ĐIỂM TRƯỜNG TỐP ĐẦU GIẢM, TRƯỜNG TỐP 2, 3 TĂNG
Thống kê 15 trường THPT có điểm chuẩn cao nhất TP (từ mức 20,75 điểm trở lên) cho thấy tất cả những trường này đều giảm điểm xét tuyển đầu vào so với năm trước.
Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình) với 24,25 điểm, dù điểm chuẩn giảm 1,25 điểm so với năm ngoái nhưng vẫn giữ vị trí cao nhất TP như truyền thống gần 20 năm qua. Tiếp sau đó là 3 trường có cùng mức 23,25 điểm là THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3), Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), Trần Phú (Q.Tân Phú), giảm từ 0,25 đến 1 điểm.
Trong khi đó, điểm chuẩn Trường THPT Gia Định giảm mạnh nhất với 1,5 điểm và từ vị trí thứ 2 trong bảng điểm chuẩn năm 2023 xuống vị trí thứ 5 cùng với Trường trung học Thực hành ĐH Sư phạm, với mức 23 điểm vào mùa tuyển sinh năm nay. Trường trung học Thực hành ĐH Sư phạm năm nay nằm trong tốp 10 trường có điểm chuẩn cao nhất TP, vượt 7 bậc so với năm trước.
Tiếp theo, những vị trí còn lại trong số 10 trường tốp đầu là THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6), Lê Quý Đôn (Q.3), Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận), Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn) cùng lấy 22,5 điểm và THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) là 22,25 cũng giảm so với năm học 2023 - 2024.
Tương tự sau 10 trường tốp đầu thì đến những trường dẫn đầu của tốp 2 như Trưng Vương (Q.1), Trung học Thực hành Sài Gòn (Q.5), Tây Thạnh (Q.Tân Phú), Võ Trường Toản (Q.12) cũng giảm.
Đặc biệt, 30 trường tăng điểm chuẩn hầu hết nằm ở vị trí cuối tốp 2 và tốp 3. Đặc biệt trường có điểm chuẩn tăng cao nhất là THPT Phước Long (TP.Thủ Đức) tăng 2,25 điểm; Ngô Gia Tự (Q.8) tăng 2 điểm; Lê Minh Xuân (H.Bình Chánh) tăng 1,75 điểm…
XU HƯỚNG HỌC GẦN NHÀ GÓP PHẦN THAY ĐỔI CHẤT LƯỢNG giáo dục
Trong 3 trường THPT thực hiện mô hình trường tiên tiến chất lượng cao thì 2 trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), Nguyễn Du (Q.10), giảm lần lượt 0,75 điểm và 1,75 điểm. Riêng Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11) điểm chuẩn tăng 0,75 so với mùa tuyển sinh trước.
Lý giải cho việc tăng điểm chuẩn của Trường THPT Nguyễn Hiền, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên trường này, cho biết trong khoảng 2 năm học gần đây, trường mạnh dạn ứng dụng công nghệ thông tin, đưa trí tuệ nhân tạo vào hoạt động dạy và học. Các tiết dạy học khoa học bằng tiếng Anh từng bước được tổ chức và giảng dạy hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức đa dạng nhiều loại hình câu lạc bộ theo sở thích và năng lực của học sinh (HS). Những yếu tố này đã tạo sức hút HS tại Q.11 và các khu vực lân cận nhiều hơn trước.
Đánh giá bao quát về mặt bằng điểm chuẩn chung của TP, bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức (Q.1), cho rằng bên cạnh việc giảm theo tác động của yêu cầu đề thi thì điểm chuẩn năm nay thể hiện một tín hiệu tích cực về chất lượng giáo dục giữa các khu vực. Trước đây, HS giỏi từ nội thành đến ngoại thành, ngoài thi vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa thì chỉ hướng đến những trường tốp đầu như Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thị Minh Khai, Gia Định, Bùi Thị Xuân, Trần Phú… Đến nay hầu hết các khu vực, cụm trường đều có trường nằm trong tốp 15 trường có điểm chuẩn cao nhất TP.
Trước đây Q.1 có Trường THPT Bùi Thị Xuân; Q.3 có Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THPT Lê Quý Đôn; Q.Bình Thạnh có Trường THPT Gia Định; Q.Tân Bình có Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền; TP.Thủ Đức có Trường THPT Nguyễn Hữu Huân; Q.Tân Phú có Trường THPT Trần Phú… Đến nay có thêm H.Hóc Môn với Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu; Q.12 có Trường THPT Võ Trường Toản; Q.5 có Trường trung học Thực hành Sài Gòn, Trường trung học Thực hành ĐH Sư phạm; Q.Tân Phú có thêm Trường THPT Tây Thạnh…
Như vậy, phụ huynh HS đã có xu hướng chọn trường gần nhà, có chất lượng hoạt động giáo dục nổi bật và phù hợp với năng lực học tập của con em khiến các trường có điểm chuẩn cao hầu như rải đều khắp TP, theo bà Thúy An.
TUYỂN BỔ SUNG LỚP 10 NHƯ THẾ NÀO ?
Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay sau khi HS lớp 10 hoàn tất việc nộp hồ sơ nhập học (khoảng sau ngày 31.7), tùy vào thực tế, Sở GD-ĐT xây dựng phương án tuyển sinh đợt 2 cho những trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu sao cho phù hợp tình hình thực tế của từng trường THPT nhằm đảm bảo đủ chỗ học cho con em trên địa bàn.
HS muốn tham gia tuyển sinh bổ sung đợt 2, phải là những thí sinh không trúng tuyển cả 3 nguyện vọng thường vào các trường công lập. "Những HS đã trúng tuyển mà không nộp hồ sơ, đợi để xét tuyển bổ sung thì trường THPT không được phép nhận. Việc tuyển bổ sung nhằm giúp những HS đạt được điểm thi cao mà không đậu nguyện vọng nào được tiếp tục học trường công lập và giúp những trường THPT còn thiếu chỉ tiêu, nhất là những trường THPT vùng ven, đảm bảo lấy đủ chỉ tiêu", ông Nam nhấn mạnh.
Được biết, năm học 2023 - 2024, Sở GD-ĐT lần đầu tiên thực hiện tuyển bổ sung lớp 10 với chỉ tiêu khoảng 3.000 HS. Theo đó, đối tượng được tham gia tuyển sinh bổ sung vào lớp 10 công lập là thí sinh đã tham gia vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, không trúng tuyển vào lớp 10 công lập.
Mỗi HS chỉ được đăng ký tuyển sinh bổ sung vào một trường công lập mà chưa tuyển sinh đủ chỉ tiêu được giao, không được thay đổi trường khi đã nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh bổ sung.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Võ Đăng Khoa, Phó phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD, Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay ngay từ khi HS đăng ký nguyện vọng tuyển sinh lớp 10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã thực hiện khảo sát HS đăng ký các nhóm môn học lựa chọn vào trường THPT. Do vậy, khi các trường THPT nhận danh sách HS trúng tuyển thì sẽ nhận được luôn thông tin HS đăng ký các nhóm môn học tự chọn. Dựa vào đó, các trường THPT có sự sắp xếp tổ chức lớp học phù hợp theo năng lực, định hướng nghề nghiệp theo Chương trình GDPT 2018.
Đặc biệt, theo ông Khoa, sau kỳ thi tuyển sinh năm nay, dựa vào số lượng HS nộp hồ sơ của các trường, Sở GD-ĐT sẽ thống kê theo từng trường THCS về số lượng HS dự thi, số trúng tuyển và số nộp hồ sơ nhập học; số không nộp hồ sơ. Thống kê này từng bước giảm áp lực và giảm việc hướng dẫn HS đăng ký vào các trường THPT "chắc đậu" nhưng khá xa nơi cư trú, ảnh hưởng đến quá trình học tập sau THCS của HS.
Những hướng đi khác ngoài lớp 10 công lập
Chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2024 - 2025 gần 78.000 HS, trong khi đó kỳ thi lớp 10 vừa qua có khoảng 98.000 thí sinh dự thi, vì vậy sẽ có khoảng 20.000 thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng nào.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, hiện nay có nhiều con đường học tập phù hợp với HS sau khi hoàn thành bậc THCS. Ngoài tiếp tục học lớp 10 ở các trường tư thục, khá nhiều phụ huynh đã định hướng cho con học nghề tại các trường CĐ, trung cấp nghề.
Theo ông Lê Hoài Nam, hệ thống các trường nghề hiện đang phát triển khá mạnh. Hầu hết các trường đều đã tu bổ cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, cải tiến chương trình giảng dạy theo hướng tăng thời lượng thực hành, giảm lý thuyết. HS vừa tốt nghiệp THCS nếu đăng ký đi học nghề sẽ được miễn học phí 100%. Các trường còn đáp ứng nhu cầu phụ huynh bằng việc tổ chức giảng dạy chương trình THPT song song với chương trình đào tạo nghề, mở lớp bán trú, nội trú… Sau khi tốt nghiệp, HS không chỉ có bằng nghề mà còn bằng tốt nghiệp THPT, có thể đi làm ngay hoặc học liên thông lên ĐH, CĐ.
Bên cạnh đó, TP.HCM còn có hơn 30 trung tâm giáo dục thường xuyên. Đây là các cơ sở giáo dục công lập do nhà nước đầu tư, cũng là sự lựa chọn cho HS. Bằng tốt nghiệp THPT của HS hệ giáo dục thường xuyên hay THPT đều có giá trị như nhau khi tiếp tục dự thi ĐH.