Con gái học lớp 1, chị Hường đăng ký cho con đi học thêm vì lý do đơn giản - không thể tan làm từ lúc 16 giờ để đón con về nhà. "Tôi không trông mong là con sẽ được học thêm kiến thức gì mới ở lớp học thêm nhưng ít nhất bé được vẽ tranh, tô màu, viết chính tả… tôi cũng có chỗ gửi con an toàn, bổ ích trong lúc chờ mẹ tan làm. Còn hơn để bé ngồi ôm điện thoại hay xem ti vi suốt, mình thì không thể hoàn thành công việc trong ngày", phụ huynh này cho biết.
Cho con đi học thêm để có chỗ gửi con ngoài giờ là một trong những lý do phổ biến của phụ huynh hiện nay ở các đô thị lớn, đặc biệt là những gia đình không ở cùng ông bà, người thân nào khác. Một số khác, nhiều phụ huynh chọn lựa đăng ký cho con tham gia đủ lớp học thêm, từ tiếng Việt, toán, tiếng Anh…, dù con mới ở bậc tiểu học. Một phụ huynh có con học tiểu học, trú H.Nhà Bè
(TP.HCM), nói: "Con tôi chỉ học thêm 1 tuần có 3 buổi chiều, ít hơn nhiều với các gia đình. Nhiều nhà con học suốt 1 tuần 5 buổi, sáng thứ 7, chủ nhật còn đi học tiếng Anh, đàn, vẽ, bơi lội. Thấy con nhà người ta học mà con mình cứ ở nhà chơi thì không yên tâm".
Đáng chú ý, trái với suy nghĩ của mọi người về việc chỉ có học sinh (HS) trường công mới học thêm, HS trường ngoài công lập, trong đó có trường quốc tế vẫn đi học thêm. Một phụ huynh có con học trường quốc tế tại Q.7, TP.HCM cho biết mỗi tháng phải tốn mười mấy triệu đồng để con học thêm tiếng Việt để nói và viết tiếng mẹ đẻ cho lưu loát, học toán tư duy, học tiếng Nhật, tiếng Tây Ban Nha…
CHƯƠNG TRÌNH TIỂU HỌC CÓ NẶNG?
Một giáo viên (GV) đã vào ngành giáo dục hơn 10 năm nay, đang làm công tác chủ nhiệm tại một trường tiểu học tại TP.HCM và không tham gia dạy thêm, chỉ ra những lý do mà phụ huynh cho con học tiểu học "chạy sô" đi học thêm. Ngoài việc không có nơi gửi con ngoài giờ, đó còn là bệnh thành tích. Nhiều gia đình không chấp nhận con có môn này điểm 7, môn kia điểm 8, mà phải hoàn hảo, môn nào cũng phải 10 điểm. Phụ huynh tự gây áp lực khi nhìn sang nhau, thấy nhà nhà - người người đi học thêm, con mình không học lỡ bị cô giáo "để ý". Lý do khác còn đến từ bệnh thành tích từ chính GV. Cuối năm học, GV chủ nhiệm nào có HS phải kiểm tra lại thì bị giảm điểm thi đua, ảnh hưởng xếp loại, có người sẽ "sốt ruột" nên có cách để hối thúc phụ huynh cho con đi học thêm…
"Chương trình GDPT 2018 nằm trong khả năng tiếp thu của HS. Chỉ cần chăm chỉ học tập ở trên lớp, hoàn thành các nhiệm vụ học tập, ôn tập kiểm tra đánh giá của HS thì không khó để được đánh giá "đạt", GV này thẳng thắn.
Lê Hoàng, cựu HS Trường THPT Phú Nhuận, một trong 2 thủ khoa khối D01 của TP.HCM với 27,85 điểm; á khoa khối D07 của TP.HCM với 29,1 điểm; điểm toán 9,8 - điểm thi toán cao nhất trên toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, cho biết ngoài việc đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm thì đều tự học ở nhà trong suốt những năm tiểu học, THCS, đến năm lớp 10 mới học thêm tập trung ôn luyện vào ĐH. "Xung quanh em các bạn học thêm rất ghê. Nhưng theo em, các năm tiểu học, THCS, hoàn toàn có thể tự học hỏi qua sách giáo khoa, tài liệu ôn tập, hỏi thầy cô bè bạn được", thủ khoa khối D01 của TP.HCM nói.