Ngành giáo dục TP.HCM cùng lực lượng công an và các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông tới học sinh, phụ huynh thời gian qua. Ngày 3.4, một trường THPT tại Q.5 gửi thông báo tới toàn thể phụ huynh học sinh trong về việc yêu cầu tất cả học sinh nghiêm chỉnh chấp hành luật an toàn giao thông, không được lái xe máy trên 50 cm3 (hay 50 cc)
"Nghiêm cấm học sinh đi xe máy không đúng quy định, chỉ đi đúng phân khối được cho phép theo độ tuổi. Nhà trường tuyệt đối không giữ xe cho học sinh trong trường hợp học sinh đi xe không đúng quy định. Có hình thức xử lý nghiêm các trường hợp phát hiện học sinh đi xe không đúng quy định (bao gồm giữ xe trong khu vực dân cư lân cận trường học). Nhà trường sẽ nghiêm túc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Sở GD-ĐT và TP.HCM. Kính nhờ quý cha mẹ nghiêm khắc nhắc nhở học sinh thực hiện đúng quy định, đúng luật giao thông, tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc ảnh hưởng đến tương lai của các em", theo thông báo.
Cũng trong ngày 3.4, Phòng GD-ĐT Q.7, TP.HCM cũng có văn bản triển khai kế hoạch số 1811/KH-BATGT-CAQ ngày 1.4.2024, thực hiện Chỉ thị 31/CT-TTg ngày 21.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Phòng GD-ĐT Q.7 đề nghị các trường mầm non, tiểu học, THCS (cả công lập lẫn ngoài công lập) chủ động phối hợp Công an quận tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; cho học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; tuyên truyền phụ huynh không giao xe cho con em không đủ điều kiện tham gia giao thông...
Văn bản cũng nêu rõ, khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông báo về học sinh điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không đúng quy định hoặc vi phạm pháp luật về giao thông, nhà trường phải có trách nhiệm mời cha mẹ học sinh đến làm việc; thông báo rõ vi phạm và yêu cầu phối hợp quản lý, giáo dục học sinh cam kết không tái phạm.
Học sinh chấp hành như thế nào?
Tại cổng bãi giữ xe Trường THPT Nguyễn Khuyến (đường Thành Thái, Q.10, TP.HCM), PV Thanh Niên nhìn thấy một thông báo bằng giấy với nội dung: "Bắt đầu từ ngày 5.4.2024 bãi xe không nhận giữ xe máy của những học sinh đi xe không đúng quy định và chưa có giấy phép lái xe".
Khi chúng tôi hỏi "nếu lỡ đi xe máy của ba mẹ thì mình gửi xe ở đâu?", một học sinh chỉ sang đối diện cổng trường là Trung tâm thể dục thể thao Q.10.
11 giờ 30 phút trưa 5.4, từ cổng bãi giữ xe của Trung tâm thể dục thể thao Q.10, chúng tôi ghi nhận nhiều học sinh mặc đồng phục Trường THCS-THPT Diên Hồng (cũng nằm trên đường Thành Thái, Q.10) gửi xe máy trên 50 cm3 ở đây và lấy xe đi ra về.
Cũng trong trưa 5.4, theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại tuyến đường Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh), nhiều học sinh trường THPT Thanh Đa trong giờ tan trường đã vi phạm luật giao thông đường bộ khi điều khiển xe máy trên 50 cm3. Bên cạnh đó, nhiều học sinh ngồi trên xe điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm, kẹp ba và đi ngược chiều…
Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết, theo quy định tại điều 60 luật Giao thông đường bộ 2008, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50 cm3; người đủ 18 tuổi trở lên mới được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.
Theo điều 58, người lái xe tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển. Như vậy, học sinh dù ở cấp học nào nhưng chưa đủ 18 tuổi thì không được phép lái xe máy có dung tích xi lanh trên 50 cm3. Đáng chú ý, theo luật sư Phát, nếu cha mẹ/chủ phương tiện giao xe cho người chưa đủ điều kiện lái xe, thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Từ 1.9.2023 tới nay đã lập biên bản 652 học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông đường bộ
Đại diện Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM) cho biết, từ đầu năm học đến nay, các đội/trạm thuộc phòng đã có nhiều buổi tuyên truyền luật Giao thông đường bộ tại trường học.
Các tổ tuần tra kiểm soát của CSGT cũng chủ động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm với học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy vào trước và sau giờ tan trường. Khi kiểm tra và xử lý, CSGT ghi nhận đầy đủ những thông tin về người vi phạm như: họ tên, năm sinh, tên trường học... để phối hợp nhà trường quản lý, giáo dục học sinh.
Từ ngày 1.9.2023 đến nay, lực lượng CSGT TP.HCM đã lập biên bản 652 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm luật Giao thông đường bộ. Trong đó, lỗi vi phạm chủ yếu với học sinh là điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi.
Đồng thời, CSGT lập biên bản xử phạt phụ huynh của những học sinh này vì hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định. CSGT TP.HCM khuyến cáo phụ huynh tuyệt đối không giao xe cho học sinh không đủ tuổi, chưa đủ điều kiện lái xe máy. Học sinh cũng cần tự giác, gương mẫu chấp hành pháp luật, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Theo Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ, cá nhân - là chủ xe mô tô, xe gắn máy - sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 2.000.000 nếu giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông.