Dự thảo Thông tư quy định dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT, thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16.5.2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm đang thu hút nhiều sự quan tâm của người dân, trong đó có phụ huynh, học sinh, giáo viên...
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng đang giới thiệu toàn văn dự thảo trong mục Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho dự thảo. Thanh Niên Online xin đăng tải đầy đủ 4 chương trong dự thảo Thông tư quy định dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT để bạn đọc tiện theo dõi và đóng góp ý kiến.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về dạy thêm, học thêm bao gồm: nguyên tắc dạy thêm, học thêm; tổ chức dạy thêm, học thêm; trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
2. Thông tư này áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm; tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học nội dung chương trình môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) trong chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành (sau đây gọi chung là chương trình) nhưng ngoài thời lượng quy định của chương trình, có thu thêm tiền ngoài học phí của học sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh).
2. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện chương trình (sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức thực hiện.
3. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường là hoạt động dạy thêm, học thêm không do nhà trường tổ chức thực hiện.
Điều 3. Nguyên tắc dạy thêm, học thêm
1. Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
2. Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam.
3. Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.
4. Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
5. Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày.
Chương II
TỔ CHỨC DẠY THÊM, HỌC THÊM
Điều 4. Dạy thêm, học thêm trong nhà trường
1. Tổ chuyên môn tổ chức họp để thống nhất đề xuất với người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là hiệu trưởng) việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận. Đối với các môn học có đề xuất việc dạy thêm, học thêm thì phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp. Việc đề xuất dạy thêm, học thêm của tổ chuyên môn được lập thành biên bản, có chữ ký của tổ trưởng và thư ký là một giáo viên được bầu trong cuộc họp.
2. Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh. Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp trung học cơ sở, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông.
3. Nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học, ở mỗi khối lớp để học sinh có nguyện vọng học thêm tự nguyện đăng ký học thêm.
4. Hiệu trưởng căn cứ nguyện vọng của học sinh xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm (xếp lớp, phân công giáo viên, xếp thời khóa biểu theo từng môn học ở mỗi khối lớp); báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp trước khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm của nhà trường được công khai trên trang thông tin điện tử của nhà trường và thông báo cho cha mẹ học sinh.
Điều 5. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
1. Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
a) Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
b) Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
2. Giáo viên (bao gồm phó hiệu trưởng hoặc cấp phó của người đứng đầu) đang làm việc và hưởng lương từ quỹ lương của cơ sở giáo dục phổ thông hoặc cơ sở giáo dục thường xuyên công lập tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải thực hiện các yêu cầu sau:
a) Báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định tại Điều 3 Thông tư này.
b) Trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.
3. Hiệu trưởng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo và được sự đồng ý của Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở), Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông).
Điều 6. Thu và quản lý tiền học thêm
1. Mức thu tiền học thêm trong nhà trường được thực hiện theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định.
2. Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
3. Việc quản lý, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Chương III
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY THÊM, HỌC THÊM
Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành nghị quyết quy định về mức thu tiền học thêm trong nhà trường.
2. Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan tổ chức, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
3. Hướng dẫn, phê duyệt theo thẩm quyền đăng ký kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường của các tổ chức hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo
1. Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quy định tại Điều 7 Thông tư này.
2. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý tổ chức và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.
3. Thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường thuộc phạm vi quản lý. Chủ trì tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra về hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Xử lý vi phạm, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định.
Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan tổ chức, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
2. Hướng dẫn, phê duyệt theo thẩm quyền đăng ký kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường của các tổ chức hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật.
3. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.
Điều 10. Trách nhiệm của phòng Giáo dục và Đào tạo
1. Chủ trì tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quy định tại Điều 9 Thông tư này.
2. Tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý tổ chức và quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.
3. Kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường thuộc phạm vi quản lý. Chủ trì tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra về hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Xử lý vi phạm, hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định.
Điều 11. Trách nhiệm của hiệu trưởng
1. Tổ chức việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
2. Quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường của giáo viên theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này; thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này (nếu có); phối hợp theo dõi, thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường.
3. Chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý về chất lượng dạy thêm, học thêm; việc quản lý, sử dụng tiền học thêm trong nhà trường theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 6 Thông tư này.
4. Kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
5. Hiệu trưởng tham gia dạy thêm (nếu có) là người được đánh giá, xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt kết quả đánh giá chuẩn hiệu trưởng ở mức tốt của năm học kề trước.
Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tổ chức kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
1. Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
2. Quản lý và bảo đảm chất lượng dạy thêm, học thêm và quyền lợi của học sinh học thêm, người dạy thêm; quản lý, sử dụng tiền học thêm theo quy định.
3. Quản lý, lưu giữ và xuất trình khi được thanh tra, kiểm tra hồ sơ dạy thêm, học thêm bao gồm: danh mục các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm; hồ sơ tài chính theo quy định.
4. Báo cáo, giải trình về việc thực hiện quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan với các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
Điều 13. Thanh tra, kiểm tra
Hoạt động dạy thêm, học thêm chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, của các cơ quan thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành có liên quan của chính quyền các cấp.
Điều 14. Xử lý vi phạm
1. Nhà trường, cơ sở dạy thêm, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.
2. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm, tùy vào tính chất, mức độ hành vi vi phạm thì bị xử lý theo quy định.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2024.
2. Thông tư này thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16.5. 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.