Tuy nhiên, GS-TS Lương Văn Hy (ĐH Toronto, Canada) cho rằng đổi tên gọi trên tinh thần đồng thuận cao là một tiến trình không đơn giản vì có những điều xem ra thì hợp lý nhưng khó thực thi trong bối cảnh ĐH của VN. "Một ví dụ là trong thập niên 1990, nhà nước đã vạch ra lộ trình để đưa hầu hết các viện chuyên môn trong Viện Hàn lâm khoa học xã hội và Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ về 2 ĐH Quốc gia Hà Nội và TP.HCM, nhưng cuối cùng không làm được. Nếu bây giờ đưa ra đề nghị đổi tên gọi trường ĐH thành viên của ĐH quốc gia hay ĐH vùng thành "trường" thì không chắc sẽ có đồng thuận cao trong các đơn vị này", ông Hy nhận định.
Theo GS Hy, đây là vấn đề đặc thù và có phần rối rắm ở VN khiến quốc tế rất khó hiểu. "Vấn đề có thể giải quyết hợp lý hơn nhưng hiện nay không giải quyết hợp lý được. Cũng như vấn đề tên gọi ĐH hay trường ĐH. Một câu chuyện rất dài", ông đánh giá.
GS Hy cũng cho rằng một số trường ĐH ở VN mở rộng đào tạo sang những lĩnh vực khá xa với lĩnh vực truyền thống khi họ thấy dễ tuyển sinh ở những lĩnh vực mới và như thế sẽ giúp tăng doanh thu của trường. "Để làm như thế trong cơ chế hiện nay thì giải pháp là lên thành ĐH với nhiều trường thành viên nhưng là mở theo chiều rộng về mặt đào tạo. Còn một giải pháp khác là trường ĐH đẩy mạnh mảng chuyên sâu của mình, và sẵn sàng kết hợp với các trường ĐH khác thành một ĐH, như ở Pháp khi họ thành lập Université Paris Sciences et Lettres và từ đó tăng vị thế và tên tuổi khá nhanh trên thế giới. Đấy là vấn đề quan trọng hơn rất nhiều so với chuyện tên gọi ĐH và trường ĐH", GS Hy nêu quan điểm.
Lãnh đạo của một ĐH cũng đồng ý mô hình ĐH quốc gia và ĐH vùng với cách gọi trường ĐH trong ĐH hiện nay của VN mang yếu tố lịch sử nên khi đổi tên gọi phải tính đến yếu tố này. Theo đó, không đơn giản khi một trường ĐH có quy mô và uy tín lâu năm, chẳng hạn Trường ĐH Bách khoa, lại bỏ đi chữ ĐH mà chỉ còn chữ "Trường Bách khoa".