Sau thời gian triển khai thực hiện, theo đánh giá của UBND H.Côn Đảo, về cơ bản, chủ trương "nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã" tại các di tích đã nhận được sự đồng thuận của nhân dân và du khách. Số lượng hàng mã, đồ mã dâng cúng được hạn chế, việc đốt nhang giảm dần tại các di tích, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy.
"Tuy nhiên, nhiều cơ sở kinh doanh đồ lễ còn chưa đồng thuận với chủ trương của UBND huyện. Một số chủ cơ sở kinh doanh đồ lễ đã đăng một số thông tin phản ứng với chủ trương của UBND huyện lên các trang mạng xã hội, gây ra dư luận trái chiều, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Côn Đảo", lãnh đạo UBND H.Côn Đảo cho hay.
Theo chủ trương của H.Côn Đảo, người dân và du khách hoàn toàn có thể lựa chọn các mâm lễ với hoa quả, trái cây và các vật dụng thân thiện với môi trường để dâng lễ, thắp nhang tại các điểm di tích theo đúng quy định, thể hiện lòng thành kính của mỗi người, thay vì sử dụng hàng mã, đồ mã và các vật dụng bằng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần. Việc này góp phần chung tay cùng H.Côn Đảo trong công tác bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa, giảm khói bụi ô nhiễm do hoạt động đốt hàng mã gây ra.
Thể hiện bằng những cách ý nghĩa hơn
Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng đây là một quyết định đáng hoan nghênh, thể hiện sự tiến bộ trong nhận thức về văn hóa thờ cúng và bảo vệ môi trường.
"Hoàn toàn ủng hộ UBND H.Côn Đảo. Việc đốt vàng mã không chỉ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng mà còn tạo ra một lượng lớn tro bụi, rác thải khó phân hủy. Bằng cách không đốt vàng mã, chúng ta góp phần bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cộng đồng", BĐ Phạm Thành hoan nghênh quyết định của UBND H.Côn Đảo.
Cùng quan điểm, BĐ Lưu Tuấn nêu ý kiến: "Ủng hộ không đốt giấy tiền vàng mã, không chỉ ở các di tích, mà kể cả ở các chùa, miếu cũng nên hạn chế. Đốt vàng mã là một hoạt động tốn kém, đặc biệt là trong các dịp lễ tết. Việc không đốt vàng mã giúp tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể cho các gia đình và xã hội".
BĐ Nguyễn Tùng viết: "Đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường, nhiều khi dẫn tới hỏa hoạn, chưa kể lãng phí tiền của. Thay vì đốt vàng mã, tại sao chúng ta không thay thế bằng việc cúng hoa tươi, qua đó giúp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống".
"Chúng ta có thể tưởng nhớ tổ tiên, thể hiện tấm lòng bằng những cách ý nghĩa hơn, thiết thực hơn. Thay vì đốt vàng mã gây lãng phí và ô nhiễm, tại sao chúng ta không dùng số tiền đó để ủng hộ các hoạt động từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn", BĐ Hà Thu nêu.
Cùng nói không với đốt hàng mã
Không chỉ bày tỏ sự ủng hộ quyết định của UBND H.Côn Đảo, nhiều BĐ mong việc này sẽ nhân rộng ra cả nước, ở các chùa chiền và xa hơn là các hoạt động tín ngưỡng hằng ngày của người dân.
"Việc H.Côn Đảo tiên phong trong "nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã" tại các điểm di tích lịch sử văn hóa và tâm linh là một bước đi đáng hoan nghênh và cần được nhân rộng trên phạm vi cả nước", BĐ Bảo Hiếu ý kiến.
BĐ Xuân Cảnh bình luận: "Việc nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã là một bước đi đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội hiện đại. Chúng ta cần thay đổi nhận thức về văn hóa thờ cúng, hướng tới những hoạt động ý nghĩa, thiết thực và thân thiện với môi trường. Rất mong thời gian tới, sẽ có nhiều địa phương tiếp bước H.Côn Đảo thực hiện việc nói không với hoạt động cúng đốt hàng mã".
"Việc cúng bái, tưởng nhớ tổ tiên là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người VN. Tuy nhiên, đốt hàng mã không phải là việc bắt buộc trong hoạt động này. Chúng ta hoàn toàn có thể tưởng nhớ tổ tiên bằng những cách khác ý nghĩa và thiết thực hơn, như dâng hương, cúng bái bằng hoa quả, làm việc thiện... Cần đổi mới tập tục, hãy cùng nhau nói không với đốt hàng mã", BĐ Mai Hương ý kiến.
Hoan nghênh H.Côn Đảo đã đi đầu trong việc này để chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.
Tung Pham
Tưởng nhớ tổ tiên bằng hoa tươi, trái cây thể hiện lòng thành kính, sự trang trọng và phù hợp với thuần phong mỹ tục. Tại sao chúng ta không thực hiện?
Hoàng Hà