"Tự nguyện": Khó kiểm soát
Nguyên tắc dạy thêm, học thêm (Điều 3) dự thảo yêu cầu "chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm".
Trước đây, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT cũng đã quy định: "Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm".
Thế nhưng, tình trạng dạy thêm, học thêm những năm qua khá phức tạp. Học sinh đều đi học thêm "tự nguyện" chứ có giáo viên nào ép buộc đâu. Giáo viên không ép buộc nhưng có tình trạng nếu học sinh không đi học thêm sẽ bị thiệt thòi khi học trên lớp và khi kiểm tra. Vì thế, mới xảy ra tình trạng học thêm đại trà ở một số môn học.
"Không dạy thêm trước chương trình": Có dễ thực hiện?
Dự thảo thông tư yêu cầu: "Không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh". Nhưng ai, cơ quan nào kiểm tra việc dạy thêm ngoài nhà trường vẫn là một vấn đề đã, đang và sẽ để ngỏ.
Đa phần giáo viên dạy thêm cho học trò ngoài nhà trường hiện nay đang dạy trước chương trình. Việc hệ thống, mở rộng kiến thức rất ít chỉ dành cho học sinh cuối cấp ở giai đoạn gần thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp.
Việc quy định "không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh" lại càng khó. Vì đây mới là điều mà phụ huynh và học sinh mong chờ. Giáo viên dạy thêm có "uy tín" hay không thì mấu chốt nằm ở chỗ này. Không làm như vậy, làm sao học sinh có được điểm cao và có danh hiệu học tập.
Thừa nhận cho phép dạy thêm ngoài nhà trường?
Việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (Điều 5) hướng dẫn phải "Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật", nếu so với Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT phải xin cấp giấy phép thì nội hàm không khác nhau bao nhiêu.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT yêu cầu giáo viên không được dạy thêm cho học sinh chính khóa mà giáo viên vẫn chủ yếu dạy thêm cho học sinh chính khóa. Bây giờ, dự thảo Thông tư không còn cấm nội dung này. Với quy định này, gần như đã thừa nhận cho phép dạy thêm ngoài nhà trường. Miễn là giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường chỉ cần báo cáo địa điểm, thời gian và cam kết không vi phạm với người đứng đầu đơn vị, cơ quan quản lý là có thể mở lớp dạy thêm.
Tại khoản 2, Điều 6 của dự thảo hướng dẫn việc thu và quản lý tiền học thêm ngoài nhà trường như sau: "Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm và phải được công khai trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm".
Lâu nay, việc này cũng đang được "thỏa thuận" với phụ huynh hoặc "nói công khai trước khi tuyển sinh" nhưng giáo viên dạy thêm thu bao nhiêu thì phụ huynh và học sinh đều đóng đầy đủ bấy nhiêu. Đã có phụ huynh hay học sinh nào lại không đồng ý với mức học phí mà giáo viên yêu cầu đâu.
Thực tế cho thấy, dự thảo Thông tư mà Bộ GD-ĐT vừa công bố nếu so sánh với Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT không thay đổi bao nhiêu về nội dung, bản chất. Vì thế, tình trạng dạy thêm, học thêm tới đây có thể vẫn tiếp tục phức tạp. Đặc biệt, khi không cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa cũng đồng nghĩa đã bỏ hẳn rào cản để những giáo viên dạy thêm được thoải mái hơn, không còn lo lắng điều gì. Miễn là khi dạy thêm, họ báo cáo với hiệu trưởng và cam kết một số điều theo quy định là được.