Hỗ trợ ít nhất 3 tháng lương
Cụ thể, những người nghỉ hưu trước tuổi, ngoài chính sách hưởng theo điều 5 Nghị định 29/2023 của Chính phủ, sẽ được trợ cấp thêm 3 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác; và từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác sẽ nhận thêm nửa tháng lương.
Cán bộ, công chức cấp xã nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính, ngoài chế độ theo khoản 1, điều 8 Nghị định 29, sẽ được trợ cấp thêm 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác; và từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm công tác sẽ được cấp thêm nửa tháng lương.
Đối với cán bộ nữ cấp xã nghỉ do sắp xếp đơn vị hành chính, ngoài chế độ theo khoản 2, điều 8 Nghị định 29, sẽ được trợ cấp thêm 5 tháng lương và 1,5 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.
Trường hợp những cán bộ thôi việc ngay sẽ được trợ cấp thêm 3 tháng lương để tìm việc làm và 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác.
Người nghỉ hưu trước tuổi do không đủ điều kiện tái cử, tái bổ nhiệm được trợ cấp thêm 3 tháng lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi, 5 tháng lương cho 20 năm đầu công tác; và từ năm thứ 21 trở đi, mỗi năm sẽ được trợ cấp thêm nửa tháng lương.
Trường hợp nghỉ việc ngay nhưng không thuộc nhóm tinh giản biên chế sẽ được trợ cấp thêm 3 tháng lương để tìm việc làm và 1,5 tháng lương cho mỗi năm công tác.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 11.12. Theo ước tính của UBND TP.HCM, cần khoảng 175 tỉ đồng mỗi năm để thực hiện chính sách này, trước mắt là hỗ trợ hơn 1.000 cán bộ, công chức dôi dư khi sáp nhập 80 phường.
Giao hơn 107.000 biên chế công chức, viên chức
HĐND TP.HCM cũng thông qua dự thảo nghị quyết về quyết định biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính; số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn TP.HCM là 107.021 biên chế.
Trong đó, có 10.073 biên chế cán bộ, công chức (không bao gồm cán bộ, công chức cấp xã) và 96.948 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Đồng thời, HĐND TP.HCM cũng quyết nghị giao số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách làm việc tại 41 phường hình thành sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết số 1278 năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm 269 biên chế cán bộ, 1.046 biên chế công chức và 982 biên chế người hoạt động không chuyên trách. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025.
TP.HCM sáp nhập Ban Tôn giáo và Ban Dân tộc
HĐND TP.HCM cũng đồng ý sáp nhập Ban Tôn giáo của Sở Nội vụ vào Ban Dân tộc thuộc UBND TP.HCM thành Ban Dân tộc - Tôn giáo TP.HCM.
Theo đó, Ban Dân tộc - Tôn giáo TP.HCM là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND TP.HCM quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân cấp, ủy quyền của UBND TP.HCM và theo phân công, ủy quyền của Chủ tịch UBND TP.HCM.
HĐND TP.HCM giao UBND TP.HCM triển khai nghị quyết, ban hành các quyết định quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Dân tộc - Tôn giáo TP.HCM.
Hai nội dung về sắp xếp bộ máy
Hiện TP.HCM triển khai hai nội dung quan trọng liên quan đến việc tinh gọn bộ máy, gồm sáp nhập 80 phường và sắp xếp lại các cơ quan theo chủ trương chung của Trung ương.
Từ ngày 1.1.2025, TP.HCM sẽ sáp nhập 80 phường để thành lập 41 phường mới, giảm 39 phường so với hiện tại. Dự kiến có hơn 1.000 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư. TP.HCM đã xây dựng lộ trình sắp xếp số lượng nhân sự dôi dư trong vòng 5 năm, đồng thời áp dụng các chính sách hỗ trợ bổ sung.
Về tổ chức bộ máy, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM định hướng sáp nhập, tổ chức lại hoặc kết thúc hoạt động một số ban của Đảng trực thuộc Thành ủy. Sau khi sắp xếp, Đảng bộ TP.HCM sẽ còn 27 đảng bộ trực thuộc, giảm 24 đảng bộ so với trước.
Ở khối chính quyền, TP.HCM nghiên cứu sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động của 2 sở, sắp xếp lại một số cơ quan hành chính; UBND TP.HCM dự kiến giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác. Đồng thời, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, các ban quản lý, cũng như các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực báo chí, giáo dục và y tế cũng đang được nghiên cứu để sắp xếp lại.
Đối với cấp huyện, TP.HCM sắp xếp, sáp nhập Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo, sáp nhập Phòng Kinh tế và Phòng Tài chính - kế hoạch; kết thúc hoạt động Phòng LĐ-TB-XH.