Tại hội nghị, cán bộ coi thi được hướng dẫn cách nhận diện và ngăn chặn việc thí sinh (TS) sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận; hướng dẫn phương án xử lý các tình huống bất thường trong quá trình coi thi như TS bị ốm, TS đến muộn…
Thượng tá Hà Thị Hằng, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ và ngoại tuyến (PA06), Công an TP.Hà Nội, cho rằng việc phòng ngừa các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ để gian lận thi cử không chỉ diễn ra đối với TS mà còn với cả giáo viên và phụ huynh.
Trong đó, đối với TS, các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ để gian lận trong thi cử thường được thực hiện thông qua các thiết bị điện tử tinh vi như tai nghe siêu nhỏ liên kết với một thiết bị có gắn SIM điện thoại hỗ trợ cuộc gọi, hay thiết bị được thiết kế ngụy trang dưới nhiều dạng vật dụng gồm: thẻ ATM, kính mắt, bút viết, đồng hồ thông minh, cúc áo, vòng đeo tay… TS sẽ cố ý đưa thiết bị vào phòng thi để chụp ảnh, thu âm gửi đề ra ngoài. Khi đó, các đối tượng ở bên ngoài sẽ nhận, giải đề và gửi vào phòng thi.
Đối với giáo viên và phụ huynh, các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ có thể được sử dụng ở tất cả các khâu của kỳ thi nhằm cố ý can thiệp bất hợp pháp vào hệ thống máy tính; thu thập thông tin về đề thi từ khâu làm đề thi, in sao đề thi, quá trình vận chuyển đề thi, bài thi; đánh tráo bài thi, sửa đổi thông tin, số liệu, điểm thi trong quá trình chấm thi…
Cũng theo thượng tá Hằng, đặc điểm chung của thiết bị công nghệ cao dùng để gian lận thi cử là có hình dạng bên ngoài giống đồ vật thông dụng, hoặc được thiết kế nhỏ gọn để gắn vào đồ vật thông dụng. Do đó, cán bộ coi thi phải kiểm tra, để ý dấu hiệu nhận biết thiết bị nhằm kịp thời phát hiện. Ví dụ như vật dụng giống thẻ ATM nhưng cầm lên sẽ dày hơn, có giấu thiết bị rất nhỏ ở dưới.
"Một loại vật dụng TS được phép mang vào phòng thi là máy tính cầm tay. Tuy nhiên, máy tính cầm tay bình thường, ngoài bàn phím và màn hình tinh thể trước mặt sẽ không có bất kỳ một lỗ (kể cả lỗ nhỏ như đầu tăm), khe hở nào. Riêng máy tính cầm tay có ngụy trang thì chắc chắn có lỗ mic, lỗ cắm nguồn để sạc pin", Thượng tá Hà Thị Hằng lưu ý.
TRÁNH LẶP LẠI TÌNH HUỐNG ĐỀ THI MỜ, NHÒE
Năm nay, Hà Nội có 106.000 học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký dự thi vào 127 trường công lập (gồm trường chuyên, trường công tự chủ) đáp ứng 81.000 chỗ học. Kỳ thi sẽ diễn ra ngày 8 - 9.6. Hà Nội đã thành lập 201 điểm thi với hơn 4.500 phòng thi chính thức, hơn 400 phòng thi dự phòng đặt tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Sở đã huy động gần 15.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Theo ông Cương, cán bộ coi thi cũng được tập huấn, dự báo các tình huống có thể phát sinh để chủ động phương án xử lý. Nội dung tập huấn năm nay lưu ý kỹ cán bộ coi thi cách xử lý các trường hợp bất thường như phát hiện không có đề thi, thiếu đề thi hoặc đề thi thiếu trang, đề thi bị rách, hỏng, nhòe, mờ; nhầm đề môn thi hoặc trong túi đề thi có lẫn đề của môn khác...
Sở dĩ ông Cương nhấn mạnh nội dung này là vì kỳ thi năm ngoái tại Hà Nội, sự cố in mờ, nhòe trong quá trình in sao đề thi môn toán đã khiến khoảng 40 TS nhìn nhầm dấu, dẫn đến ra kết quả sai.
Nói rõ hơn về điều này, ông Nghiêm Văn Bình, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi (Sở GD-ĐT Hà Nội), cho hay năm nay Sở GD-ĐT bổ sung quy định mới, đó là ngoài đề thi cho TS, mỗi địa điểm thi vào lớp 10 sẽ có những bì đựng "đề bản chính", dùng đối chiếu, tránh sự cố đề in mờ như năm ngoái. "Bì này dùng khi TS, giám thị phát hiện những bất thường hay phản ánh nội dung đề không rõ ràng. Khi đó, điểm trưởng mở niêm phong để đối chiếu", ông Bình nói.