Cụ thể, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi được hỗ trợ một lần 3 triệu đồng. Mức hỗ trợ này dựa trên chi phí y tế khi mang thai và sinh con, gồm: chi phí khám thai định kỳ (7 lần/thai kỳ), chi phí thực hiện tầm soát trước sinh và sơ sinh; chi phí người dân đồng chi trả (sau khi trừ chi phí do bảo hiểm xã hội thanh toán) cho 1 ca sinh.
Đối với tập thể, TP.HCM sẽ tặng giấy khen của chủ tịch UBND cấp huyện và hỗ trợ 30 triệu đồng cho xã liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con.
Riêng các xã 5 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND TP.HCM kèm hỗ trợ 60 triệu đồng.
Đối với phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng sống tại xã đảo được hỗ trợ 2 triệu đồng cho việc tầm soát trước sinh, tầm soát sơ sinh và khoản tiền hỗ trợ khác.
Ngoài ra, TP.HCM cũng tặng bằng khen, hỗ trợ tiền mặt cho các xã đạt 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ.
Tổng kinh phí mỗi năm cho các chính sách trên hơn 35 tỉ đồng, tính chung 5 năm là 198,5 tỉ đồng.
Chính sách khuyến sinh đưa ra trong bối cảnh tổng tỷ suất sinh của TP.HCM năm 2023 là 1,32 con, thấp hơn rất nhiều so với mức sinh thay thế là 2,1 con, đồng thời nằm trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước.
Trong buổi chất vấn chiều qua, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận tỷ suất sinh giảm đang là vấn đề lớn, khiến địa phương phải đối mặt với già hóa dân số, thiếu hụt nguồn lực lao động thời gian tới.
Về giải pháp lâu dài, địa phương có kế hoạch thu hút lực lượng lao động, tập trung thu hút lao động có tay nghề, đồng thời nghiên cứu triển khai chiến lược thích ứng già hóa dân số.