Tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, cho biết giai đoạn 2019 - 2021, trên địa bàn tỉnh tiến hành sáp nhập 143 đơn vị hành chính cấp xã; sau sắp xếp, làm giảm 303 đơn vị sự nghiệp công lập khác.
Sau sáp nhập, sắp xếp, có 537 công sở, nhà đất công dôi dư, trong đó chủ yếu là trụ sở UBND cấp xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn… Đến nay, 455 cơ sở nhà đất đã được phê duyệt phương án xử lý; 82 cơ sở nhà đất dôi dư chưa có phương án sắp xếp. Dù đa phần công sở, nhà đất dôi dư đã có phương án sắp xếp, nhưng thực tế hầu hết các công trình hiện nay vẫn trong tình trạng bỏ không, lãng phí.
Ông Tứ thừa nhận, việc sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư triển khai chậm, gây lãng phí trong thời gian dài và đến nay vẫn chưa xử lý xong. Nguyên nhân, theo ông Tứ, do các quy định của pháp luật còn nhiều bất cập; ảnh hưởng của dịch Covid-19; số lượng công sở nhà đất dôi dư lớn, địa bàn rộng; thành viên các tổ giúp việc trong sắp xếp, xử lý tài sản dôi dư chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, thường xuyên chuyển đổi vị trí công tác...
Cũng theo ông Tứ, trách nhiệm để tài sản công dôi dư lãng phí thời gian dài có phần của Sở Tài chính (đơn vị thường trực trong tham mưu, giải quyết, xử lý tài sản công dôi dư) và Giám đốc Sở Tài chính. Đồng thời, còn có trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có tài sản dôi dư.
Khi chất vấn, nhiều đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa quan tâm đến việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để làm sao sớm xử lý, sắp xếp tài sản công dôi dư, tránh lãng phí kéo dài.
Trả lời các câu hỏi chất vấn, ông Nguyễn Văn Tứ không đưa ra được mốc thời gian đến khi nào sẽ xử lý xong tài sản công dôi dư mà chủ yếu trình bày những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
"Chúng tôi là cơ quan thường trực xuống làm việc, các địa phương phải lục tìm lại hồ sơ công trình nên rất mất thời gian. Sở Tài chính là cơ quan thường trực cũng chưa sát sao tuyệt đối trong triển khai xử lý tài sản công dôi dư và cũng chậm tham mưu.
Khi đấu giá tài sản thì quy định không được phép phá dỡ tài sản, đặc biệt các huyện miền núi, tài sản nằm ở vùng khó khăn, không có tính thương mại nên rất khó khăn để xử lý", ông Tứ cho hay.
Ông Tứ cũng cho biết, giải pháp thời gian tới để xử lý tài sản công dôi dư là kiến nghị với Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật về xử lý tài sản công dôi dư; chính quyền cấp huyện phải xem việc xử lý tài sản công dôi dư là nhiệm vụ chính trị quan trọng, để tiến hành đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi khi xây dựng phương án sử dụng tài sản...
Làm rõ thêm về vấn đề tài sản công dôi dư, ông Nguyễn Văn Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết để xử lý tài sản công dôi dư, UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo riêng, đồng thời tính đến tháng 7 đã tổ chức đến 12 cuộc họp.
Ông Thi cũng thừa nhận trong quá trình xử lý tài sản công dôi dư có tình trạng cán bộ đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm.
Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn về thực trạng tài sản công dôi dư lãng phí, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì kỳ họp, đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong xử lý, sắp xếp tài sản công dôi dư.
Ông Hưng cho biết, việc xử lý tài sản công dôi dư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến nay chưa được như kỳ vọng, nhiều đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc, quá trình lập và trình phê duyệt phương án xử lý còn chậm. Do đó, ông Hưng đề nghị các cơ quan liên quan phải có những giải pháp đột phá để giải quyết.
Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng cho việc sáp nhập đơn vị hành chính sắp tới với hơn 20 đơn vị cấp xã và sáp nhập H.Đông Sơn vào TP.Thanh Hóa, để tránh tình trạng công sở dôi dư, lãng phí như thời gian qua.