Theo Hiệp hội điều Bình Phước, thời gian vừa qua, trên một số website và mạng xã hội (Facebook) đăng thông tin bán sản phẩm "Đặc sản Bình Phước" với giá rẻ. Cụ thể, bán 100.000 đồng/6 hộp hạt điều bể/3 kg; 100.000 đồng/3 hộp hạt điều còn vỏ lụa/1,5 kg... Các thương hiệu của một số cơ sở chưa có đăng ký; chưa đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm; chưa có chứng nhận ISO, HACCP... đã đăng bán tràn lan ra thị trường.
Sau khi xác minh thông tin, hiệp hội này cho rằng, với giá bán bán như vậy thì đây không phải là hạt điều có nguồn gốc của Bình Phước, mà là hạt điều nhập khẩu vụ cũ kém chất lượng. Hạt điều này thường có nhiều hạt sâu, mốc nhân trong, nhăn teo, không còn mùi vị đặc trưng của nhân điều, sẽ ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người tiêu dùng. Các sản phẩm này cũng không có nhãn mác, không ghi thông tin sản phẩm, không có hạn sử dụng…
Hành vi giả mạo các sản phẩm hạt điều có nguồn gốc từ Bình Phước đã xâm phạm nghiêm trọng đến chỉ dẫn địa lý "Hạt điều Bình Phước" đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ từ năm 2018; ảnh hưởng xấu đến thương hiệu "Hạt điều Bình Phước" và quyền lợi của các doanh nghiệp điều trên địa bàn tỉnh cũng như gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm hạt điều kém chất lượng.
Hiệp hội điều Bình Phước đề nghị UBND tỉnh, các cơ quan hữu quan chấn chỉnh việc buôn bán các sản phẩm hạt điều kém chất lượng nêu trên, đặc biệt là các thông tin quảng cáo giả mạo hạt điều Bình Phước.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra các website quảng cáo các sản phẩm hạt điều kém chất lượng, giả mạo nguồn gốc từ Bình Phước, sử dụng các tên miền xâm phạm đến chỉ dẫn địa lý "Hạt điều Bình Phước" để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật cũng như có khuyến cáo bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Vào năm 2020, Hiệp hội điều Bình Phước cũng đã có văn bản tương tự, khi xuất hiện tình trạng nhiều người đang rao bán các sản phẩm hạt điều gắn nhãn "Bình Phước" trên mạng xã hội với giá "siêu rẻ".
Đến tháng 12.2020, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã phát hiện, thu giữ trên 13,2 tấn sản phẩm là đồ ăn vặt các loại, trong đó nhân hạt điều đã chế biến là hơn 5,8 tấn, chất lượng thấp, không đảm bảo chất lượng dùng cho người, bị thải loại để sử dụng cho chế biến thức ăn gia súc tại 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh nhân hạt điều và các loại thực phẩm ăn sẵn tại H.Bù Đăng và TX.Phước Long. Cả 4 cơ sở này sau đó đã bị xử phạt hành chính với cùng mức phạt 17,5 triệu đồng. Đồng thời cơ quan chức năng cũng thực hiện tiêu hủy toàn bộ hơn 13,2 tấn hàng hóa thực phẩm là tang vật vi phạm.