Giảm thủ tục hành chính cho các dự án bất động sản
Đại biểu Lê Xuân Viên đã đặt câu hỏi về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như cách cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
Trả lời, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2024, thị trường bất động sản có dấu hiệu khởi sắc hơn sau giai đoạn tăng trưởng âm vào năm 2023.
Trong 11 tháng đầu năm, thành phố đã cấp phép cho 12 dự án nhà ở thương mại, đồng thời khởi động lại một số dự án cũ. Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với nhiều vướng mắc liên quan đến quy hoạch, thủ tục đất đai, nghĩa vụ tài chính và quan hệ hợp đồng.
Sở TN-MT TP.HCM đã báo cáo các nhóm vướng mắc liên quan, trong đó bao gồm trách nhiệm của cả cơ quan nhà nước và chủ đầu tư.
Hiện nay, TP.HCM đã tập trung giải quyết 30 trong số 64 dự án bất động sản gặp vướng mắc, trong đó 8 dự án đã được tháo gỡ hoàn toàn về mặt pháp lý và 22 dự án còn lại đang tiếp tục được các sở, ngành liên quan tham mưu, xử lý theo quy định.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM đã đề xuất quy trình rút ngắn thời gian thực hiện dự án để giảm bớt các thủ tục hành chính.
Ông Phan Văn Mãi cũng yêu cầu các sở, ngành giải quyết nhanh chóng các thủ tục dự án, tổ chức họp hằng tuần để tháo gỡ khó khăn. "Tôi tin rằng thị trường bất động sản sẽ ấm hơn và tích cực hơn vào năm 2025", ông Mãi nói.
Về thu hút FDI, dù có sự giảm sút so với năm 2023, nhưng theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước.
Một trong những thách thức chính mà TP.HCM đang đối mặt là thiếu quỹ đất sạch sẵn sàng giao cho nhà đầu tư. Để khắc phục điều này, TP.HCM đang cải thiện hạ tầng khu công nghiệp, đơn giản hóa thủ tục đầu tư và giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp.
Ông Mãi cũng lưu ý hiện nay TP.HCM chủ trương tập trung thu hút các ngành công nghệ cao, có nguồn vốn lớn và hàm lượng khoa học công nghệ cao.
"Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng là ví dụ của sự lãng phí"
Đại biểu Nguyễn Minh Nhựt đặt câu hỏi: Dự án chống ngập với tổng mức đầu tư 10.000 tỉ đồng khởi công đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này là gì?
Trả lời, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng tại TP.HCM đã được lãnh đạo cấp cao nhắc đến như một ví dụ điển hình về sự kéo dài và lãng phí. Hiện nay, TP.HCM đang nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc để hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất.
TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ba nội dung chính gồm cho phép TP.HCM điều chỉnh dự án; đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tái cấp vốn, gia hạn thời gian tái cấp vốn, và cơ cấu lại kế hoạch trả nợ giữa nhà đầu tư và thành phố; thanh toán hợp đồng bằng quỹ đất và bằng tiền.
Ông Mãi cho biết thêm, vào ngày 9.12, TP.HCM đã báo cáo và đề xuất thêm với Thủ tướng để tháo gỡ vướng mắc.
Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và có hơn 3.000 tỉ đồng đã được kiểm toán.
TP.HCM đề xuất thanh toán phần khối lượng đã được kiểm toán để nhà đầu tư có nguồn tài chính tiếp tục thực hiện dự án; trong đó, 1.800 tỉ đồng sẽ được sử dụng để hoàn thành các hạng mục, còn lại phần chênh lệch sẽ dùng để trả nợ ngân hàng nhằm giảm lãi.
"Chúng tôi thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giải quyết các vướng mắc trong tháng này. Chúng tôi làm việc với nhà đầu tư, xác định các công việc cụ thể. Nếu có chủ trương tháo gỡ thì nhà đầu tư hoàn thành trong 12 tháng", ông Mãi cho biết.
Đã phân cấp rồi thì phải làm đồng bộ, triệt để
Đại biểu Châu Trương Hoàng Thảo cũng đặt câu hỏi: Hiện nay, UBND TP.HCM đã trình HĐND TP.HCM đề án phân cấp quản lý nhà nước trên địa bàn, dự kiến phân cấp 18 lĩnh vực cho các sở, ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức. Vậy, UBND TP.HCM sẽ làm gì để thực hiện phân cấp hiệu quả và đảm bảo nguồn lực cần thiết?
Trả lời câu hỏi này của đại biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay việc phân cấp sẽ được thực hiện theo đúng quy định pháp luật và thẩm quyền.
Trước khi triển khai, TP.HCM sẽ rà soát kỹ lưỡng các điều kiện về nguồn lực để đảm bảo quá trình phân cấp diễn ra thuận lợi. Đồng thời, sẽ tiến hành kiểm tra, tập huấn và đầu tư trang thiết bị để hỗ trợ các bên thực hiện nhiệm vụ.
Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh: "Việc phân cấp cần thực hiện đồng bộ, chứ đã phân cấp rồi mà còn hỏi lại ý kiến sở ngành như ở lĩnh vực quy hoạch thì mất thời gian. Việc này chúng tôi tiếp thu và rà soát điều kiện cần thiết để đảm bảo việc phân cấp được thực hiện triệt để và hiệu quả".