Một sinh viên bị lừa hơn 100 triệu đồng vì công việc 'check mã đơn' qua mạng

10:30 - 27/12/2024

Bị mời gọi, dụ dỗ làm công việc check mã đơn hàng qua mạng, một sinh viên bị lừa hơn 100 triệu đồng, có nguy cơ phải nghỉ học để đi làm trả nợ.

Nạp tiền vào có lời ngay

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết mới đây, câu chuyện sinh viên bị lừa cả trăm triệu đồng khi làm công việc "check mã đơn" qua mạng, đã được trường xác nhận người bị lừa chính là sinh viên (SV) của trường.

Cụ thể, SV này nhận được tin nhắn Facebook của một người lạ mời gọi làm cộng tác viên check mã đơn hàng, lương cứng 250.000-300.000 đồng/ngày cộng thêm khoản hoa hồng.

Một sinh viên bị lừa hơn 100 triệu đồng vì công việc 'check mã đơn' qua mạng

Tin nhắn dụ dỗ làm việc khiến sinh viên bị lừa cả trăm triệu đồng

NVCC

Thấy trang cá nhân có ảnh đại diện đàng hoàng và việc nhẹ lương cao, SV này đồng ý và được chuyển sang cho một người khác hướng dẫn cách làm. Theo đó, SV sẽ lập một tài khoản và điền các thông tin, trong đó có số tài khoản ngân hàng.

Ban đầu, người này đưa cho SV một số đơn hàng với giá chỉ vài trăm ngàn đồng và nói SV nộp tiền vào tài khoản. Một lúc sau SV được nhận lại cả gốc lẫn lãi. Các đơn sau tiếp tục tăng dần số tiền và SV vẫn nhận đủ.

Thấy không phải làm gì cả, chỉ cần thao tác nộp tiền vào là sau đó được trả cả gốc lẫn lãi, SV hăng say "check mã đơn" mà không hề thắc mắc đó là đơn hàng gì, tại sao chỉ nạp tiền vào sau vài tiếng đã thu lại số tiền lớn hơn một cách phi lý như vậy.

"Càng về sau giá trị đơn hàng càng tăng. Có lần, người này đưa đơn hàng 9 triệu đồng nói SV nạp tiền vào, số tiền lãi sẽ rất lớn. SV nói không đủ tiền nạp, người này đã lập tức chuyển cho SV số tiền thiếu là 1,2 triệu đồng để có đủ 9 triệu. Hành động này càng khiến SV tin tưởng và lập tức chuyển tiền", thạc sĩ Tư chia sẻ.

Tuy nhiên, nạp tiền xong thì tài khoản bị "treo", không thấy tiền gốc lẫn lãi trả về. SV hỏi thì người này nói do không nạp đúng thời hạn trong vòng 30 giây nên tài khoản bị khóa. Sau đó, SV không thể liên lạc với người này được nữa.

Biết mình bị lừa, SV đã lên các trang Tik Tok để tìm sự trợ giúp lấy lại tiền, do trước đó đọc được các comment "tui cũng bị mất tiền, nhắn tìm tui chỉ lấy lại cho". SV bèn nhắn tin cho một tài khoản, thì được giới thiệu một luật sư trên Facebook.

Người tự nhận luật sư đó nói SV phải hoàn thành các khoản phí thì sẽ lấy lại được khoản tiền bị mất. Số tiền mà SV chuyển cho 'luật sư' cứ tăng dần, từ 15, 30 triệu đồng rồi 40 triệu đồng. Mỗi lần tiền tăng lên, SV đều hỏi sao các khoản tăng lên hoài vậy thì 'luật sư' trả lời là phải đóng thuế hoặc là do thanh toán trễ, vì thời gian thanh toán chỉ trong 15 phút.

"Mỗi lần vậy SV đều mượn bạn bè và để chi trả. Cuối cùng thì vị 'luật sư' kia cũng không liên lạc được. Tổng số tiền SV bị mất là hơn 100 triệu và đây cũng là số tiền mà SV đang nợ bạn bè. Biết không thể tự giải quyết, SV đành báo cho ba mẹ biết. Do số tiền quá lớn nên SV có ý định tạm nghỉ học để đi làm trả nợ", thạc sĩ Tư thông tin.

Cảnh báo từ đầu năm học

Sau vụ việc trên, Đoàn Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đã đăng bài trên các kênh thông tin để cảnh báo sinh viên.

Bài cảnh báo có nội dung như sau:

"Hiện nay, tình trạng lừa đảo nhắm vào sinh viên đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt qua các hình thức trực tuyến và trực tiếp. Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm, sự tin tưởng, hoặc nhu cầu tài chính của sinh viên để thực hiện các hành vi gian lận.

Một số hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay:

Lừa đảo tuyển dụng: Đăng tin tuyển dụng việc làm hấp dẫn nhưng yêu cầu sinh viên nộp phí đặt cọc, phí hồ sơ hoặc cung cấp thông tin cá nhân.

Bán hàng online giả mạo: Quảng cáo bán hàng với giá rẻ bất ngờ, nhưng sau khi nhận tiền thì không giao sản phẩm hoặc giao hàng kém chất lượng.

Giả danh cán bộ nhà trường hoặc cơ quan chức năng: Gọi điện yêu cầu đóng tiền học phí, tiền phạt hoặc cung cấp thông tin cá nhân quan trọng.

Đầu tư tài chính, tiền ảo: Dụ dỗ tham gia đầu tư với lời hứa lợi nhuận cao, nhưng thực chất là mô hình lừa đảo đa cấp.

Về việc làm thêm check mã đơn hàng online, lúc đầu đối tượng sẽ cho các bạn thực hiện công việc dễ dàng, thuận lợi, check các đơn hàng thành công và nhận tiền ngay. Sau đó, giá trị đơn hàng dần tăng lên hàng triệu, hàng chục triệu bắt buộc các bạn phải nạp tiền vào để thực hiện và nhận về lương + chiết khấu hấp dẫn. Tuy nhiên, sau khi giao dịch số tiền lớn các bạn sẽ bị các đối tượng chặn liên lạc và không trả tiền lại.

Lưu ý: Khi gặp những trường hợp như trên, TUYỆT ĐỐI các bạn không được làm theo, báo cơ quan chức năng để xử lý, chia sẻ thông tin về đối tượng lừa đảo để mọi người cùng cảnh giác".

Theo thạc sĩ Cao Quảng Tư, ngày nay các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và nhắm vào đối tượng sinh viên chưa có kinh nghiệm, có nhu cầu kiếm tiền và dễ dàng tin vào công việc nhẹ nhàng lương cao. "Đầu năm sinh hoạt, thầy cô luôn cảnh báo nhưng các em vẫn không cảnh giác và bị lừa", thạc sĩ Tư cho hay.

 

 

 

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha