Khi thực hiện một khảo sát với 10 người đi làm dưới 30 tuổi ở TP.HCM, chúng tôi ghi nhận được 2 luồng ý kiến liên quan đến việc thể hiện bản thân ở nơi làm việc.
Một luồng ý kiến cho rằng, thể hiện cá tính, thế mạnh của bản thân là chuyện đương nhiên, hãy thể hiện thật nhiều khi có cơ hội. Khi sếp nhìn nhận được năng lực và sự nỗ lực đó, họ sẽ thăng tiến nhanh hơn trong sự nghiệp.
Nhóm còn lại cho rằng, biết cách thể hiện mình là tốt nhưng sẽ dễ bị ghét, bị nói là làm màu, làm lố… Thể hiện bản thân cần đúng lúc, đúng chỗ, quan trọng là vừa đủ.
Thể hiện bản thân là một kỹ năng phải học
Chị Minh Anh (23 tuổi, ở TP.HCM) là một trong những người tham gia khảo sát nói trên, chia sẻ: “Thể hiện bản thân là nhu cầu bậc cao của con người, không chỉ trong môi trường công sở mà trong đời sống thường ngày cũng thế. Thể hiện bản thân là cách mà chúng ta tự khẳng định giá trị của mình, cho mọi người biết được năng lực, thực lực của bản thân. Quan trọng nhất, đó là cách mà mỗi cá nhân thể hiện sự tôn trọng, yêu thương với chính mình. Khi mình hiểu và biết được bản thân đang ở mức nào thì có thể dễ dàng lên kế hoạch để nâng cấp, phát triển trong tương lai”.
Với chị Anh, thể hiện bản thân mình cũng giống việc nêm nếm gia vị cho món ăn. Tuy mỗi người có một khẩu vị riêng nhưng điều quan trọng là phải vừa đủ, cái gì nhiều quá cũng không tốt.
Tương tự, anh Viết Hùng (24 tuổi, ở TP.HCM) hiện đang làm việc tại một công ty tài chính cho hay, là thế hệ sinh ra và lớn lên cùng công nghệ, chúng tôi luôn mong muốn được làm những điều mới mẻ, sáng tạo, thể hiện đam mê, khát vọng thay đổi và cả những điểm mạnh của bản thân.
“Thời bây giờ, biết cách thể hiện mình cũng là một kỹ năng cần phải học tập, trau dồi. Giả sử bạn là một người giỏi rất nhiều thứ, có nhiều ý tưởng đột phá nhưng không biết cách thể hiện nó ra ngoài, có phải rất uổng phí hay không?”, anh Hùng nói.
Anh Hùng nhận định, thể hiện bản thân có thể được xem là một kỹ năng mềm khiến cho chúng ta trở nên “vượt trội” hơn các ứng viên khác ngay từ khi tham gia phỏng vấn với nhân sự công ty. Đến lúc trở thành nhân viên chính thức, sự thể hiện bản thân sẽ giống như một điểm “chấm phá”, giúp bạn dễ ghi điểm với sếp, tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Gen Z nên khẳng định bản thân như thế nào?
Giống như một đồng xu có 2 mặt, chuyện thể hiện bản thân cũng thế. Bên cạnh những tác động tích cực thì đâu đó vẫn có những trường hợp thể hiện bản thân sai cách, quá đà.
Chị Hương, quản lý nhân sự tại một công ty, chia sẻ: “Gen Z là thế hệ năng động và sáng tạo, cũng rất biết cách để thể hiện bản thân mình. Tôi cũng luôn khuyến khích nhân viên của mình thể hiện năng lực và những giá trị mà các bạn có. Nhưng lời nói luôn cần được chứng minh bằng hành động. Chủ động thể hiện bản thân là tốt nhưng nó chỉ thật sự có ý nghĩa khi bạn đã tạo ra được giá trị cho công ty, cho tập thể”.
Chị Hương nhấn mạnh, chị rất đánh giá cao các bạn Gen Z có tinh thần chủ động. Tuy nhiên, việc thể hiện bản thân khác với tự cao. Gen Z mang đến nguồn năng lượng trẻ trung, nhiệt huyết, tràn đầy sức sống nhưng họ cũng từng dính phải không ít “định kiến”. Các bạn Gen Z khi thể hiện bản thân cũng nên lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của mọi người, biết dung hòa với tập thể.
“Không chỉ các bạn Gen Z mà bất kỳ ai khi thể hiện bản thân cũng cần phải tạo cho mình một nền tảng giá trị trước. Học hỏi, rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng là những điều chúng ta phải làm mỗi ngày trong thời đại này. Một người có giá trị thể hiện mình sẽ khác biệt hoàn toàn với một người “thùng rỗng kêu to”. Và thể hiện bản thân cũng cần có chừng mực, giới hạn để cả mình và người tiếp nhận đều thấy thoải mái. Nói theo ngôn ngữ của các bạn Gen Z thì đó gọi là nghệ thuật flexing chốn công sở”, chị Hương cho hay.
Từ trải nghiệm cá nhân, anh Tuấn Tú (23 tuổi, ở TP.HCM) cho hay, Gen Z mang đến nhiều năng lượng mới nhưng cũng cần phải học hỏi cách làm việc từ những thế hệ trước. Việc thể hiện bản thân là cần thiết, nhưng điều quan trọng là phải biết cách dung hòa và không gây mâu thuẫn trong môi trường làm việc. Bản thân anh luôn cân nhắc, thận trọng từng chi tiết nhỏ, kể cả khi đưa ra ý kiến hay phát biểu trong các cuộc họp.
“Bản thân người trẻ như tôi cũng rất mong muốn được công ty tạo điều kiện, môi trường cho chúng tôi được thể hiện bản thân, phát triển về lâu về dài. Bên cạnh đó, sự công nhận những nỗ lực, đóng góp của tôi đối với công ty cũng là động lực để tôi cố gắng hơn nữa”, anh Tú nói.