Một nhạc hội tết nổi tiếng của giới học sinh TP.HCM tạm dừng tổ chức, vì sao?

11:37 - 12/12/2024

Bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), xác nhận với Thanh Niên hôm 10.12 rằng trường sẽ tạm dừng tổ chức nhạc hội Festival Lê Hồng Phong vào đầu năm 2025.

Một nhạc hội tết nổi tiếng của giới học sinh TP.HCM tạm dừng tổ chức, vì sao?

Festival Lê Hồng Phong, một sự kiện nổi bật của giới học sinh TP.HCM từng có sự tham gia của rapper đình đám Hieuthuhai, sẽ tạm dừng tổ chức vào năm 2025

ẢNH: FESTIVAL LÊ HỒNG PHONG

Nguyên nhân tạm dừng tổ chức Festival Lê Hồng Phong

Festival Lê Hồng Phong là nhạc hội mừng xuân truyền thống của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tổ chức lần đầu vào trước Tết Nguyên đán năm 2013 và do chính giáo viên, các thế hệ học sinh của trường góp sức thực hiện. Đây luôn là điểm đến quen thuộc với giới trẻ, đặc biệt là học sinh THPT TP.HCM mỗi độ xuân về, thu hút hàng nghìn người tham dự mỗi lần diễn ra và đã có nhiều khách mời "khủng" góp mặt như Thu Minh, Đen, Hà Anh Tuấn, Trúc Nhân, Hieuthuhai...

Trao đổi với Thanh Niên, bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhận định kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025 diễn ra sớm và cận với lịch thi cuối học kỳ 1 ở trường, do đó việc tổ chức một sự kiện quy mô lớn như Festival Lê Hồng Phong là chưa phù hợp ở thời điểm hiện tại. Theo khuyến nghị từ Đoàn trường, Ban giám hiệu nhà trường chọn tạm dừng tổ chức đêm nhạc này vào đầu năm tới.

Tuy nhiên, bà Hiền nhấn mạnh đơn vị vẫn sẽ tổ chức những hoạt động quy mô nhỏ hơn để tạo sân chơi cho các bạn học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vào dịp tết này, chứ không hủy hoàn toàn các hoạt động mừng xuân.

Còn những nhạc hội nào quy mô lớn của học sinh?

Trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ tiếc nuối khi biết tin Festival Lê Hồng Phong tạm dừng tổ chức vào năm 2025. Các bạn cũng thắc mắc bên cạnh chương trình nổi tiếng này, liệu có còn những sân chơi âm nhạc nào khác do chính đội ngũ giáo viên và học sinh thực hiện để các bạn đăng ký tham dự, "xả stress" cùng nhau trước khi chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Tổ chức lần đầu vào 1994, đêm nhạc truyền thống Tuổi Hồng Minh Khai của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) đến nay đã diễn ra 29 mùa, trở thành một trong những sự kiện nổi bật thu hút 4.000 khán giả mỗi năm. Để vận hành trơn tru không cần thuê ngoài, chương trình "tuyển quân" từ chính những thế hệ học sinh và chia thành viên vào các đội chuyên môn như văn nghệ, hậu cần, truyền thông, đối ngoại...

Theo thầy Nguyễn Văn Ba, Phó hiệu trưởng nhà trường, ý nghĩa hoạt động công tác xã hội và cơ hội định hướng nghề từ sớm là "chất keo" khiến các thế hệ học sinh luôn gắn bó với Tuổi Hồng Minh Khai, nhất là khi toàn bộ kinh phí từ chương trình được sử dụng cho các hoạt động giúp đỡ cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Mới đây vào tháng 11, trường đã bàn giao 1 căn nhà tình bạn được xây mới cho một em học sinh dân tộc thiểu số tại tỉnh Gia Lai, đồng thời tặng sữa và áo ấm cho các em khác trong làng.

Một nhạc hội tết nổi tiếng của giới học sinh TP.HCM tạm dừng tổ chức, vì sao?

Một tiết mục của đội văn nghệ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai tại chương trình Tuổi Hồng qua ống kính của một học sinh

ẢNH: ĐỨC THÀNH

Cũng theo thầy Ba, Tuổi Hồng Minh Khai không chỉ có mục đích giải trí mà còn khuyến khích học sinh phát huy năng lực trong các lĩnh vực như nghệ thuật, truyền thông, tổ chức sự kiện. "Nhiều em được khám phá sở thích, đam mê thông qua sự kiện, từ đó xác định rõ nguyện vọng vào trường ĐH", thầy Ba chia sẻ, cho biết thêm triết lý của trường là giáo dục toàn diện, tức không chỉ dạy kiến thức trên lớp mà còn đào tạo những kỹ năng thực tiễn.

"Các hoạt động công tác xã hội như Tuổi Hồng Minh Khai là 'lớp học' thực tế, ý nghĩa để các em học cách quan tâm, chia sẻ với xã hội và nâng cao ý thức cộng đồng", thầy Ba chia sẻ.

Ngoài Tuổi Hồng Minh Khai, khu vực nội thành tại TP.HCM cũng có nhiều đêm nhạc quy mô hàng nghìn khán giả do chính học sinh và giáo viên "cầm trịch" với ý nghĩa thiện nguyện như Spring & Share (tạm dịch: Xuân và chia sẻ) của Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10), Xuân Yêu Thương của Trường THPT Trần Hưng Đạo (Q.Gò Vấp), Xuân Ngất Ngưởng của Trường THPT Nguyễn Công Trứ (Q.Gò Vấp)...

Trong khi đó, TP.Thủ Đức (TP.HCM) cũng có nhiều chương trình hội xuân thường niên nức tiếng giới học sinh như Hội Xuân của Trường THPT Nguyễn Huệ hay Hội chợ dân gian của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân...

Đại diện ban tổ chức Hội chợ dân gian và là cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, anh Nguyễn Quốc Minh Quân, hiện làm việc ở Singapore, thông tin rằng sự kiện của trường diễn ra xuyên suốt từ 14-22 giờ, với nhiều hoạt động như vẽ henna, thắt tóc, chơi ô ăn quan, nhảy dây, trưng bày gian hàng ẩm thực của các lớp... Đến tối, hàng nghìn khán giả sẽ có cơ hội hòa giọng cùng các nghệ sĩ nổi tiếng với giới trẻ.

Một nhạc hội tết nổi tiếng của giới học sinh TP.HCM tạm dừng tổ chức, vì sao?

Hai nghệ sĩ trẻ MONO (trái) và Low G trong đêm nhạc tổ chức đầu năm 2024 của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân

ẢNH: HỘI CHỢ DÂN GIAN NGUYỄN HỮU HUÂN

"Ban đầu, Hội chợ dân gian chỉ là sự kiện nhỏ do thầy cô tổ chức. Dần dà, những bạn cựu học sinh làm trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, báo chí, truyền thông cùng về tham gia và tiếp nối 'ngọn lửa'. Đến nay, chương trình đã trải qua 25 mùa tổ chức và đội ngũ làm nên Hội chợ dân gian chủ yếu vẫn là thầy cô và các thế hệ học sinh trường", anh Quân bộc bạch.

Hội chợ dân gian chuẩn bị thường trong 5 tháng và đây là sân chơi văn nghệ cho các bạn học sinh tài năng và cũng là dịp để các câu lạc bộ, đội nhóm của trường "tỏa sáng", theo anh Quân.

"Kim chỉ nam" nghề nghiệp

Một điểm nhấn của các sự kiện đêm nhạc mừng xuân là tạo môi trường làm việc chuyên môn với sự hướng dẫn, chỉ bảo từ thầy cô và những anh chị cựu học sinh có kinh nghiệm trong nghề. "Đây không chỉ là một sự kiện tầm cỡ mà còn là nơi để mọi người thỏa sức cọ xát trong các khâu tổ chức, truyền thông sự kiện. Chúng tôi còn tìm kiếm những 'hạt mầm' tài năng từ các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố", anh Quân cho hay.

Là minh chứng cụ thể, Nguyễn Thị Kim Khánh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết những trải nghiệm làm việc tại ban đối ngoại khi tổ chức Hùng Vương Concert - hội xuân của Trường THPT chuyên Hùng Vương (Bình Dương) - giúp bạn xác định đam mê là trở thành chuyên viên quan hệ khách hàng trong lĩnh vực quan hệ công chúng.

"Đó là lý do tôi chọn ngành báo chí và truyền thông. Những kỹ năng được rèn luyện từ THPT như làm việc nhóm, lãnh đạo, tổ chức, quản lý dự án... giúp tôi nhanh chóng hòa nhập, thích ứng tốt hơn ở môi trường ĐH cũng như trong các công việc thực tế", Khánh chia sẻ.

Một nhạc hội tết nổi tiếng của giới học sinh TP.HCM tạm dừng tổ chức, vì sao?

Kim Khánh (phải) trong chuyến khảo sát tại Đắk Lắk cùng các thành viên đêm nhạc Hùng Vương Concert để chuẩn bị các hoạt động thiện nguyện vào năm 2025

ẢNH: HÙNG VƯƠNG CONCERT

Nguyễn Quỳnh Ý An, Trưởng ban tổ chức Hùng Vương Concert, đồng tình. Qua những công việc như liên hệ UBND, phối hợp cùng đơn vị thiện nguyện và tìm hiểu hoàn cảnh của học sinh nghèo, An nói đã học thêm nhiều điều về công tác xã hội. Mới đây, em đã cùng đoàn đi khảo sát ở Trường tiểu học Cư Pui 1 (Đắk Lắk) và dự kiến năm sau sẽ trở lại để trao học bổng, xây sửa trường và thực hiện các công trình thanh niên.

Kinh phí cho các hoạt động nêu trên trích từ lợi nhuận của sự kiện Hùng Vương Concert, An nhấn mạnh.

Thầy Trần Võ Nam Quốc, Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Hùng Vương (Bình Dương), khẳng định các hoạt động như đêm nhạc xuân là cách hiệu quả để học sinh phát triển kỹ năng mềm, sự tự tin và tinh thần làm việc nhóm, vốn là các yếu tố cần thiết cho công việc cũng như cuộc sống sau này. Điều này cũng giúp các bạn phát triển toàn diện và đáp ứng mục tiêu giảng dạy của trường, bên cạnh tinh thần thiện nguyện, theo nam giáo viên.

Còn Phạm Nguyễn Bảo Trinh, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), chia sẻ: "Qua vai trò quản lý nhân sự tại sự kiện Tuổi Hồng, em học được những bài học không được dạy trên lớp như quản lý, sắp xếp thời gian hoặc cách giao tiếp, thông tin hiệu quả. Đồng thời, em còn được rèn luyện thêm về kỹ năng quản lý nhân sự, ứng biến linh hoạt tùy tình huống".

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Không gian lạ - SCTV9

 

Công công xuất cung - SCTV9

Không khoan nhượng - SCTV9

 

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...