Theo đơn tố cáo của ông Lại Việt Hùng, Trưởng ban liên lạc Các nhà đầu tư HUBT, đại diện cho số cổ đông có tổng số góp vốn trên 40% của trường, kể từ năm 2019 (thời điểm HUBT chuyển từ loại hình dân lập sang tư thục), đến nay đã hơn 4 năm nhưng trường vẫn hoạt động trong tình trạng không có hội đồng trường.
Việc điều hành các hoạt động hàng ngày của nhà trường được thực hiện bởi một ban giám hiệu có từ nhiệm kỳ hội đồng quản trị trước đó (khi trường còn hoạt động theo loại hình dân lập).
Lãnh đạo ban giám hiệu là GS Trần Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng HUBT, người đã gần 100 tuổi và theo xác nhận của một số nhà đầu tư, ông đã không còn đủ sức khỏe trực tiếp điều hành các hoạt động của nhà trường từ nhiều năm nay.
Nội dung tố cáo còn cho rằng, ông Nguyễn Công Nghiệp, Phó hiệu trưởng thường trực HUBT đang dùng chữ ký "khô" của GS Trần Phương để điều hành hầu hết các hoạt động của trường.
Khởi kiện ra tòa
Luật sư (LS) Phạm Hồng Sơn (Trưởng VPLS Phạm Sơn, Đoàn LS TP.Hà Nội), người bảo vệ quyền và lợi ích cho nhóm nhà đầu tư sở hữu trên 40% vốn góp tại HUBT, nhận định việc sử dụng chữ ký "khô" của GS Trần Phương là sai hoàn toàn.
Khoản 8 điều 3 Nghị định 30/2020 quy định về công tác văn thư nêu rõ: bản gốc văn bản là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản, được người có thẩm quyền trực tiếp ký trên văn bản giấy hoặc ký số trên văn bản điện tử.
Khoản 6 điều 13 nghị định này cũng quy định: đối với văn bản giấy, khi ký văn bản dùng bút có mực màu xanh, không dùng các loại mực dễ phai.
Đối chiếu với quy định trên, việc sử dụng chữ ký "khô" của GS Trần Phương (người đã gần 100 tuổi và theo xác nhận của một số nhà đầu tư, ông đã không còn đủ sức khỏe trực tiếp điều hành các hoạt động hàng ngày của nhà trường) trong nhiều năm nay là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền lợi của người học cũng như sự phát triển nhà trường.
LS Sơn khẳng định việc sử dụng chữ ký "khô" sẽ chỉ hợp pháp khi được Bộ GD-ĐT đồng ý bằng văn bản. Tuy nhiên, tới nay, theo thông tin chúng tôi có được, Bộ GD-ĐT không có văn bản nào về nội dung này, vì thế việc sử dụng chữ ký "khô" của GS Trần Phương tại HUBT là không hợp pháp, tiềm ẩn hậu quả vô cùng nguy hiểm.
Vẫn theo LS Sơn, một số cá nhân trong ban lãnh đạo HUBT vì lợi ích nhóm, không muốn từ bỏ quyền lực, nên chây ì không chịu tổ chức hội nghị các nhà đầu tư suốt nhiều năm nay.
Để đảm bảo quyền lợi, nhóm các nhà đầu tư đang chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện ban lãnh đạo HUBT ra tòa vì không thực hiện việc thành lập hội đồng trường theo quy định tại Quyết định số 671 năm 2019 của Thủ tướng về việc chuyển đổi HUBT từ loại hình dân lập sang tư thục.
"Quyết định của tòa án sẽ có hiệu lực pháp luật, buộc lãnh đạo trường phải thực hiện hội nghị nhà đầu tư, thành lập hội đồng trường. Trong đơn khởi kiện, chúng tôi cũng sẽ đề xuất trường hợp đã có phán quyết của tòa mà ban lãnh đạo nhà trường vẫn không thực hiện thì sẽ áp dụng chế tài buộc dừng tuyển sinh chẳng hạn", LS Sơn nói, và cho rằng ngoài việc khởi kiện để tòa phân xử thì can thiệp từ cơ quan quản lý, nhất là Bộ GD-ĐT, cũng rất quan trọng, để vụ việc sớm có lối thoát.
Trao đổi với chúng tôi, một số nhà đầu tư cho biết, cũng không loại trừ việc khởi kiện Bộ GD-ĐT vì đã buông lỏng quản lý, để việc vi phạm pháp luật tại trường HUBT kéo quá dài mà không có biện pháp xử lý.
"Cứu" HUBT bằng cách nào?
Theo dõi vụ việc, thạc sĩ Châu Dương Quang, giảng viên Trường đại học Giáo dục, đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định HUBT được hình thành theo mô hình đại học dân lập, nhưng có một số cải tiến trong mô hình quản trị và phương thức huy động vốn. Theo đó, gần như tất cả những người trong nhóm được xác định là "chủ sở hữu tập thể" của trường đều phải góp tiền (tối thiểu là 10 triệu và không có tối đa), và quyền quyết định của mỗi thành viên trong đó là như nhau, không phụ thuộc vào số tiền góp vào trường.
Năm 2006, các trường đại học dân lập buộc phải chuyển qua mô hình đại học tư thục. Trong mô hình đại học tư thục, một cá nhân góp tiền đồng nghĩa với việc trở thành một chủ sở hữu của trường; và ai góp nhiều tiền vào trường thì có nhiều quyền quyết định hơn.
Đây chính là mấu chốt quan trọng trong những mâu thuẫn hiện nay tại HUBT, bởi ngay từ đầu thành lập, mọi người đã đồng thuận rằng ai góp tiền vào trường, dù ít dù nhiều, thì cũng đều có 1 phiếu biểu quyết như nhau; nhưng nếu chuyển qua mô hình tư thục thì những người góp nhiều tiền lại có nhiều cơ hội làm chủ, còn những người góp ít tiền thì lại không có tiếng nói. Vì thế, những người góp ít tiền thì không đồng ý chuyển sang tư thục, còn những người góp nhiều tiền thì lại mong muốn chuyển ngay.
Mâu thuẫn tại HUBT hiện có một số phương án giải quyết như sau. Thứ nhất là vẫn chọn "án binh bất động", tiếp tục với mô hình trường đại học dân lập. Thứ hai là chọn theo mô hình trường đại học tư thục (thông thường). Thứ ba là chọn theo mô hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận.
Phương án thứ nhất không còn khả thi, vì Bộ GD-ĐT "gây sức ép ngày càng lớn" và sức khỏe của GS Trần Phương không còn cho phép ông tham gia tích cực vào các công việc điều hành trường. Vì thế, ông không thể tiếp tục sử dụng uy tín và ảnh hưởng của mình như trước.
Phương án thứ hai có vẻ sẽ được nhóm những người góp nhiều tiền ủng hộ, vì theo mô hình tư thục thì họ sẽ nắm nhiều cổ phần. Tuy nhiên, những người góp ít tiền thì sẽ phản đối.
Phương án thứ ba là chuyển sang mô hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận, nhưng chỉ có thể được tính đến nếu thỏa mãn 2 điều kiện. Thứ nhất là gần như tuyệt đại đa số cổ đông đồng thuận với phương án này. Thứ hai là mô hình quản trị tương đối minh bạch và dân chủ (để tránh trường hợp một số người nhân danh quản lý tài sản chung của tập thể nhưng lại không hướng đến lợi ích tập thể). Tiếc là hiện nay, cả 2 điều kiện này, đều không được thỏa mãn.
Vậy "cứu" HUBT bằng cách nào? Thạc sĩ Châu Dương Quang cho rằng HUBT nên hướng đến phương án sau: mọi người (nhất là những người góp nhiều tiền vào trường) cam kết sẽ đồng ý chuyển sang mô hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận.
Đồng thời, mọi người cũng sẽ đồng thuận thành lập một công ty cổ phần, với tỷ lệ cổ phần bằng nhau; sau đó chuyển sở hữu của trường sang công ty đó. Bất kỳ ai đồng ý chuyển sở hữu trường sang cho công ty đều cũng sẽ nhận được tỷ lệ cổ phần như nhau. Điều lệ của công ty sẽ quy định hạn chế bán cổ phần (ra bên ngoài). Sẽ có một số mối liên hệ giữa công ty và trường, để cổ đông vẫn sẽ nhận được cổ tức ở một mức hợp lý.