Bữa cơm gia đình, bài học ở đó, sao phải chạy đôn đáo kiếm tìm?

13:45 - 11/12/2024

Nhiều cha mẹ chạy đôn đáo cho con tới các lớp học thêm, để rồi 'quên' luôn bữa cơm gia đình. Trong khi từ bữa cơm này, học sinh học được bao bài học từ thực tiễn.

Bận rộn đến đâu vẫn giữ bữa cơm gia đình

20 năm qua, vừa lo công việc chuyên môn, vừa lo chăm sóc gia đình và con cái, chuyên gia Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo (IES) cho biết chị chưa bao giờ xem nhẹ bữa cơm gia đình của các con mình. Đang là một người mẹ đơn thân, có 4 người con từ độ tuổi mầm non tới THPT, bao năm qua, bà Quế Chi vẫn duy trì bữa cơm gia đình với các con, ít nhất là một ngày một bữa.

Bữa cơm gia đình, bài học ở đó, sao phải chạy đôn đáo kiếm tìm?

Bà Quế Chi (thứ 3 từ trái qua) luôn coi trọng bữa cơm gia đình. Gia đình bà luôn ngồi lại cùng nhau, ít nhất một bữa trong ngày

ẢNH: PHƯƠNG HÀ

"Tôi quan niệm rằng bữa cơm gia đình không chỉ nên được hiểu là tất cả mọi người trong gia đình ngồi xuống cùng nhau ăn cơm trong các bữa chính. Nó nên được hiểu nghĩa mở rộng hơn, là mọi thành viên quây quần ngồi lại cùng nhau, ăn một món ăn nhẹ, cùng uống nước. Mỗi ngày, tôi cố gắng ngồi cùng các con ăn bữa sáng hoặc bữa tối. Hoặc khi xong xuôi hết công việc vào buổi tối, cả nhà tôi ngồi quây quần thưởng thức một món đồ uống, một món trái cây, tôi có thể trò chuyện cởi mở với các con về đủ vấn đề trong cuộc sống, đó luôn là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất với tôi", bà Quế Chi bộc bạch.

Bác sĩ Huỳnh Trung Tuần, nhân viên y tế trường học, Trường tiểu học Trưng Trắc, quận 11, TP.HCM, cho biết trong mấy chục năm qua, công việc chuyên môn bận bịu đến đâu, vợ chồng ông luôn sắp xếp được thời gian để nấu cơm tối ở nhà, cả gia đình cùng tập trung ăn cơm. Trừ những khi có việc bận đột xuất, ông sẽ báo trước để vợ con biết và không đợi cơm, còn lại mọi người vẫn giữ nếp nhà, cả nhà cùng ăn cơm gia đình, cùng trò chuyện, trao đổi sau một ngày đi làm, đi học vất vả.

"Trong thế hệ hiện nay, lớp trẻ bây giờ, nhiều gia đình thiếu bữa ăn gia đình. Bữa cơm gia đình quan trọng lắm, nơi đó ông bà, cha mẹ, con cháu cùng ngồi chung với nhau, dùng bữa cơm, từ đó thêm đoàn kết, gắn bó tình gia đình", bác sĩ Huỳnh Trung Tuần nói.

Học từ bữa cơm mỗi nhà, đâu phải xa xôi nơi đâu

Bác sĩ Huỳnh Trung Tuần cho hay hiện nay nhiều gia đình cho con cái đi học thêm nhiều quá. Nhiều cha, mẹ cũng nói "tôi không có thời gian để nấu nướng cho con cái ăn được". "Cha mẹ nào cũng có thể sắp xếp thời gian cho con cái mình được hết. Nhưng nhiều cha mẹ bắt con học nhiều quá, mình cứ đưa đón con đi học suốt rồi thì còn thời gian đâu mà nấu cho con nữa. Vậy thì thay vì học 6 buổi một tuần, thì chỉ học 3 buổi thôi, còn lại 3 buổi nấu cho con, cùng dạy con học", bác sĩ Tuần chia sẻ.

Bác sĩ Tuần cũng cho hay chứng kiến cha, mẹ vất vả với công việc bên ngoài, về nhà lại lo toan trong gian bếp để nấu nướng, con cái sẽ thấu hiểu, để cùng giúp đỡ cha, mẹ dọn cơm, học hỏi cách cha, mẹ nấu nướng. Từ đó, con cái thêm nhớ, thêm yêu những bữa cơm nhà. Cội nguồn là ở đó, những bữa cơm trở thành sợi dây vô hình ràng buộc, gắn kết các thành viên lại với nhau, giáo dục trẻ em nhiều điều bổ ích.

Bữa cơm gia đình, bài học ở đó, sao phải chạy đôn đáo kiếm tìm?

Bác sĩ Huỳnh Trung Tuần khẳng định vai trò cực kỳ quan trọng của bữa cơm gia đình, đối với mọi thế hệ

ẢNH: THÚY HẰNG

"Bữa cơm gia đình rất quan trọng cho một đứa trẻ phát triển. Tôi đã nghiệm ra rằng ở gia đình nào mà cha mẹ cứ tối tối ăn cơm với con đều đặn, thì gia đình đó con cái ngoan ngoãn, thành công, học tập tốt. Bởi bữa ăn cùng với ông bà, cha mẹ không chỉ là vấn đề dinh dưỡng mà còn là câu chuyện tinh thần, bữa ăn cho thấy rằng cha mẹ luôn quan tâm tới con. Đứa trẻ ở bất cứ độ tuổi nào, mầm non, tiểu học, THCS hay THPT hay lớn khôn hơn thế thì đều cần mái ấm gia đình, truyền thống gia đình. Trong bữa cơm, ông bà, cha mẹ hỏi con một câu thôi thì còn có giá trị gấp nhiều lần những kiến thức con đọc trong trang sách. Con cái hiểu rằng phía sau lưng con là cả gia đình luôn ủng hộ con, khi có khó khăn con sẽ biết chia sẻ cùng ai", bác sĩ Tuần trao đổi.

Đồng thời, theo bác sĩ Tuần, về mặt an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, bữa ăn gia đình chắc chắn sẽ yên tâm hơn những bữa ăn con mua tạm, ăn đỡ ngoài đường. Vậy thì tại sao cơm nhà vừa ngon, vừa tốt sức khỏe, lại giàu giá trị tinh thần như vậy mà cha mẹ không cho con ăn, lại cho con ăn ở ngoài, để chạy đua với những lớp học thêm?

Các nước phát triển có coi trọng bữa cơm gia đình?

Nhiều người cho rằng ở những quốc gia phát triển, hiện đại thì bữa cơm gia đình không còn được quan tâm. Thực tế khác hoàn toàn. Chuyên gia Trần Thị Quế Chi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo (IES), cho biết từ thực tế trải nghiệm cuộc sống trong thời gian công tác tại TP.Sydney (Úc) bà nhận thấy người dân ở đây có thời gian làm việc rất rõ ràng, sau 18 giờ là hết đèn, hết giờ làm việc, trở về nhà với gia đình. Đặc biệt, họ không làm việc thứ bảy, chủ nhật mà dành thời gian này cho người thân, bạn bè, mọi người có thể gặp gỡ nhau, đi chơi, ăn uống cùng nhau. Kể cả khi làm việc với đối tác nước ngoài, người dân ở đây cũng tuân thủ nguyên tắc này và mọi người phải tôn trọng. Trừ khi có những thỏa thuận giữa hai bên về thời gian làm việc, tất cả phải rõ ràng, rành mạch từ trước đó.

Bà Chi cũng cho biết, theo tìm hiểu của bà, tại Mỹ, mọi người có thể không ăn chung hàng ngày vì cuộc sống rất hối hả nhưng vào các cuối tuần, mọi người cố gắng để có những bữa ăn chung. Tại Pháp, bữa ăn gia đình thường được kéo dài, mọi người tận hưởng thời gian ngồi bên nhau, ưu tiên khoảnh khắc dành cho người thân. Mọi người thường tập trung nấu nướng, sum họp vào bữa tối. Còn ở Thụy Điển, khoảng thời gian mọi người trong gia đình thường ngồi với nhau là khoảng thời gian uống cà phê, ăn bánh ngọt…

Khổ thân các em học sinh bây giờ quá!

Nhiều bạn đọc bình luận những góc nhìn dưới loạt bài Nhiều học sinh thèm bữa cơm gia đình của Báo Thanh Niên. Phụ huynh Tuan Nguyen chia sẻ: "Học trường không đủ nên phải học thêm, nền giáo dục hiện tại và gia đình đưa các em đến hiện trạng này".

Bạn đọc Nga Hà Thị chia sẻ: "Tôi không biết các phụ huynh kỳ vọng vào con quá nên ép con học nhiều thì lại đổ tội cho giáo viên dạy thêm. Các con thi khối nào cũng chỉ cần 3 môn là 6 buổi 1 tuần. Vậy các các em chỉ học ngoài nhà trường từ 5 giờ đến 7 giờ thế là xong".

Bạn đọc Nguyen Nhat Nam cảm thán: "Khổ thân các em học sinh bây giờ quá".

Tài khoản zumykawa1983 bày tỏ: "Chuyện học thêm là do phụ huynh thôi, mình đừng bắt các con học nhiều và gây áp lực cho con. Mình xem con mình yếu môn nào thì cho con học ,đừng cho học tràn lan các môn. Nhà mình tuy bận rộn nhưng sáng mình cũng dậy sớm nấu đồ ăn sáng cho các con, buổi chiều 2 vợ chồng mình tranh thủ về sớm nấu cơm rồi cùng các con ăn chung, mình chỉ cho con học thêm đến 7 giờ tối là ở nhà, nên nhà mình luôn luôn lúc nào cũng ăn chung".

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Thanh toán hóa đơn SCTV

lịch phát sóng trên truyền hình

Không gian lạ - SCTV9

 

Sui Gia Nan Giải - SCTV9

 

Cuộc sống hôn nhân - SCTV9

Wifi Internet SCTV: Tăng tốc gấp đôi – Giá không đổi

TRỌN GÓI INTERNET SIÊU TỐC - TRUYỀN HÌNH KỸ THUẬT SỐ ĐỈNH CAO TỪ SCTV

 

Tin tổng hợp

Liên kết trang

 

Truyen hinh cap va Mang Internet SCTV

 

sctvonline

Trang tin sống động từng giây scj-shopping
Trang tin chuyện nóng 24h

 

 

Nguồn: Minh Ngọc

Truyền hình - Điện ảnh

Scroll

Đang gửi...