Ông Minh cho biết Bộ Chính trị đặt mục tiêu tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 11 - 16% vào năm 2025, 16 - 26% vào năm 2030. Diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đạt khoảng 6 - 8 m2 vào năm 2025, khoảng 8 - 10 m2 vào năm 2030. "Vậy tỷ lệ này hiện nay ở Hà Nội là bao nhiêu, khi sửa luật thì các mục tiêu này thế nào?", ông Minh hỏi.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ, Hội nghị ĐB QH chuyên trách lần 5 cho ý kiến 8 dự án luật sẽ được thông qua tại kỳ họp 7 vào tháng 5. Chủ tịch QH đề nghị các ĐB rà soát các nội dung dự án luật cho đến nay đã bám sát những chính sách lớn đặt ra khi bắt đầu xây dựng luật hay chưa. Các nội dung mới đưa vào đã có đánh giá tác động chưa.
Chủ tịch QH đề nghị các ĐB quán triệt nguyên tắc của Nghị quyết 27 của T.Ư Đảng khóa XIII về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Theo đó, những vấn đề đã chín, đã rõ, có sự đồng thuận cao thì quy định trong luật. Vấn đề nào chưa chín, chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu. Vấn đề nào chưa có sự thống nhất cao nhưng cấp bách, có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện thí điểm.
Chủ tịch QH cũng đề nghị các ĐB cho ý kiến vào những vấn đề lớn, còn ý kiến, phương án khác nhau tại 8 dự án luật. Cùng đó, theo Chủ tịch QH, 8 dự án luật được cho ý kiến tại hội nghị lần này có nhiều nội dung vượt trội, khác luật hiện hành, như các vấn đề trong luật Thủ đô sửa đổi hay luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Do đó, Chủ tịch QH đề nghị các ĐB rà soát, thảo luận cho ý kiến liên quan tới việc áp dụng pháp luật, điều khoản chuyển tiếp của các dự án luật.
Tương tự, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) nhận xét nhiều quy định tại dự thảo luật còn chung chung, mang tính "ước vọng", nghe rất hay nhưng không thực hiện được. Ông đề nghị quy định các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong quy hoạch thủ đô phải yêu cầu cao hơn quy định chung cả nước, tương đương các nước tiên tiến. Cùng đó, luật Thủ đô sửa đổi phải quy định rõ về khai thác không gian trên cao, không gian ngầm, không gian công cộng trong phát triển đô thị.
Ngoài ra, cần quy định quy hoạch thủ đô phải liên kết chặt với quy hoạch vùng để ưu tiên phân bố các hoạt động tinh túy, trình độ phát triển cao nhất về thủ đô và phân tán những hoạt động gây ô nhiễm ra ngoài. Ông Cường dẫn chứng, hiện dự thảo Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đang quy hoạch khu xử lý rác thải Sóc Sơn thành "bãi rác quốc gia", có chức năng xử lý rác thải độc hại cho các tỉnh khác ở miền Bắc. Đây là vấn đề đang gây tranh luận gay gắt, chưa phân định được vì "không có quy định nào cấm mang rác về thủ đô".
ĐB TP.Hà Nội cũng cho rằng rất cần luật hóa việc khai thác các dòng sông trên địa bàn thủ đô để khai thác tiềm năng vô cùng to lớn hai bên sông, song hiện nay chưa thực hiện được.
"Sông Hồng đáng lẽ phải trở thành không gian cảnh quan đẹp, sầm uất thì hiện nay hai bên bờ sông đang bỏ hoang, phát triển tự phát, nhếch nhác, trở thành vấn đề bức xúc do không thể tổ chức khai thác vì vướng quyết định của Chính phủ về phòng chống lũ trên sông Hồng và sông Thái Bình", ông Cường nêu và đề nghị luật Thủ đô phải luật hóa việc này.
Nhiều ĐB đề nghị luật cần bổ sung thêm các cơ chế đặc thù, vượt trội để Hà Nội có thể bứt phá. ĐB Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đề nghị trao cho TP quyền tự tổ chức các cơ quan chuyên môn phù hợp điều kiện, đặc điểm của mình trên cơ sở tiêu chí của Chính phủ, nhất là các cơ quan về xã hội, giáo dục, y tế… ĐB Đinh Ngọc Minh thì đề nghị cần có cơ chế linh hoạt hơn cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo từ chế độ sử dụng tài sản công, thử nghiệm giải pháp công nghệ mới hay mua sắm thiết bị đặc thù… để Hà Nội có thể bứt phá, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo cả nước.
Có nên đổi tên tòa án tỉnh và huyện?
Tại hội nghị, các ĐB cũng cho ý kiến đối với dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi do TAND tối cao chủ trì soạn thảo. Vấn đề được nhiều ĐB quan tâm tại dự luật là đề xuất đổi tên TAND tỉnh thành tòa phúc thẩm và TAND huyện thành tòa sơ thẩm.
Nhiều ĐB bày tỏ không tán thành với phương án đổi tên vì cho rằng hai cấp tòa dù đổi tên gọi nhưng cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ không có gì thay đổi. TAND sơ thẩm và phúc thẩm vẫn được bố trí theo địa giới hành chính như TAND cấp tỉnh và cấp huyện, chưa kể TAND phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án.
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhận định, nếu chỉ đổi mới ở tên gọi thì không tạo ra chuyển biến khác biệt trong công tác xét xử. Vì thế, bà Nga đề nghị giữ nguyên như phương án 2 để tránh tình trạng "bình mới rượu cũ" và hạn chế phát sinh các chi phí do thay đổi tên gọi cũng như thống nhất với các cơ quan tố tụng khác.
Đồng quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phản ánh "nhiều ý kiến nói sao cứ đổi hết cái này đến cái khác" và cho rằng chỉ thay đổi tên gọi là không cần thiết, cứ giữ nguyên như quy định hiện hành.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết cơ quan soạn thảo bảo lưu quan điểm cần đổi mới (gồm việc đổi tên) TAND cấp tỉnh và TAND cấp huyện. Ông viện dẫn Nghị quyết số 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và Nghị quyết số 27 của T.Ư Đảng khóa XIII năm 2022 về xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, đều nêu rõ "tổ chức tòa án phải theo thẩm quyền xét xử".
"Luật tố tụng không quy định TAND cấp tỉnh làm cái này, TAND cấp huyện làm cái kia, mà chỉ nói sơ thẩm, phúc thẩm. Bản án cũng không nói TAND Q.Ba Đình làm cái này, TAND TP.Hà Nội làm cái kia, mà chỉ nói là tòa án sơ thẩm, phúc thẩm quyết định thế này, thế kia", ông Bình phân tích.
Giống với nhiều lần đã trình bày trước đó, Chánh án TAND tối cao tiếp tục khẳng định không có quốc gia nào trên thế giới tổ chức tòa án theo cấp tỉnh và cấp huyện, bởi "đây là thẩm quyền quốc gia, quyền lực quốc gia nên phải tổ chức theo thẩm quyền xét xử".
Ông Bình cũng cho rằng dự thảo luật không chỉ đổi mới tên gọi mà đổi mới cả thẩm quyền xét xử đối với TAND cấp tỉnh và huyện. Việc thay đổi này sẽ còn nhiều hơn nữa khi tới đây sửa các luật tố tụng và phân cấp của tòa án. "Chúng ta đã tiến một bước khi phân cấp TAND huyện được xử án đến 15 năm, nhưng với trình độ hiện nay thì có thể xử đến chung thân, tử hình; nên chúng ta cần có các bước đi hợp lý, chứ không dừng lại mãi ở cấp huyện 15 năm", ông Bình nêu quan điểm.
Nhấn mạnh đến lợi ích mang lại từ việc đổi mới TAND cấp tỉnh và huyện, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình kỳ vọng nguyên tắc độc lập xét xử của tòa án sẽ được đảm bảo, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. "Hiện nay chúng ta không làm thì tương lai con cháu chúng ta cũng phải làm, đây là xu hướng thế giới. Nếu không sửa bây giờ là lỡ một cơ hội để đổi mới triệt để hoạt động tòa án", ông nói.