoăn: "Mình quê ở tận miền Trung, năm nào cũng về quê đón tết, nhưng năm nay chắc phải hoãn kế hoạch vì thời gian nghỉ không nhiều, đi lại cập rập lắm. Mình nghĩ, TP.HCM nên cho thầy và trò được nghỉ tết dài hơn, vì đặc thù riêng của địa phương...".
Mặc dù khung kế hoạch năm học đã được ban hành từ đầu năm học, song nhiều giáo viên vẫn cho rằng lãnh đạo TP.HCM có thể linh hoạt điều chỉnh, thay đổi. Vì thực tế vẫn còn thời gian dự trữ cho kế hoạch năm học, và điều này nhà trường có thể linh hoạt sử dụng để đảm bảo đầy đủ chương trình dạy học.
Một số địa phương thường hay gặp thiên tai, bão lũ vì thế trong kế hoạch của Bộ GD-ĐT đã có các tuần lễ dự phòng. Riêng TP.HCM ít ảnh hưởng từ các yếu tố này nên việc sử dụng quỹ thời gian năm học là khá thoáng hơn. Cho nên nếu TP.HCM tăng ngày nghỉ tết thì không sợ không có thời gian để bù đắp cho việc đảm bảo tiến độ chương trình.
Đồng thời, theo chủ trương của ngành giáo dục TP.HCM từ nhiều năm qua, các trường phổ thông phải luôn chủ động kết hợp trong việc dạy học trực tuyến (dạy online trên nền tảng công nghệ số) với dạy trực tiếp ở lớp. Vì vậy, nếu lãnh đạo TP.HCM tăng thêm ngày nghỉ Tết Nguyên đán cho học sinh thì các trường sẽ chủ động, linh hoạt kết hợp dạy học online mà không sợ mất bài.
Chiều 5.12, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết đã thực hiện tờ trình UBND TP.HCM xin chủ trương thay đổi thời gian nghỉ tết 2025 sao cho phù hợp và đảm bảo thực hiện kế hoạch năm học. Những ngày qua, phụ huynh, giáo viên, học sinh TP.HCM đều than thở "TP.HCM nghỉ tết 9 ngày là quá ít".
"Đứng trên nhiều phương diện: phụ huynh học sinh, nhà giáo, công dân TP.HCM, tôi đều muốn học sinh được tăng ngày nghỉ tết"
Đó là chia sẻ của một nhà giáo đang công tác tại quận Tân Phú, TP.HCM. Nhà giáo này cho hay ông cũng ủng hộ đề xuất của Báo Thanh Niên, có thể giảm bớt ngày nghỉ hè, để học sinh TP.HCM được tăng ngày nghỉ tết.
Chiều 5.12, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, thầy Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, quận 4, TP.HCM, cho biết theo quan điểm cá nhân, thầy rất mong muốn học sinh TP.HCM được tăng ngày nghỉ tết, ít nhất là học sinh có thể bắt đầu đi học vào ngày 10 tháng giêng âm lịch (thay vì ngày mùng 6 tháng giêng theo lịch nghỉ tết đã công bố). Hoặc học sinh được nghỉ tết từ ngày 24 tháng chạp, để các em có thể về quê đi tảo mộ ông bà tổ tiên, hiểu về phong tục tập quán uống nước nhớ nguồn của dân tộc mình; cùng ông bà gói bánh chưng bánh tét, mua hoa đào hoa mai, để sống trong không khí cả năm chỉ có một lần như vậy.
"Là những người làm giáo dục, chúng ta luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp nhất cho học trò, dạy các em những điều hay, nét đẹp của truyền thống, văn hóa dân tộc. Trong đó, tết cổ truyền là một dịp lý tưởng, một năm chỉ có một lần để cho các em được sống trong không khí ấy. Theo tôi, nếu có cho học sinh nghỉ tết trễ quá, hoặc đi học sớm trước một vài buổi, các em cũng không tiếp thu thêm được bao kiến thức, chưa kể đi học trong tâm trạng như vậy cũng không hiệu quả", thầy Đỗ Đình Đảo chia sẻ.
Đồng thời, theo thầy Đảo, không nhất thiết phải bắt đầu khai xuân - đi học trở lại vào thứ hai đầu tuần, chúng ta có thể linh hoạt, bắt đầu năm học vào giữa tuần, để học sinh được nghỉ thêm tết vài ngày. "Nghỉ tết cũng là khoảng thời gian ý nghĩa bên gia đình, để các em học hỏi, trải nghiệm những kiến thức văn hóa địa phương, những điều mà ngày thường trong trang sách có thể em đã được đọc nhưng chưa được tận mắt thấy, tai nghe, được trải nghiệm. Tết trong độ tuổi ấu thơ, trong độ tuổi học sinh sẽ luôn là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời mỗi người, sau này thời gian sẽ không bao giờ trở lại nữa", Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ bộc bạch.
Thúy Hằng