Thiên An, học lớp 12 Nga Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, hôm 28.10 nhận kết quả thi IELTS lần đầu tiên sau 2 tháng ôn luyện. Tự phát hiện vài lỗi sai, An nghĩ có thể chỉ đạt mốc 7.5, thấp hơn so với các kết quả thường ngày là khoảng 8.0. Tuy nhiên, nam sinh cuối cùng nhận điểm IELTS 8.5, trong đó 3 kỹ năng nghe, đọc, nói đều đạt mốc tuyệt đối 9.0, còn kỹ năng viết là 7.5. "Kết quả này một phần đến từ may mắn", An bộc bạch.
Nam sinh cho biết có cơ hội tiếp xúc với tiếng Anh từ hồi tiểu học, xem đây như là ngôn ngữ tự nhiên chứ không phải môn học trên lớp. Đến khoảng lớp 8, thấy mình nói tiếng Anh "siêu tệ", An bắt đầu dành thời gian ngồi một mình để tập nói, từ những câu miêu tả đồ vật như "đây là cái bàn, cái ghế" đến miêu tả việc mình làm như "tôi đang làm bài, nghỉ ngơi". "Lặp lại liên tục hoạt động này giúp em đỡ bị cứng và sượng khi nói tiếng Anh", An chia sẻ.
Còn trong phòng thi, An cho rằng không nhất thiết phải dùng những từ vựng "cao sang", mà có thể dùng văn nói, thêm các từ nối như "erm, well, like, so" (tạm dịch: ừ, thì, mà) giúp việc giao tiếp với giám khảo trở nên tự nhiên hơn. "Hãy xem bài thi nói như một cuộc trò chuyện bình thường vì các câu hỏi thiên về câu chuyện, cảm xúc và chấm điểm dựa trên cách nói chứ không phải nội dung trả lời", An cho hay.
Ngoài luyện nói, Thiên An cũng cố gắng tiếp xúc với tiếng Anh càng nhiều càng tốt qua sách báo, mạng xã hội để hình thành thói quen tư duy hoàn toàn bằng tiếng Anh, thay vì suy nghĩ tiếng Việt rồi mới dịch sang tiếng Anh "vừa tốn thời gian, vừa khiến việc giao tiếp trở nên mất tự nhiên". "Quan trọng nhất chính là bền bỉ trong rèn giũa kỹ năng và giải nhiều dạng câu hỏi trong đề thi", nam sinh đúc kết.
Ngoài IELTS, trước đó An cũng đạt mốc SAT 1.550, với điểm toán 790 và đọc - viết 760. Bí quyết cải thiện, theo An, đến từ việc trau dồi thêm vốn từ vựng và tạo áp lực phải xử lý số lượng câu hỏi dày đặc trong thời gian nhất định để tăng cường khả năng đọc hiểu, suy luận logic. "Trên mạng cũng có nhiều trang web về ngân hàng câu hỏi giúp các bạn luyện từng dạng bài cụ thể đến khi thành thạo", An nói.
Theo thống kê của các đơn vị đồng tổ chức thi IELTS, chỉ có 1% thí sinh đạt mức điểm 8.5 trên toàn cầu vào năm 2023-2024. Còn theo College Board, đơn vị quản lý thi SAT, kết quả của An cũng chỉ có 1% trong số 5,5 triệu thí sinh trên thế giới đạt được trong 3 năm gần đây. Và để chuẩn bị cho hai kỳ thi, cậu học trò đều kết hợp tự học với đăng ký thêm các khóa trực tuyến trên mạng để "không thể lười biếng bất kỳ phút giây nào".
TRƯỞNG BAN HẬU CẦN CỦA NHIỀU CLB, DỰ ÁN
Thiên An kể em chỉ tập trung cao độ cho việc ôn luyện để xét tuyển ĐH từ tháng 4, còn trước đó thì dành hầu hết thời gian tham dự hoạt động của các CLB, dự án để thỏa mãn tò mò và đam mê. Thời gian này, nam sinh từng tổ chức giải tranh biện với quy mô hơn 600 người, giữ vai trò trưởng ban hậu cần của nhiều CLB, dự án của học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.
An nói thêm những kinh nghiệm, bài học tích lũy được sau khi tham gia các hoạt động nêu trên giúp em nhiều trong các hoạt động cùng khối chuyên Nga. Nổi bật là trong "Ngày hội anh tài" 2023 - sự kiện thường niên và quy mô bậc nhất của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, em và các bạn chuyên Nga đã đoạt giải "The most wanted class" danh giá. Ngoài ra, nam sinh cũng tham gia các dự án thiện nguyện và chơi cờ vua cùng mọi người, làm phong phú thêm những kỷ niệm tuổi học trò.
Kết quả nam sinh đạt được là "rất hiếm"
Từng hỗ trợ Thiên An trên hành trình ôn luyện, thầy Luyện Quang Kiên, người Việt đầu tiên đạt điểm tuyệt đối 4 kỹ năng IELTS, nhận xét kết quả mà nam sinh đạt được là "rất hiếm", nhất là với các bạn học sinh THPT và chưa có cơ hội du học. Riêng với kỹ năng nói, thầy Kiên cho rằng nếu muốn đạt 9.0, các thí sinh cần có khả năng giao tiếp trôi chảy, tự nhiên và hầu hết các lần ngập ngừng là để nghĩ ý tưởng thay vì nghĩ từ vựng, ngữ pháp.
"Trong đó, tiêu chí khó đạt kết quả tối đa nhất cũng liên quan đến trôi chảy và mạch lạc vì đòi hỏi người dùng ngôn ngữ phải phản xạ được với tiêu chí ngữ pháp, từ vựng, phát âm. Việc phát triển đầy đủ ý cũng không dễ, nhất là với các chủ đề rộng về xã hội. Nhìn chung, các bạn đừng cố chèn từ vựng, ngữ pháp khó vào câu trả lời nếu không cần thiết, vì ý tưởng sẽ quyết định dùng từ gì là hợp lý. Ngoài ra cũng cần luyện tập kỹ năng kể chuyện và diễn giải lại (paraphrase)", thầy Kiên khuyên.