Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), đánh giá vừa qua quá trình thực hiện khám chữa bệnh BHYT còn vướng mắc, trong đó chuyển tuyến điều trị còn tình trạng xin - cho, gây khó cho người bệnh.
Bởi vậy, để đảm bảo quyền lợi người bệnh, chuyển tuyến đúng tình trạng bệnh, từ 1.4, cơ quan BHXH và các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển tuyến điện tử, thực hiện trên hệ thống kết nối dữ liệu liên thông như đang áp dụng giám định BHYT. Từ 1.7 sẽ chính thức áp dụng giấy chuyển tuyến điện tử.
Khi các thông tin minh bạch về quá trình điều trị thể hiện trên hệ thống kết nối dữ liệu thì sẽ thể hiện rõ tình trạng bệnh, cơ quan giám định xác định được, việc chỉ định chuyển tuyến là phù hợp hay không.
Theo bà Trang, ngoài ra, để tránh tình trạng giữ người bệnh, gây phiền hà, sẽ có các quy định chặt chẽ hơn, gắn trách nhiệm của cơ sở y tế với sức khỏe người bệnh, chịu trách nhiệm chuyên môn, trong đó quy định trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh.
Nếu vì yêu cầu chuyên môn mà không chuyển bệnh nhân khi vượt quá năng lực của cơ sở, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người bệnh, thậm chí có thể gây tai biến cho người bệnh, thì cơ sở phải chịu trách nhiệm.
Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu để có thể thực hiện theo lộ trình về tiêu chí đối với một số trường hợp cụ thể, trường hợp bệnh nặng như thế nào, đến mức nào… thì phải chuyển tuyến trên, đảm bảo công khai, minh bạch trong chuyển tuyến.
"Cũng cần có quy định, với các chuyên khoa mà cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới không thực hiện, người bệnh được lên thẳng tuyến trên, thay vì phải xin có giấy chuyển tuyến, như đang áp dụng", bà Trang cho biết thêm.
Nỗi khổ bệnh nhân xin chuyển tuyến
Có là người trong cuộc mới thấu hiểu hết những nỗi khổ của bệnh nhân xin chuyển tuyến. Bạn đọc (BĐ) liujings123456 kể: "Tôi đi vô BV thành phố xin cái giấy chuyển tuyến, mà làm từ 8 giờ sáng tới 11 giờ 30 mới xong. Trong khi đó, tờ giấy của tôi đưa vô, bác sĩ ký chưa tới 5 giây. Thật kinh khủng! Quá nhiêu khê! Nộp giấy, bốc số, xếp hàng chờ 3 tiếng mới xong được cái giấy chuyển tuyến".
Trường hợp trên vẫn còn may. Có người còn gặp trường hợp đau hơn. BĐ HF Le bức xúc: "Người nhà tôi từng bị tai biến. Loay hoay làm thủ tục chuyển được thì hết thời gian vàng (từ 2 - 3 tiếng tính từ khi bị tai biến), đành ngậm ngùi chịu theo số phận".
Nhiều BĐ than phiền việc chuyển tuyến rất khó và có nhiều cái vô lý. BĐ Doi Nguyen thẳng thắn: "Người bệnh chẳng ai muốn đi xa tốn kém cả, cũng vì bảo vệ tính mạng mà thôi. Chứ tuyến dưới vượt quá khả năng, nhưng cứ muốn giữ bệnh nhân, đến khi nặng thì mới chuyển lên tuyến trên thì "ôi thôi" rồi. Hoàn toàn ủng hộ việc xóa bỏ xin - cho chuyển tuyến BHYT để người bệnh đỡ khổ".
BĐ Dũng Đỗ bức xúc: "BV tuyến dưới không chữa được mà cứ giữ người. Trong khi người bệnh đã có giấy hẹn ở BV trung ương nhưng vẫn phải xin giấy chuyển tuyến, từ huyện lên đến tỉnh".
Cần chuẩn bị chu đáo để mọi việc suôn sẻ
Rất nhiều BĐ bày tỏ hoàn toàn ủng hộ việc xóa bỏ xin - cho trong chuyển tuyến BHYT. BĐ Luong Vien chia sẻ: "Hoan hô quy định này, vừa thuận lợi cho người bệnh, vừa tránh được việc lợi dụng để giữ người bệnh nhằm trục lợi... Lẽ ra việc này phải thực hiện lâu rồi mới phải, vì đây là vấn đề thể hiện quyền chính đáng của mỗi người trong việc lựa chọn dịch vụ chữa bệnh". BĐ tung buivan cho biết: "Đọc câu "Người bệnh được lên thẳng tuyến trên, thay vì phải xin có giấy chuyển viện..." mà mừng. Như vậy sẽ giúp cho người có nhu cầu đỡ khổ".
"Từ nay đến ngày 1.4 - ngày BHXH và các BV trong cả nước thực hiện nhận và gửi dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến BHYT, đảm bảo minh bạch và xóa bỏ xin - cho khi chuyển tuyến, không còn xa. Và ngày 1.7 sẽ chính thức áp dụng giấy chuyển tuyến điện tử cũng gần rồi. Rất mong Bộ Y tế, BHXH và các BV nỗ lực hết mình, chuẩn bị thật chu đáo để đến đúng ngày thì thực hiện suôn sẻ, đâu ra đó. Nếu thực hiện sớm hơn thì càng tốt", BĐ Tinh Van góp ý.
BĐ Phuongnguyen cũng gửi gắm: "Quan trọng là chuyển tuyến BHYT phải thuận lợi cho người dân. Chứ mỗi lần tái khám là phải xin giấy chuyển tuyến mới và làm thủ tục để được chuyển thì còn nhiêu khê lắm".