Tại hội nghị tổng kết đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết trong năm 2024 sẽ tiếp tục thí điểm và mở rộng thi tuyển lãnh đạo cấp sở, UBND cấp quận và các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tất cả đơn vị có nhu cầu kiện toàn lãnh đạo cấp phòng, cấp sở, cấp quận, đơn vị sự nghiệp công lập và DNNN trực thuộc UBND TP.HCM phải có ít nhất 1 chức danh bổ nhiệm thông qua thi tuyển.
Như vậy, so với 2 năm trước, số lượng chức danh thi tuyển và phạm vi áp dụng của năm 2024 lớn hơn rất nhiều, gồm lãnh đạo cấp sở, cấp quận, đơn vị sự nghiệp công lập và DNNN.
Từ đầu năm 2024, 4 sở (KH-ĐT, KH-CN, VH-TT và LĐ-TB-XH) đã đăng ký bổ sung phó giám đốc sở thông qua thi tuyển. Nhưng đến cuối tháng 5.2024, phó giám đốc Sở KH-ĐT được bổ nhiệm theo quy định chung nên sắp tới chỉ còn 3 sở thi tuyển phó giám đốc gồm: Sở KH-CN, Sở VH-TT và Sở LĐ-TB-XH. Ông Phan Văn Mãi gợi mở Sở Tài chính, Sở An toàn thực phẩm, UBND Q.6 nếu có nhu cầu bổ sung lãnh đạo cấp phó thì đăng ký thêm.
Việc mở rộng vị trí thi tuyển được người đứng đầu chính quyền TP.HCM đưa ra sau khi những nhân sự được bổ nhiệm thông qua thi tuyển đã chứng minh được năng lực bản thân, đóng góp xứng đáng vào kết quả của đơn vị.
Cách đây khoảng 2 năm, Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM gặp biến động lớn về nhân sự lãnh đạo, thiếu giám đốc và phó giám đốc, nhân viên lo lắng, công tác đấu thầu đình trệ, ảnh hưởng đến bệnh nhân. Khi đó, Sở Y tế TP.HCM quyết định thi tuyển giám đốc BV Mắt thay vì bổ nhiệm nhân sự tại chỗ hay điều động người từ nơi khác về nhằm tạo sự cạnh tranh, chọn đúng người có khả năng vực dậy BV.
Giữa tháng 11.2022, 25 ứng viên là các phó giám đốc BV hạng 1 và giám đốc BV hạng 2 trên địa bàn TP.HCM bước vào vòng thi đầu tiên. Sau đó, hội đồng thi tuyển chọn ra 3 ứng viên thi vào vòng 2. Kết quả, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, đạt điểm cao nhất và được bổ nhiệm làm Giám đốc BV Mắt TP.HCM.
Qua 18 tháng tiếp quản "ghế nóng", bác sĩ Lê Anh Tuấn cho biết bước đầu BV đã vượt qua khó khăn, ổn định tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ chủ chốt, việc mua sắm, đấu thầu tiếp tục duy trì. Mỗi ngày, BV tiếp nhận từ 3.500 - 4.000 người đến khám, khối lượng phẫu thuật từ 650 - 750 ca. Năm 2023, BV Mắt đăng ký 5 kỹ thuật chuyên khoa sâu lần đầu tiên ở VN, đến nay có 2 kỹ thuật được Bộ Y tế cấp phép. Trong kỳ bỏ phiếu tín nhiệm năm 2023, bác sĩ Lê Anh Tuấn nhận 100% phiếu tín nhiệm cao.
ƯU TIÊN THI TUYỂN VỊ TRÍ CẦN CHUYÊN MÔN SÂU
Các nhân sự khác được bổ nhiệm thông qua thi tuyển cũng được lãnh đạo các đơn vị đánh giá tiếp cận công việc tốt, phát huy được năng lực. Là đơn vị tuyển được 4 nhân sự lãnh đạo cấp phòng, Giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ đánh giá các ứng viên có sự chuẩn bị khá tốt, từng phần thi có sự hấp dẫn, giúp lãnh đạo thấy được tố chất, kỹ năng thường ngày chưa bộc lộ. Đến nay có 3 nhân sự phát huy rất tốt năng lực, nhân sự còn lại có triển vọng tốt.
Tương tự, bà Huỳnh Thị Xuân Mai, Phó chủ tịch UBND H.Hóc Môn, cho biết sau 2 năm công tác, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị và Phó trưởng phòng TN-MT được bổ nhiệm qua thi tuyển thể hiện tốt năng lực, cuối năm được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, được quy hoạch chức danh cao hơn. Bà Mai đánh giá việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý thông qua hình thức tổ chức thi tuyển đã tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ. Hình thức thi tuyển có nhiều đổi mới, nội dung thi tuyển tập trung vào định hướng nghề nghiệp, sát thực với định hướng công việc.
"Việc này giúp hội đồng thi tuyển gồm các ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy và cấp có thẩm quyền đánh giá, nhận xét trực tiếp, khách quan và toàn diện về năng lực, kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của các ứng viên để thảo luận, quyết định ứng viên ưu tú nhất", bà Mai nói thêm.
PV Thanh Niên thực hiện một khảo sát nhỏ sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM, nhiều quận cho biết đang giao phòng Nội vụ rà soát các vị trí còn thiếu rồi xin ý kiến ban thường vụ Quận ủy về tổ chức thi tuyển lãnh đạo quản lý. Trong đó, vị trí ưu tiên thi tuyển dự kiến ở phòng ban cần có chuyên môn sâu. Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương cũng dự liệu khó kêu gọi được nhân sự bên ngoài mà chỉ vận động những người trong khối Nhà nước tham gia, vì điều kiện và mức lương chênh lệch khá lớn so với khu vực tư nhân và nước ngoài. Chưa kể, một số quận có nhiều phường thuộc diện sáp nhập sẽ ưu tiên bố trí cán bộ dôi dư để đảm bảo ổn định bộ máy, không để ảnh hưởng đến tâm lý chung của đội ngũ. Do hiện nay đang ở giai đoạn thí điểm nên các đơn vị sẽ sử dụng hài hòa 2 phương án bổ nhiệm qua thi tuyển và thông qua quy hoạch như trước đây.
Bà Thái Thị Bích Liên, Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, cho biết thực tiễn thi tuyển của khối chính quyền giúp đơn vị có kinh nghiệm để tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý của khối Đảng, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM và các tổ chức chính trị - xã hội.
PHẢI CÔNG KHAI VÀ CÔNG BẰNG
Theo tìm hiểu, phần lớn nhân sự được bổ nhiệm qua đợt thi tuyển năm 2022 đều từ phòng ban hoặc cùng sở, cùng quận huyện chứ chưa thực sự rộng mở. Lý do một phần đến từ quy định ứng viên phải nằm trong nguồn quy hoạch chức danh thi tuyển hoặc tương đương, nếu không nằm trong quy hoạch thì phải được lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm đề cử và được cấp ủy đồng ý bằng văn bản.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết 3 ứng viên trúng tuyển phó hiệu trưởng 3 trường THPT (An Nhơn Tây, Quang Trung, An Nghĩa) đều thuộc các trường này. Thông thường, ứng viên bên ngoài đơn vị tuyển dụng có nhiều bất lợi. "Để phân tích điểm yếu, điểm mạnh của Trường THPT An Nhơn Tây thì ứng viên bên ngoài sẽ không bằng người trong đơn vị đó", ông Hiếu dẫn chứng. Do vậy, Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng đề thi cần bổ sung tình huống giả định về khó khăn chung của trường THPT, khó khăn của chính ngôi trường cần tuyển để các ứng viên phân tích khó khăn, tồn tại, tạo công bằng cho các ứng viên tham gia ứng tuyển.
"Nguồn thi tuyển rất dồi dào, vừa qua thông tin chưa thông suốt nên ít đối tượng tham gia", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận. Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải công khai, minh bạch điều kiện, tiêu chuẩn tham gia thi tuyển và công bố rộng rãi. Đơn cử như thi tuyển trưởng phòng của sở thì UBND 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức phải biết và ngược lại. Về hội đồng thi tuyển, cần đảm bảo cơ cấu từ 50 - 70% là ủy viên ban thường vụ cấp ủy nơi tuyển dụng, lãnh đạo quản lý nhân sự và chuyên gia trong ngành. Bộ đề thi phải đánh giá được kiến thức chung về quản lý cũng như khả năng giải quyết các tình huống giả định.
Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng cần phối hợp chặt chẽ và rõ ràng hơn nữa sự tham gia của tổ chức Đảng trong quá trình thi tuyển. Bởi lẽ khi thành lập hội đồng thi tuyển thì quyết định do hội đồng đánh giá, nhưng quy trình thực hiện bổ nhiệm cán bộ thì phải thực hiện theo sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của tổ chức Đảng và cấp lãnh đạo của đơn vị đó.
Đề xuất bảo lưu kết quả thi tuyển
Theo tìm hiểu, việc tổ chức một kỳ thi mất nhiều tháng, thành lập hội đồng thi và các ban giúp việc cho hội đồng như: ban đề thi, ban coi thi, ban chấm thi, ban phách, ban giám sát, tổ in sao đề thi, tổ giúp việc; nhưng kết quả chấm thi chỉ dùng được một lần.
Do vậy, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu đề xuất đối với ứng viên đạt điểm trung bình trở lên thì có thể bảo lưu kết quả trong 2 năm, các đơn vị có thể dùng kết quả đó để xem xét, bố trí ở những vị trí tương đương.
Lãnh đạo một số đơn vị khác nêu thực tế mức chi đối với công tác tổ chức thi tuyển lãnh đạo, quản lý chưa phù hợp, đồng thời kiến nghị Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn về kinh phí tổ chức thi tuyển.