Ông Trần Anh Tuấn, Chánh văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước, đã trả lời Báo Thanh Niên như sau:
"Thường trực Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận được đơn xin thôi vị trí công tác của GS Nguyễn Xuân Hùng (qua Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước). Căn cứ nội dung đơn đề nghị và tài liệu liên quan, thường trực Hội đồng Giáo sư Nà nước đồng ý để GS Nguyễn Xuân Hùng thôi tham gia Hội đồng giáo sư ngành cơ học theo nguyện vọng cá nhân".
Danh sách thành viên Hội đồng giáo sư ngành cơ học năm 2024 trên trang web của Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng đã được cập nhật mà không có tên của GS Nguyễn Xuân Hùng. Phó chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành cơ học giờ là GS Lê Văn Cảnh, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Ngày 27.8, Báo Thanh Niên đã có bài viết "Lại chuyện ghi địa chỉ 'linh hoạt' trong bài báo khoa học" phản ánh trường hợp GS Nguyễn Xuân Hùng, một nhà khoa học tên tuổi, ghi địa chỉ (affiliation) trên các bài báo quốc tế rất linh hoạt, liên quan tới những trường vốn bị nghi ngờ dùng chiêu trò để gia tăng số lượng bài báo quốc tế để chạy đua xếp hạng ĐH.
Cùng ngày, Báo Thanh Niên tiếp tục phản ánh trả lời của GS Nguyễn Xuân Hùng, về việc ông là đồng tác giả thường xuyên của GS Timon Rabczuk, một nhà khoa học bị tai tiếng dùng thủ thuật khai man nhiệm sở, tiếp tay cho các trường gian lận xếp hạng ĐH. Theo đó, khi Báo Thanh Niên đề nghị chia sẻ về mối quan hệ hợp tác với Timon Rabczuk, một người từng bị dư luận xấu về "bán bài", GS Hùng cho đó là "việc đời tư" của ông Rabczuk.
Từ nhiều năm nay, GS Hùng giữ nhiều chức danh quan trọng, có vai trò tham gia dẫn dắt nền khoa học nước nhà, như Phó chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành cơ học, ủy viên Hội đồng quản lý Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia (NAFOSTED), thành viên Hội đồng khoa học của VIASM...
GS Ngô Bảo Châu: Không vi phạm nếu cơ quan chủ quản không cấm
Sau bài báo trên, Thanh Niên đã liên hệ các cơ quan liên quan để hỏi về quan điểm đối với trường hợp GS Nguyễn Xuân Hùng. Ngày 30.8, trả lời Báo Thanh Niên, GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học VIASM, cho biết: "Những người tham gia Hội đồng khoa học của VIASM được lựa chọn trên cơ sở chất lượng công trình nghiên cứu khoa học và rộng hơn là sự cống hiến cho sự phát triển của khoa học Việt Nam thông qua việc tổ chức các nhóm nghiên cứu, đào tạo nghiên cứu sinh, công tác biên tập trong các tạp chí khoa học. Theo ý kiến chủ quan của chúng tôi, GS Nguyễn Xuân Hùng là một nhà khoa học xuất sắc nếu đánh giá theo những chỉ tiêu kể trên. Ngoài ra, VIASM có chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu toán học ứng dụng, lĩnh vực mà GS Nguyễn Xuân Hùng là một chuyên gia được cộng đồng quốc tế công nhận.
Những vấn đề Báo Thanh Niên nêu, như việc GS Nguyễn Xuân Hùng sử dụng một số địa chỉ khác nhau trong công bố khoa học của mình là vấn đề nên quan tâm, nhưng không đáng quan tâm bằng chất lượng công bố khoa học. Tôi không rõ lý do cụ thể trong trường hợp của anh Hùng, nhưng tôi được biết có một số nhà khoa học Việt Nam công bố bài dưới địa chỉ của nhiều cơ sở khoa học nơi họ không phải là cán bộ cơ hữu.
Nếu những việc này được thực hiện trong một thỏa thuận với sự đồng thuận của cơ quan chủ quản, hoặc cơ quan chủ quản không nghiêm cấm chuyện này thì tôi không thấy dấu hiệu vi phạm. Điều này trở thành vấn đề đạo đức khi mặc dù cơ quan chủ quản có quy định cấm việc các nhà khoa học cơ hữu công bố dưới những địa chỉ khác mà họ vẫn lén lút làm như thế".
GS Ngô Bảo Châu còn cho biết thêm: "Tôi xin khẳng định lại việc lựa chọn các thành viên của Hội đồng khoa học của VIASM chỉ dựa vào chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học và sự cống hiến cho sự phát triển của khoa học Việt Nam, không dựa vào số lượng và địa chỉ ghi trong các công bố khoa học của họ, hoặc của đồng tác giả".
Một đại diện lãnh đạo Quỹ NAFOSTED cho biết, quỹ đã họp với các thành viên hội đồng khoa học để xin ý kiến về trường hợp GS Nguyễn Xuân Hùng. Quỹ sẽ sớm có văn bản chính thức trả lời Báo Thanh Niên về nội dung liên quan.