Đề thi tốt nghiệp THPT 2024 tăng cường nội dung vận dụng thực tiễn

08:37 - 27/02/2024

Nhiều câu hỏi hay của học sinh TP.Đà Nẵng gửi tới các khách mời của chương trình Tư vấn mùa thi 2024 diễn ra ngày 25.2 và được đại diện Bộ GD-ĐT, các trường giải đáp nhanh chóng, cung cấp nhiều thông tin nóng hổi.

Chương trình Tư vấn mùa thi 2024 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, Trường THPT Phan Châu Trinh tổ chức, với sự đồng hành của các trường ĐH, CĐ, trường nghề… thu hút khoảng 5.000 học sinh (HS) các trường THPT tại TP.Đà Nẵng, đồng thời có lượt xem, tương tác lớn tại thanhnien.vn, fanpage Facebook, YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

HỌC CHƯƠNG TRÌNH NÀO, THI THEO CHƯƠNG TRÌNH ĐÓ

Có mặt tại chương trình, GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng được giữ ổn định như năm 2023, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 6.2024.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2024 tăng cường nội dung vận dụng thực tiễn

GS-TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, trao đổi với học sinh trong chương trình Tư vấn mùa thi tại Đà Nẵng

Ông Chương cho biết khoảng thời gian này phù hợp nhất với lịch năm học của HS khối lớp 12 năm học 2023 - 2024 và cũng đủ khoảng thời gian để các nhà trường, HS có thể ôn luyện và hệ thống hóa lại các kiến thức trước khi bước vào kỳ thi. Bên cạnh đó, thời gian này phù hợp và thuận lợi cho các địa phương trong công tác tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 cho năm học 2024 - 2025 và nghỉ hè. Đồng thời, mốc thời gian trên cũng phù hợp với kế hoạch tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp năm 2024.

Trước vấn đề quan tâm của HS "đây là năm cuối cùng thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ, đề thi có gì đặc biệt không?", GS-TS Huỳnh Văn Chương cho biết: "Về cơ bản vẫn giữ ổn định về cấu trúc định dạng đề thi như năm 2023, tuy nhiên dự kiến, có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn, để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học, và tăng dần độ phân hóa để kỳ thi đạt được các mục tiêu đề ra".

Đại diện Bộ GD-ĐT cũng khẳng định theo quy định hiện hành HS học theo chương trình GDPT nào thì sẽ được thi theo chương trình GDPT đó. Ngay khi xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD-ĐT đã xem xét đến nội dung này. Bộ đã tính đến phương án tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp riêng dành cho những thí sinh chưa đậu kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 vào thời điểm thích hợp trong năm 2025. "Vì vậy, HS yên tâm không có chuyện học chương trình GDPT 2006 mà thi theo chương trình GDPT 2018", GS-TS Huỳnh Văn Chương nói.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2024 tăng cường nội dung vận dụng thực tiễn

Rất nhiều thông tin quan trọng, hữu ích được Bộ GD-ĐT và các chuyên gia đến từ các trường cung cấp trong chương trình Tư vấn mùa thi diễn ra tại TP.Đà Nẵng

3 THÔNG TIN QUAN TRỌNG VỀ THI TỐT NGHIỆP 2024

Nhấn mạnh tại chương trình, ông Chương cho biết dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành đã được lấy ý kiến rộng rãi từ ngày 15.12.2023 - 15.2.2024, có thể thấy rõ kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023, đặc biệt là giữ nguyên như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã tổ chức thành công. Bộ chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong quy chế để các hội đồng tổ chức thi cấp Bộ và các địa phương thuận lợi hơn trong công tác tổ chức thực hiện.

Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ ban hành quy chế vào ngay đầu tháng 3.2024 cùng với hướng dẫn kỳ thi, sớm hơn các năm trước để HS nghiên cứu kỹ và chuẩn bị tốt cho kỳ thi với tâm thế sẵn sàng.

Ông Chương nêu 3 điểm quan trọng mà HS cả nước cần ghi nhớ. Thứ nhất, bên cạnh các vật dụng được mang vào để phục vụ làm bài thi, quy chế bổ sung các vật dụng cấm mang vào phòng thi để các em biết và chủ động không mang theo trong quá trình đi thi và vào khu vực dự thi.

Thứ hai, quy chế dự kiến bổ sung đầy đủ các chứng chỉ ngoại ngữ đủ tính pháp lý do Bộ GD-ĐT quy định để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp năm 2024, tạo sự công bằng chung cho các em và các chứng chỉ ngoại ngữ đã được công nhận.

"Thứ ba, theo quy định nhà nước, đề thi thuộc nhóm "tối mật" nhà nước và chỉ được giải mật khi hết thời gian làm bài đối với môn thi trắc nghiệm và 2/3 thời gian làm bài đối với môn thi tự luận, bất kể lý do gì đề thi bị phát tán ra bên ngoài trước thời gian quy định trên đều được xem là lộ bí mật nhà nước, nên các em cần rất lưu ý và thực hiện đúng quy chế và cùng tham gia bảo vệ bí mật đề thi trong quá trình thi tại phòng thi", Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, trao đổi.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2024 tăng cường nội dung vận dụng thực tiễn

Học sinh hào hứng tham gia chương trình tư vấn

NGÀNH 'NÓNG' LÀM NÓNG SÂN KHẤU

Nhiều câu hỏi hay đã được các HS TP.Đà Nẵng đặt cho chương trình. Bảo Ngọc, HS Trường THPT Phan Chu Trinh, thắc mắc: "Em nên chọn trường, hay chọn ngành trước? Có nên chọn trường danh tiếng mà có ngành không thích, hay chọn ngành mình thích ở một trường không có tiếng bằng?". Hay HS tên Uyên đặt câu hỏi "Thầy cô có thể tư vấn cho em các ngành đang "nóng" nhu cầu nhân lực hiện nay".

Cho Bảo Ngọc lời khuyên, TS Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, gửi thông điệp tới HS đó là khi đi học, các em đang học với ngành đó, nên hãy chọn ngành trước, sau đó chọn trường khi cân nhắc trên các yếu tố điều kiện kinh tế, địa lý, sự phù hợp…

Trong khi đó, PGS-TS Hoàng Bùi Bảo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược (ĐH Huế), dẫn ra 10 việc làm được coi là tốp đầu về nhu cầu việc làm lớn, sau đại dịch Covid-19 mà sinh viên nên chú ý. Danh sách gồm: giám đốc quản lý công việc từ xa; chăm sóc sức khỏe; quản trị nhà thông minh; dịch vụ vận chuyển; hậu cần; logistics; marketing; xử lý sự cố mạng; dịch vụ khách sạn; thương mại điện tử.

Cũng về câu chuyện chọn ngành, chọn trường, Cẩm Anh, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, nêu câu hỏi: "Nếu ba mẹ ép buộc mong ta vào trường mà chúng ta không thích thì giải quyết ra răng?". TS Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, khuyên hãy vẽ 3 vòng tròn để tìm ra lời giải. Vòng tròn thứ nhất là em giỏi môn nào, thế mạnh của các em; vòng thứ hai là cơ hội việc làm, ngành đó có làm ra tiền nuôi sống bản thân không; vòng thứ ba là ngành mình thích. Nếu điều mình chọn mà mình giỏi, mà có đam mê, lại có tương lai thì quá tốt, từ đó, HS có thể thuyết phục cha mẹ.

Trước băn khoăn của một HS về những ngành "nóng", nhu cầu việc làm cao trong tương lai, TS Võ Thanh Hải cho hay mỗi vùng ở VN có một định hướng ngành nghề phát triển trong tương lai, HS cần tìm hiểu kỹ. Ví dụ tại Đà Nẵng là một trong 3 trung tâm của cả nước đào tạo vi mạch bán dẫn, trong 10 năm tới chúng ta cần 50.000 kỹ sư công nghệ vi mạch bán dẫn, do đó đây là một ngành có nhu cầu rất cao.

Nói thêm về ngành liên quan vi mạch bán dẫn được nhiều HS chú ý, TS Nguyễn Đức Quận, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng, cho biết đây là ngành đang cần nhân lực làm việc cao, nên chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 của ngành đều cao. ĐH Đà Nẵng có 200 chỉ tiêu về thiết kế vi mạch bán dẫn, trong đó Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) 100 chỉ tiêu, Trường ĐH CNTT và truyền thông Việt - Hàn và Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng), mỗi trường có 50 chỉ tiêu cho ngành này.

Cũng là một ngành "hot", điểm đầu vào rất cao trong những năm gần đây, đó là khối ngành công nghệ thông tin. Thạc sĩ Hoàng Thanh Tú, Phó trưởng phòng phụ trách thông tin, truyền thông, Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết trường có môi trường học tập cạnh tranh tốt khi mà các thí sinh có điểm đầu vào rất cao.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2024 tăng cường nội dung vận dụng thực tiễn

Nhiều câu hỏi hay được học sinh đặt ra trong chương trình

ĐIỀU KIỆN ĐỂ HỌC SONG BẰNG

Nhiều HS TP.Đà Nẵng quan tâm tới việc học song bằng và cách thức của các trường. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lưu ý nếu sinh viên trúng tuyển ngành 1, thì phải học xong năm thứ nhất với điểm trung bình từ khá trở lên (2,5/4 điểm) thì năm sau, sẽ được đăng ký học ngành 2 của trường đó - nếu trường còn chỉ tiêu. Trong quá trình học ngành 2 mà ngành 1 bị điểm dưới trung bình thì sinh viên không được học ngành 2 nữa. Và khi tốt nghiệp, cũng bắt buộc phải tốt nghiệp ngành 1 rồi mới được tốt nghiệp ngành 2, do đó sinh viên hãy cân nhắc kỹ.

Đáng chú ý, nhiều HS quan tâm thu nhập sau khi ra trường. Một nữ sinh hỏi: "Học luật Kinh tế ra trường có thu nhập cao không?". TS Trần Viết Long, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Luật (ĐH Huế), cho biết học ngành này, cơ hội việc làm rất đa dạng, các em có thể làm trong cơ quan nhà nước, Viện kiểm sát, doanh nghiệp, làm luật sư, văn phòng thừa phát lại… "Chúng tôi khảo sát thì thấy trên 90% sinh viên tốt nghiệp hằng năm có việc làm, thu nhập cao, vào công ty luật đều có lợi thế ngoại ngữ, vì chúng tôi có chương trình đào tạo song ngữ", ông Long cho hay.

Ban tổ chức xin trân trọng cảm ơn Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), Trường ĐH Duy Tân, VNPT Đà Nẵng, Công an P.Hải Châu 1, Điện lực Q.Hải Châu đã hỗ trợ chương trình Tư vấn mùa thi năm 2024 tại Đà Nẵng.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

lịch phát sóng trên truyền hình

Thanh toán hóa đơn SCTV

Người hùng xí nghiệp - SCTV9 lần đầu tiên phát sóng tại Việt Nam

Tình thương của mẹ hổ: Góc nhìn mới giúp phụ huynh hiểu con hơn

 

Truy tìm bằng chứng II: Những vụ án mới gay cấn và hấp dẫn

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

Nguồn: Vietcombank

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...