Xem trận bóng quá hay, mà phần hay nhất lại thuộc về U.23 Việt Nam, các cầu thủ chúng ta thắng chung cuộc với cách biệt 3 - 0. Thắng Thái Lan đâu phải chuyện dễ, nên khán giả cả sân bóng kêu bằng "mừng hết lớn" luôn.
Sau trận đấu, Báo Thanh Niên mời ban lãnh đạo thành phố dự liên hoan mừng chiến thắng. Chúng tôi cũng được mời tham dự.
Chuyện trò trong cuộc liên hoan rất vui. Nhưng ngạc nhiên nhất là có chị phó chủ tịch thành phố, khi biết tôi là nhà thơ, chị vừa cười vừa nói: "Thành phố em không cần chi, chỉ Cần Thơ". Đúng là chơi chữ, nhưng rất thông minh. Câu nói quá hay của chị phó chủ tịch Cần Thơ khiến tôi phải nghĩ nhiều hơn về thành phố này, nơi lần đầu tôi tới.
Cần Thơ, mới "chào sân" đã gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc.
Ít lâu sau, tôi lại có cơ hội từ TP.HCM xuống Cần Thơ lần nữa, vợ chồng tôi dẫn theo cháu nội đi cho cháu biết Cần Thơ. Buổi tối bác sĩ Hải ở Bệnh viện Hoàn Mỹ dẫn chúng tôi tới một nhà hàng sát bờ sông, gần bến Ninh Kiều ăn tối. Nhà hàng sạch sẽ, gió từ sông Hậu thổi lên mát rượi. Những món ăn quen thuộc của Đồng bằng sông Cửu Long khiến cháu nội chúng tôi ăn một cách mê mẩn. Nhất là món chuột đồng nướng, cháu ăn hết một dĩa to luôn. Đúng là món lạ với một đứa trẻ ở miền Trung.
Sáng hôm sau, chúng tôi lại được cháu trợ lý Bệnh viện Hoàn Mỹ dẫn đi chơi miệt vườn Cần Thơ. Nhưng trước khi tới vườn cây ăn trái, chúng tôi được đi thăm chợ nổi Cái Răng - một chợ du lịch nổi tiếng ở Cần Thơ, rồi sau đó được ngồi ca nô nhỏ chạy vun vút trên sông Hậu.
Du lịch sông Hậu bằng ca nô chạy tốc độ cao có vẻ hơi mạo hiểm, nhưng người lái ca nô nói chúng tôi cứ yên tâm, anh chạy quen đoạn sông Hậu này, thuộc lòng từng mét nước. Du lịch bằng ca nô trên sông Hậu như thế là đủ để về Quảng Ngãi khoe với bạn bè anh em rồi.
Tới đoạn thăm vườn cây ăn trái giữa sông Hậu. Cháu trợ lý dẫn chúng tôi đi xuồng qua vườn. Đây là hình thức "du lịch bao ăn trọn gói", trước hết là ăn trái cây trong khu vườn rất rộng trồng nhiều loại cây ăn trái khác nhau. Thích ăn trái gì thì cứ tự hái mà ăn. Đi loanh quanh trong vườn, cháu nội chúng tôi được ăn thỏa thuê những quả cây gì mà cháu thích, mà có trong vườn. Bao trọn gói thật thú vị.
Buổi trưa, nhà vườn đã chuẩn bị sẵn cơm trưa, cũng nằm trong thực đơn "bao trọn". Có nguyên con gà luộc xé phay, cháo gà cùng vài ba món ăn thêm, khá thịnh soạn.
Chưa hết. Lúc chúng tôi chuẩn bị về TP.HCM, bác sĩ Hải còn tặng một thùng trái cây tươi to chà bá, để về chia cho con cháu.
Một thành phố như Cần Thơ, chỉ cần đẹp, không cần to. Nói như chị cán bộ thành phố, thì Cần Thơ chỉ cần thơ. Có thể hiểu, thơ ở đây là khả năng tạo cảm xúc của thành phố và công dân thành phố với khách mới tới lần đầu hay đã tới rất nhiều lần. Cần Thơ là thành phố tạo cảm xúc sâu vì rất dịu dàng. Đêm đi dạo trên bến Ninh Kiều, ngày đi chợ nổi Cái Răng là đủ thấm vẻ dịu dàng trong tấp nập của Cần Thơ.
Chợt nhớ bài hát nổi tiếng "Chiếc áo bà ba", nhạc và lời của Trần Thiện Thanh. Bài hát đẹp như một bài thơ. Cần Thơ không chỉ cần thơ mà cần cả âm nhạc nữa:
Chiếc áo bà ba trên giòng sông thăm thẳm
Thấp thoáng con xuồng bé nhỏ lướt mong manh
Nón lá đội nghiêng tóc dài con nước đổ
Hậu Giang ơi em vẫn đẹp ngàn đời
Nhớ chiếc xuồng xưa năm nào trên bến cũ
Thương lắm câu hò kêu gọi khách sang sông
Áo trắng xuồng đưa mắt cười em khẽ gọi
Người thương ơi em vẫn đợi chờ.
Đẹp quá quê hương hôm nay đẹp vô ngần
Về Sóc Trăng một ngày ca điệu lâm thôn
Đàn én chao nghiêng xôn xao mùa lúa nhiều
Về bến Ninh Kiều thấy nàng đợi người yêu
Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba
Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm
Qua bến Bắc Cần Thơ.
Nhớ kỷ niệm xưa bơi xuồng đêm trăng tỏ
Em gái Ninh Kiều tóc dài chấm lưng thon
Đất nước mình đây dẫu xuồng ghe bé bỏng
Mà không thôi nhớ thương lên đầy vơi.
Hậu Giang ơi nước xuôi xuôi một dòng
Dẫu qua đây một lần
Nói sao cho vừa lòng
Nói sao cho vừa thương.
Hậu Giang ơi nước xuôi xuôi một dòng
Dẫu qua đây một lần
Nói sao cho vừa lòng
Nói sao cho vừa thương.
Cần Thơ là Tây Đô từ ngày xưa của miền Tây nước Việt, bây giờ danh hiệu ấy vẫn nhẹ nhàng đọng lại trên bến Ninh Kiều, trên những vòm cây sát bờ sông Hậu, trong lòng mỗi người dù ở Cần Thơ hay ở nơi đâu trên đất nước này.
"Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về".
Dù tới lúc thì cũng phải về, phải chia tay Cần Thơ, nhưng thành phố đẹp giản dị như thế này, giống hình ảnh một cô gái mặc áo bà ba, chèo xuồng trên mênh mang sông Hậu, thì làm sao quên được.
Cần Thơ là 1 trong 5 đô thị loại l trực thuộc Trung ương. Thành phố Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng hạ lưu châu thổ sông Cửu Long, trải dài trên 65 km dọc bờ tây sông Hậu với diện tích tự nhiên 1.401 km2, theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2009 có gần 1, 2 triệu người, có gần 66% là dân thành thị; mật độ dân số 848 người/km2, quận Ninh Kiều có mật độ dân cư đông nhất 8.407 người/km2 và mật độ dân cư thấp nhất là huyện Vĩnh Thạnh 274 người/km2.
Cần Thơ có 9 đơn vị hành chính bao gồm 5 quận (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt) và 4 huyện (Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền) với 85 xã, phường, thị trấn.
Về địa hình: bắc giáp tỉnh An Giang; đông giáp tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long; tây giáp tỉnh Kiên Giang; nam giáp tỉnh Hậu Giang.
Thành phố Cần Thơ là cửa ngõ giao lưu quan trọng về giao thông đường bộ, đường sông, đường biển và đường hàng không. Giao thông đường bộ theo quốc lộ 1 về hướng đông bắc, thành phố Cần Thơ cách TP.HCM 169 km, đến các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ 60 - 190 km.
Cuối năm 2008, sân bay đưa vào hoạt động tuyến Cần Thơ - Hà Nội và trong năm 2010 nhiều chuyến bay nội địa đã được mở, phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, thành phố có địa hình tương đối bằng phẳng với thời tiết 2 mùa mưa nắng, nước ngọt quanh năm, môi trường sinh thái với nhiều kênh rạch đã tạo nên một vẽ đẹp hiền hòa của con người Cần Thơ nhân ái và thanh lịch.